Ukraine bên bờ vực sụp đổ phòng tuyến

Các quan chức quân sự Ukraine cảnh báo với tình trạng hiện nay, phòng tuyến của nước này có thể dễ dàng thất thủ trước một đợt tấn công lớn từ Nga.

Những tuyên bố hồi tháng 3 của tỷ phú công nghệ Elon Musk liên quan đến xung đột Ukraine đã khiến không ít người lo lắng. Ông cảnh báo mặc dù Nga không có cơ hội kiểm soát toàn bộ Ukraine, "chiến sự càng kéo dài, Nga sẽ càng giành được nhiều lãnh thổ cho đến khi họ đến được Dnipro, nơi rất khó vượt qua".

"Tuy nhiên, nếu giao tranh kéo dài đủ lâu, Odessa cũng sẽ thất thủ", ông nói.

Từng không ít lần kêu gọi Kiev nhượng bộ lãnh thổ và phản đối gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD của Mỹ, Musk chắc chắn không được yêu quý ở Ukraine.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, miền đông Donetsk, ngày 22/2. Ảnh: AFP
Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, miền đông Donetsk, ngày 22/2. Ảnh: AFP

Nhưng dự báo từ tỷ phú thực ra khá giống với những cảnh báo nghiêm trọng mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra trong vài ngày qua. Theo ông, nếu quốc hội Mỹ không sớm phê duyệt gói viện trợ quan trọng đã bị đình trệ suốt nhiều tháng qua, quân đội Ukraine sẽ phải "rút lui từng bước" và một số thành phố lớn có nguy cơ sụp đổ trước đà tiến mạnh mẽ của quân đội Nga.

Những cảnh báo từ Tổng thống Zelensky dường như nằm trong nỗ lực ngoại giao nhằm gỡ nút thắt đối với nguồn viện trợ quân sự mà quân đội Ukraine rất khao khát. Họ đang thiếu mọi thứ, từ đạn pháo 155 mm đến hệ thống phòng không Patriot và máy bay không người lái (UAV). Nhưng sự thật là ngay cả khi gói viện trợ 60 tỷ USD được quốc hội Mỹ thông qua, nguồn tiếp tế khổng lồ đó có thể vẫn không đủ để giúp Ukraine lật ngược thế cờ, bình luận viên kỳ cựu Jamie Dettmer từ Politico đánh giá.

Một thất bại của Ukraine, đặc biệt là giữa bối cảnh bầu cử Mỹ và châu Âu, sẽ gia tăng áp lực đáng kể lên phương Tây và có thể buộc họ phải chấp nhận các cuộc đàm phán có lợi cho Nga, Dettmer cho biết thêm.

Về cơ bản, mọi thứ hiện tại phụ thuộc vào nơi Nga sẽ quyết định tập trung sức mạnh trong chiến dịch tiến công dự kiến diễn ra vào mùa hè này. Trước thời điểm đó, Nga đang liên tục tập kích cơ sở hạ tầng Ukraine bằng tên lửa và UAV, trải dài từ Kharkov và Sumy ở phía bắc đến Odessa ở phía nam, khiến Kiev khó đoán được họ định thực hiện cú đánh lớn tại đâu.

Theo các sĩ quan quân đội cấp cao từng phục vụ dưới quyền tướng Valery Zaluzhny, cựu tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine rời ghế hồi tháng hai, tình thế của Ukraine hiện "rất nghiệt ngã".

Họ cho biết có nguy cơ rất lớn tiền tuyến Ukraine sẽ sụp đổ ở bất cứ nơi nào quân đội Nga quyết định tập trung tấn công. Hơn nữa, nhờ quân số vượt trội và áp dụng chiến thuật bào mòn sinh lực địch suốt thời gian qua, Nga hoàn toàn đủ khả năng "đột phá tiền tuyến Ukraine và đánh sập nó ở nhiều khu vực".

"Không gì giúp được Ukraine bây giờ vì không có công nghệ nào đủ sức bù đắp sức mạnh cho chúng tôi trước số quân lớn của Nga. Chúng tôi không nắm những công nghệ đó và phương Tây cũng không cung cấp đủ số lượng", một nguồn tin quân sự hàng đầu Ukraine nhấn mạnh.

Theo ông, Ukraine giờ đây chỉ có thể dựa vào sức kháng cự của chính mình và sai sót của các chỉ huy Nga để thay đổi tình thế. Ví dụ cụ thể là cuộc tấn công quy mô lớn bằng xe tăng và thiết giáp của Nga dọc theo con đường từ làng Tonenke tới làng Umanske gần thành phố Avdeevka hồi cuối tháng 3, trong đó Moskva mất khoảng 20 phương tiện cơ giới.

Binh sĩ Ukraine bên dưới chiến hào ở vùng Kharkov, miền đông đất nước, hôm 10/3. Ảnh: AFP
Binh sĩ Ukraine bên dưới chiến hào ở vùng Kharkov, miền đông đất nước, hôm 10/3. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các quan chức quân sự cấp cao Ukraine lưu ý rằng chờ đợi đối phương sai sót không phải một chiến lược và họ thừa nhận những bước đi sai lầm ngay từ đầu, của cả Ukraine lẫn phương Tây, đã khiến quân đội hụt hơi trong nỗ lực phản kháng.

Họ cũng gay gắt về việc phương Tây không hành động kiên quyết, nói rằng nguồn viện trợ và hệ thống vũ khí đến không kịp thời cũng như không đủ số lượng đã khiến Ukraine không thể tạo ra những đột phá mang tính bước ngoặt.

