Tương lai Dải Gaza sau xung đột Israel - Hamas

Sau chiến dịch tấn công Hamas, Israel có thể tiếp quản Dải Gaza hoặc bàn giao quyền quản lý khu vực này cho người Palestine hay LHQ.

Israel đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công cục bộ vào Dải Gaza, với mục tiêu cuối cùng là “xóa sổ” Hamas, nhóm vũ trang đã tiến hành cuộc đột kích đẫm máu vào lãnh thổ nước này hôm 7/10. Giao tranh đang leo thang ở miền bắc Gaza và chưa có dấu hiệu Israel sẽ sớm dừng tiến công.

Tương lai Dải Gaza sau xung đột Israel - Hamas

Hiện trường đổ nát sau một cuộc không kích của Israel vào khu vực Khan Younis, phía nam Dải Gaza, hôm 27/10. Ảnh: Reuters

Michael Milshtein, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi Moshe Dayan thuộc Đại học Tel Aviv, chiến dịch tấn công trên bộ là giải pháp duy nhất cho Israel lúc này và nhiều khả năng họ sẽ đạt được mục tiêu quân sự của mình là đánh bại Hamas, đối thủ có tiềm lực yếu hơn rất nhiều, dù sẽ gặp thách thức lớn trong tác chiến đô thị.

Trong lúc đó, một câu hỏi liên tục xuất hiện: Gaza sẽ được quản lý thế nào nếu Israel hoàn thành mục tiêu đề ra? Tel Aviv chưa đưa ra câu trả lời cho vấn đề này và chưa rõ liệu họ có thể “xóa sổ” hoàn toàn Hamas hay không.

Dù vậy, theo Milshtein, điều chắc chắn là khoảng trống quyền lực không được phép tồn tại ở Dải Gaza hậu xung đột, nếu không “các nhóm cực đoan và vô chính phủ” sẽ lợi dụng tình hình để gây bất ổn.

Afghanistan là một ví dụ điển hình. Tại đây, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tìm cách lợi dụng sự lỏng lẻo của thể chế nhà nước sau khi Taliban lên nắm quyền để tăng cường các cuộc tấn công khủng bố. IS cũng đã lợi dụng tình trạng thiếu kiểm soát nhà nước ở vùng Sahel tại châu Phi để mở rộng ảnh hưởng.

Theo Milshtein, tương lai của Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc sẽ được định hình theo một số kịch bản, nhưng mỗi phương án đều tồn tại những thách thức riêng.

Israel kiểm soát Dải Gaza

Trước năm 2005, Israel đã triển khai lực lượng quân sự chiếm đóng và kiểm soát Dải Gaza suốt 38 năm. Nước này có khả năng làm điều đó một lần nữa sau chiến dịch quân sự ở Gaza, nhưng họ có thể đối mặt với làn sóng kháng cự mới, tương tự phong trào intifada cách đây gần 20 năm đã khiến họ phải rút quân khỏi dải đất này.

Tương lai Dải Gaza sau xung đột Israel - Hamas

Xe tăng của Israel được bố trí dọc biên giới với Dải Gaza. Ảnh: AFP

Stephan Stetter, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Lực lượng Vũ trang Liên bang Đức ở Munich, nhận định kịch bản này còn ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong khu vực và việc giải quyết nó không phải điều dễ dàng.

“Nhiều tiếng nói ở Israel đang gợi ý rằng họ nên chiếm đóng Dải Gaza”, Stetter cho hay. “Kịch bản này sẽ là một thùng dầu mới để đổ thêm vào lò lửa xung đột Israel - Palestine”.

Theo luật nhân đạo quốc tế, lực lượng chiếm đóng cần chịu trách nhiệm chăm lo cho người dân nơi họ đang kiểm soát. "Israel khi đó sẽ phải tự mình đảm nhận nhiệm vụ lo nơi ăn chốn ở, đảm bảo an ninh, chăm sóc y tế và các dịch vụ cơ bản cho hơn 2 triệu người ở Gaza. Về mặt tài chính, điều đó sẽ vượt quá khả năng của đất nước", Stetter giải thích.

Israel cũng khó quản lý lâu dài Dải Gaza trước áp lực phản đối từ các đồng minh phương Tây, trong đó có cả Mỹ. Việc làm này sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ với các quốc gia khác ở Trung Đông, những nước mà Tel Aviv đang cố gắng xích lại gần hơn.

Chính quyền Palestine tiếp quản quyền lực

Theo Milshtein, một giải pháp khác là Chính quyền Palestine ở Bờ Tây quay trở lại nắm quyền kiểm soát Dải Gaza. Chính quyền Palestine, do Tổng thống Mahmoud Abbas và đảng Fatah lãnh đạo, từng quản lý Dải Gaza trước khi Hamas nổi lên và lật đổ họ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2006.

