Ước vọng tháng Giêng...

(Baohatinh.vn) - Tháng Giêng lại về trong sự giao hòa của những ngày cuối Đông và ngày đầu Xuân, trong ánh nắng ấm áp và lộc biếc, chồi non bung nở, ngàn hoa khoe sắc. Tháng Giêng không giống những tháng khác trong năm, nó luôn mang trong mình những điều đặc biệt riêng có.

uoc vong thang gieng

Tháng Giêng trong lòng phố. Ảnh: Thanh Hải

Trong tâm thức của người Việt, tháng Giêng là thời điểm đẹp nhất trong năm, là thời điểm bắt đầu của một năm mới, khởi đầu của mùa xuân và cũng là thời điểm mà đất trời dành nhiều “ưu ái”, cảm xúc nhất cho con người. Khi cái se lạnh của mùa đông còn sót lại kéo theo từng tia nắng ấm áp, chan hòa của mùa xuân cũng là lúc vạn vật đua nhau sinh sôi nảy nở. Cây cối bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc, vươn mình trong những khoảng không gian rộng lớn. Đất trời thay áo mới, con người khởi đầu cho nhiều dự định và những ước mơ hoài bão.

Tháng Giêng trôi đi chậm chạp nhưng thật bình yên và lắng đọng. Cơn mưa xuân lất phất đầu mùa còn đọng lại trên những cành lá xanh non, đất trời bắt đầu lan tỏa hơi ấm của những vạt nắng hanh hao và những dòng người lại nô nức, dập dìu trẩy hội, du xuân. Nét đẹp văn hóa ấy vẫn được lưu giữ trong dòng chảy của hôm nay và người ta nghĩ nhiều hơn về những giá trị của tình thân, tình yêu đôi lứa, xứ sở, cội nguồn... Tháng Giêng gieo vào lòng người thật nhiều ước vọng, chờ mong.

Tháng Giêng là tháng của ấm áp tình thân khi người ở nhà ngóng người đi xa, những người con tha hương được trở về quây quần bên gia đình, họ tộc. Những cuộc gặp gỡ, những buổi giao lưu ấm tình bè bạn, thầy cô luôn được mong chờ trong dịp đặc biệt này. Gặp gỡ rồi chia tay, tháng Giêng luôn để lại trong lòng người những xúc cảm bùi ngùi, da diết và lời hẹn cho cuộc hội ngộ của một năm về sau.

uoc vong thang gieng

Nghi thức thả thơ tại Ngày thơ Việt Nam lân thứ XV tại Hà Tĩnh

Còn được nhắc đến với tâm lý là “tháng ăn chơi”, tháng Giêng trong tâm thức và tập quán của người Việt xưa là quãng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, vui hội. Điều này xuất phát từ đặc điểm nền kinh tế thuần nông, tập quán sinh hoạt và làm việc của người dân lệ thuộc nhiều vào tiết nông lịch. Hơn nữa, họ quan niệm dù làm nghề gì cũng nhất thiết phải có thời gian nghỉ ngơi để bù lại những tháng ngày lao động cực nhọc “một nắng hai sương”, “đầu tắt mặt tối”, nhất là việc nhà nông ngày xưa rất vất vả:

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà

Tháng ba thì đậu đã già

Ta đi ta hái về nhà phơi khô

Tháng tư đi tậu trâu bò

Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm

Sớm ngày đem lúa ra ngâm

Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra

Gánh đi ta ném ruộng ta

Đến khi lên mạ thì ta nhổ về

Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê

Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi

Cỏ lúa dọn đã sạch rồi

Nước ruộng vơi mười còn lại một hai

Ruộng thấp đóng một gàu giai

Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng

Chờ cho lúa có đòng đòng

Bấy giờ ta sẽ trả công cho người

Bao giờ cho đến tháng mười

Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta

Gặt xong ta hái về nhà

Phơi khô, quạt sạch thế là xong công.

Một năm quần quật với công việc nhà nông, tháng Giêng cũng là thời điểm được chọn để tổ chức những lễ hội. Phần lễ là để cầu bình an, thuận lợi cho cả năm, phần hội là để tạo sân chơi giải trí, để người dân “xả hơi”, xốc lại tinh thần cho một năm làm việc mới. Trong tháng Giêng, có một ngày lễ vô cùng quan trọng mà người Việt không thể bỏ qua, ấy là ngày rằm. Đây là ngày rằm đầu tiên của năm mới (hay còn gọi là tết Thượng nguyên, tết Nguyên tiêu) - là đêm trăng sáng đầu tiên, tròn đầy của một chu kỳ xuân mới, là khi âm dương giao hòa, cũng là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện những điều an lành cho cả năm.

uoc vong thang gieng

Du xuân hái lộc

Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của tết Nguyên tiêu trong tâm thức người Việt. Tại các chùa, trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu an lành, no ấm cho người dân. Còn tại các gia đình, rằm tháng Giêng cũng được người dân cúng bái rất cẩn trọng. Sau phần cúng lễ, gia đình, anh em họ hàng tụ họp nhau ăn uống, gặp mặt vui vẻ. Và thường thì sau lễ cúng rằm, người dân mới hoàn toàn kết thúc dư âm của kỳ nghỉ tết Nguyên đán để quay trở lại với nhịp sống thường nhật, toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc.

Cũng chính vì những ý nghĩa tốt đẹp đó mà tháng Giêng luôn được ưu ái chọn làm thời điểm tổ chức hỷ sự như: cưới hỏi, khánh thành nhà thờ, tân gia, khởi nghiệp… với mong muốn cầu mọi sự tốt lành, nhiều tài lộc đến. Nhưng cũng chính vì là tháng đẹp nhất trong năm nên con người tất bật, bận rộn hơn rất nhiều với những dự định, công việc, hội hè. Ngày nay, với yêu cầu công việc trong thời đại mới, tinh thần “tháng ăn chơi” đã được hạn chế rất nhiều. Người dân đã biết “chơi có chừng, dừng đúng lúc” để tập trung cho công việc. Với sự quán triệt mạnh mẽ từ các cơ quan, ban, ngành, ý thức của người dân, hầu hết người lao động đã biết sắp xếp, hài hòa giữa việc gia đình, dòng họ, giữa nhu cầu vui chơi giải trí với công việc xã hội. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập của đất nước trong thời đại mới.

Đến rồi đi theo quy luật của tạo hóa, tháng Giêng vẫn luôn mang đến những cảm xúc trong trẻo, diệu kỳ để con người đủ tâm thế khởi đầu một năm mới với những dự cảm tốt lành.

Đọc thêm

Cảm ơn đồng bào!

Cảm ơn đồng bào!

Trong cơn hoạn nạn do bão Yagi gây ra, người Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã chung tay cùng bà con miền Bắc khắc phục khó khăn, tái thiết sau thiên tai. Giờ đây, những bản làng, thôn xóm trên ấy đã xôn xao nhịp sống mới...
Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Nguyễn Nam Tiến - Trường THCS Kỳ Long (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã trở thành niềm tự hào khi trở thành thủ khoa môn KHTN - B (Hóa học) trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 vừa qua.