"Tướng Zaluzhny thường gọi đây là 'cuộc chiến của cơ hội duy nhất'", một sĩ quan nói. "Điều này có nghĩa các hệ thống vũ khí sẽ rất nhanh chóng bị khắc chế. Ví dụ, chúng tôi từng sử dụng rất thành công tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP do Anh và Pháp cung cấp, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Người Nga luôn rút kinh nghiệm. Họ không cho chúng tôi cơ hội thứ hai. Và họ đã thành công".

"Đừng tin vào những lời mô tả cường điệu về việc họ chỉ biết ném quân vào 'cối xay thịt'. Họ biết học hỏi và cải tiến từng ngày", ông cho biết thêm.

Các sĩ quan cho hay trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, tên lửa chống tăng vác vai từ Anh và Mỹ đã đến kịp thời, giúp họ bảo vệ thành công Kiev. Pháo phản lực HIMARS cũng phát huy tác dụng giúp họ đẩy Nga ra khỏi Kherson hồi tháng 11/2022.

"Nhưng chúng tôi thường không nhận được hệ thống vũ khí vào thời điểm chúng tôi cần nhất, chúng chỉ đến khi không còn phù hợp nữa", một quan chức cấp cao khác nói, lấy ví dụ về tiêm kích F-16. Khoảng hơn 10 chiếc F-16 dự kiến được đưa vào hoạt động vào mùa hè này, sau khi các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản.

"Mỗi loại vũ khí đều có thời điểm thích hợp riêng. Cần có F-16 vào năm 2023, chúng sẽ không còn phù hợp cho năm 2024", ông giải thích.

"Vài tháng qua, chúng tôi nhận thấy người Nga khai hỏa tên lửa từ Dzhankoy ở phía bắc Crimea, nhưng không mang đầu đạn. Chúng tôi ban đầu không thể hiểu họ đang làm gì nhưng sau đó nhận ra họ đang thăm dò", ông nói. Nga đang tính toán nơi tốt nhất để triển khai các khẩu đội tên lửa S-400 nhằm mở rộng tối đa khu vực đánh chặn F-16, giữ những tiêm kích này tránh xa tiền tuyến và các trung tâm hậu cần của Moskva.

Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky thăm tiền tuyến miền đông trong bức ảnh công bố ngày 25/2. Ảnh: AFP
Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky thăm tiền tuyến miền đông trong bức ảnh công bố ngày 25/2. Ảnh: AFP

Các sĩ quan cũng cho biết hiện tại, họ cần nhiều UAV và vũ khí truyền thống cơ bản hơn. "Chúng tôi cần lựu pháo và đạn pháo, hàng trăm nghìn quả đạn pháo và tên lửa", một quan chức quân sự Ukraine giấu tên nói, ước tính Kiev cần đến 4 triệu quả đạn pháo và 2 triệu UAV. "Chúng tôi luôn giải thích với các đối tác phương Tây rằng chúng tôi có kinh nghiệm chiến đấu, chúng tôi hiểu về chiến trường. Họ có nguồn lực và cần cung cấp những gì chúng tôi cần".

Châu Âu đang cố gắng giúp Ukraine bù đắp nhược điểm to lớn về đạn pháo. Sáng kiến do Cộng hòa Czech triển khai có thể bổ sung cho Ukraine khoảng 1,5 triệu quả đạn 122 và 155 mm với tổng giá trị 3,3 tỷ USD, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu chiến trường.

Ukraine cũng cần nhiều binh sĩ hơn nữa, theo các sĩ quan. Họ hiện không có đủ quân ở tiền tuyến và điều này đang làm trầm trọng thêm vấn đề.

Nhưng tuần trước, tướng Oleksandr Syrsky, người thay thế tướng Zaluzhny, đột ngột tuyên bố Ukraine có thể không cần quá nhiều tân binh. Ông nói với hãng tin Ukrinform rằng sau khi xem xét các nguồn lực, con số đã "giảm đáng kể" và "chúng tôi hy vọng có đủ người bảo vệ quê hương".

"Tôi không chỉ nói về những người được huy động mà còn về những binh sĩ tình nguyện", ông cho hay.

Kế hoạch của ông là sau một khóa huấn luyện chuyên sâu 3-4 tháng, Ukraine có thể chuyển càng nhiều nhân viên quân sự phụ trách các công việc văn phòng và những người không có vai trò chiến đấu ra tiền tuyến càng tốt. Nhưng các sĩ quan cấp cao mà Politico phỏng vấn tin rằng tư lệnh Syrsky đã sai lầm và ông đang đưa ra tuyên bố theo "những luận điệu của các chính trị gia".

Sau đó, hôm 2/4, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh hạ độ tuổi gọi nhập ngũ với nam giới từ 27 xuống 25, mở rộng số lượng người có thể được đưa vào quân ngũ. Nhưng đối với Ukraine, nỗ lực này chỉ như muối bỏ bể.

"Chúng tôi không chỉ có một cuộc khủng hoảng quân sự mà còn đang đối mặt một cuộc khủng hoảng chính trị", một sĩ quan nói. "Trong lúc Ukraine lưỡng lự thực hiện một đợt huy động quân lớn thì Nga đang tập trung nguồn lực và sẽ sẵn sàng phát động cuộc tấn công quy mô vào khoảng tháng 8, có thể sớm hơn".

vnexpress.net

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.