Sau khi rút khỏi Dải Gaza, đảng Fatah quản lý các khu vực bán tự trị ở Bờ Tây, cách Gaza khoảng 80 km. Cuộc bầu cử gần đây nhất được tổ chức tại Bờ Tây diễn ra vào năm 2005 và Tổng thống Abbas nắm quyền kể từ đó. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chỉ kiểm soát một phần nhỏ Bờ Tây, còn hầu hết khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Israel.

Tại Gaza, đa phần người dân vẫn ủng hộ Hamas, lực lượng có quan điểm cứng rắn với Israel và chủ trương sử dụng vũ lực chống lại nhà nước Do Thái. Họ cho rằng Tổng thống Abbas chưa đủ cứng rắn và quyết đoán trước Israel .

Bởi vậy, Chính quyền Palestine ở Bờ Tây có thể không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Gaza nếu tiếp quản vùng đất này hậu xung đột. “Nếu Chính quyền Palestine tiến vào Dải Gaza sau chiến thắng của Israel trước Hamas, một số người có thể coi họ là bên giành quyền lực sau lưng các nạn nhân xung đột”, giáo sư Stetter nói.

Chính quyền do Liên hợp quốc dẫn dắt

Tương lai Dải Gaza sau xung đột Israel - Hamas

Người Palestine xông vào một trung tâm cung cấp viện trợ do Liên hợp quốc điều hành ở Deir al-Balah, Gaza, hôm 28/10. Ảnh: AFP

Về mặt lý thuyết, Liên hợp quốc có thể tiếp quản khu vực xung đột sau khi một bên giao tranh bị đánh bại, Stetter nói, lấy dẫn chứng từ câu chuyện của Kosovo và Đông Timor.

“Nhưng phương án này không thực tế ở Dải Gaza, nơi cuộc xung đột đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận toàn cầu”, ông cho hay. “Việc các quốc gia phương Tây đóng vai trò quan trọng trong giải pháp này có thể bị coi là rất nghiêm trọng”.

Stetter nói thêm rằng việc thuyết phục Liên hợp quốc đứng ra đảm nhận vai trò quản lý Dải Gaza cũng sẽ rất khó khăn.

Chính quyền do các quốc gia Arab điều hành

Một kịch bản khác được giáo sư Stetter đặt ra là các quốc gia Arab trong khu vực sẽ đảm nhận vai trò quản lý Dải Gaza, phối hợp cùng chính quyền Palestine ở Bờ Tây.

“Điều này thực sự có thể mang lại lợi ích cho một số quốc gia Arab, đặc biệt là những nước có thái độ dè dặt đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo”, ông nói.

Hamas được coi là chi nhánh Palestine của Tổ chức Anh em Hồi giáo mà Ai Cập, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) phản đối.

Hiện tại, thông điệp từ các quốc gia này vẫn tập trung vào tình đoàn kết với người Palestine, nỗi đau khổ của dân thường hay những thảm kịch mà Israel có thể gây ra nếu phát động chiến dịch tấn công trên bộ. Người dân ở các nước Arab cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Tuy nhiên, Stetter lưu ý rằng “thất bại của Hamas sẽ không bị coi là điều bất lợi ở Riyadh và Cairo”.

Kịch bản này có thể thuyết phục người Palestine tin rằng lợi ích của họ được quan tâm chứ không bị gạt sang một bên. Song theo Stetter, điều đó sẽ đòi hỏi “một số lực lượng đoàn kết tham gia, cũng như khả năng hợp tác với phương Tây và Liên hợp quốc”.

Bên cạnh hỗ trợ chính trị, hỗ trợ tài chính cũng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc để đảm bảo mô hình này có thể tồn tại lâu dài. Stetter lập luận rằng kịch bản trên không chỉ giúp người Palestine đạt được những triển vọng tích cực hơn mà còn mang lại an ninh tốt hơn cho Israel.

Dù vậy, không rõ liệu các quốc gia Arab, ngay cả những nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel, có sẵn sàng đầu tư vốn liếng chính trị và ngân sách vào kế hoạch này hay không. Các chuyên gia cho rằng mô hình này chỉ có thể thực hiện được trong trung hạn, trước khi các quốc gia Arab rút khỏi Gaza.

Chính quyền dân sự Palestine cai quản Gaza

Theo Milshtein, lựa chọn tốt hơn nhưng khó khăn hơn là thành lập một chính quyền dân sự hỗn hợp của người Palestine để cai quản Dải Gaza. Cơ quan này có thể được tạo thành từ các đại diện khác nhau của xã hội Palestine, như các thị trưởng địa phương. Nó cũng có thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Chính quyền Palestine ở Bờ Tây.

Mô hình như vậy có thể được Ai Cập, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ ủng hộ.

“Có khả năng trật tự mới này sẽ khó ổn định trong thời gian dài và gặp rất nhiều thách thức, nhưng nó tốt hơn nhiều so với tất cả các lựa chọn thay thế tồi tệ khác”, Milshtein nhận xét.

Theo VNE

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.