Tuyển dụng giáo viên ở Hà Tĩnh, vì sao chậm trễ?

(Baohatinh.vn) - Năm học 2018-2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trương tuyển dụng 410 giáo viên mầm non, tiểu học. Thế nhưng, gần 4 tháng trôi qua kể từ ngày năm học mới bắt đầu, việc tuyển dụng giáo viên vẫn chỉ dừng lại trên hồ sơ.

Chưa bổ sung giáo viên, các trường chịu khổ

Trường Tiểu học Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) có quy mô 14 lớp nhưng chỉ có 15 giáo viên, trong đó có 12 giáo viên văn hóa, 3 giáo viên chức năng. Để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, năm học 2018- 2019, trường được tỉnh cho chỉ tiêu thêm 3 giáo viên, nhưng do chưa tuyển dụng được nên hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường phải vừa làm công tác quản lý, vừa làm chủ nhiệm.

Tuyển dụng giáo viên ở Hà Tĩnh, vì sao chậm trễ?

Việc ghép lớp do thiếu giáo viên khiến nhiều phụ huynh băn khoăn lo lắng về chất lượng dạy học. Ảnh tư liệu.

Thầy Hoàng Nhật Tiến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Liên cho biết: “Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên khi chưa tuyển dụng bổ sung, ngay từ đầu năm học, thị xã đã cấp kinh phí hợp đồng 3 giáo viên nhưng chúng tôi không tìm ra giáo viên để hợp đồng. Thế nên cả hiệu trưởng và hiệu phó đều phải kiêm luôn công tác chủ nhiệm”.

Là một trong những địa bàn thiếu giáo viên nhiều nhất, năm học này, thị xã Kỳ Anh được tỉnh đồng ý cho tuyển 60 giáo viên, trong đó có 11 giáo viên mầm non và 49 giáo viên tiểu học nhưng do chậm trễ trong công tác tuyển dụng nên việc dạy học ở các trường chịu rất nhiều áp lực. “Mặc dù thị xã hỗ trợ nguồn cho các trường nhưng việc thuê hợp đồng giáo viên cũng rất khó. Phần vì lương hợp đồng ít ỏi, nhiều giáo viên ở xa không đủ để chi tiêu, phần còn lại giáo viên nghỉ để ôn thi” - ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh cho biết.

Tình trạng khó khăn trong công tác dạy học khi chưa tuyển dụng được giáo viên cũng diễn ra ở tất cả các huyện, thành, thị. Cô Phạm Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Lộc (Can Lộc) cho biết: “Theo phân bổ của tỉnh, năm nay, trường chúng tôi được tuyển 4 giáo viên. Việc chậm trễ trong công tác tuyển dụng khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong bố trí giáo viên. Dù đã lựa chọn ghép lớp ngay từ đầu năm học nhưng vẫn còn thiếu 2 giáo viên đứng lớp, trong khi nguồn của huyện chỉ cho 1 suất hợp đồng nên chúng tôi đành phải trích nguồn chi thường xuyên để hợp đồng thêm 1 giáo viên. Những lúc các giáo viên đau ốm hay có việc đột xuất xin nghỉ thì ban giám hiệu lại phải tăng cường”.

Tuyển dụng giáo viên ở Hà Tĩnh, vì sao chậm trễ?

Trường Tiểu học Quang Lộc (Can Lộc) cũng gặp nhiều khó khăn khi thiếu giáo viên đứng lớp

Việc ghép lớp cũng là giải pháp được Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên lựa chọn để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu giáo viên.

Anh Nguyễn Văn Phương (thị trấn Cẩm Xuyên) cho biết: “Hôm họp phụ huynh vừa rồi, tôi mới biết lớp của con đã phải ghép do cô giáo chủ nhiệm nghỉ sinh, trường thiếu giáo viên nên lớp phải chia ra để ghép vào 3 lớp khác. Điều mà phụ huynh chúng tôi lo lắng nhất là chất lượng học tập của con khi lớp đông”.

Chậm triển khai, vướng chứng chỉ ngoại ngữ

Ngay sau khi có chủ trương tuyển dụng của tỉnh, các địa phương đã thực hiện việc nhận hồ sơ tuyển dụng, xét đặc cách tuyển dụng giáo viên theo quy định. Nhưng, gần 4 tháng kể từ ngày năm học mới bắt đầu, việc tuyển dụng giáo viên ở các địa bàn vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân được xác định là do quá trình rà soát đối chiếu các quy định của Bộ GD&ĐT về quy chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì phần lớn các hồ sơ đều chưa đạt yêu cầu.

Về vấn đề này, nhiều hiệu trưởng và trưởng phòng GD&ĐT cũng cho rằng: Đối với các chứng chỉ này, hầu hết sinh viên mới ra trường đều chưa có vì Bộ GD&ĐT không đưa vào quy định trong đào tạo nên rất khó để đáp ứng yêu cầu.

Tuyển dụng giáo viên ở Hà Tĩnh, vì sao chậm trễ?

Hồ sơ xét tuyển giáo viên vẫn nằm chồng chất trong khi các nhà trường đang chịu áp lực về tình trạng thiếu giáo viên

Về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, liên bộ GD&ĐT và Nội vụ đã thống nhất tại Văn bản số 3755/BGĐT-GDTX ngày 3/8/2016 về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Nội dung của văn bản nêu rõ: Trong khi chờ xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức, triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí ngoại ngữ quốc gia, Bộ GD&ĐT đã giới thiệu 10 đơn vị được tổ chức rà soát, thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương 6 bậc của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Ngoài ra, các sở GD&ĐT cũng có thể xem xét các chứng chỉ khác như TOEFL, IELTS hoặc TOEIC... để đánh giá năng lực tiếng Anh của cán bộ, công chức và viên chức. Việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc giám đốc sở GD&ĐT (nếu được ủy quyền) xem xét, quyết định.

"Trên cơ sở quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, ngày 6/8/2018, Sở Nội vụ đã có Công văn 921 hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã thi tuyển số chỉ tiêu còn thiếu sau khi xét tuyển đặc cách (bằng giỏi, trình độ thạc sỹ và đã có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ theo quy định) để sát hạch trình độ ngoại ngữ, tin học. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản 8756 giao Sở GD&ĐT xác định việc công nhận chương trình ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiện tại, việc quy đổi các chứng chỉ chưa được triển khai nên công tác tuyển dụng vẫn chưa thể thực hiện" - ông Cù Huy Cẩm, Trưởng phòng Quản lý công chức, viên chức Sở Nội vụ cho biết

Thực tế này cũng cho thấy, ngoài những chồng chéo, bất cập trong quy định và quá trình đào tạo của Bộ GD&ĐT thì nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác tuyển dụng giáo viên một phần do các địa phương chưa nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Sở Nội vụ, của UBND tỉnh. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cũng chưa có sự phối hợp để đi đến thống nhất các thức tuyển dụng hay thi tuyển.

Hồ sơ xin việc của hàng trăm giáo viên vẫn còn chồng chất, trong khi nhiều trường đang chịu áp lực lớn do tình trạng thiếu giáo viên. Việc tìm giải pháp thực hiện công tác tuyển dụng đã trở thành vấn đề cấp thiết để tình trạng học sinh phải học ghép, học chung, giáo viên dạy vượt giờ và sinh viên ra trường mòn mỏi chờ việc.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.