Hiểm họa từ “rác” văn hóa

Những ngày qua, khi dư luận chưa hết bức xúc trước việc một số ca khúc có ca từ tục tĩu được phát tán trên mạng, thì lại rộ lên một số bộ phim có nội dung phản cảm chưa được kiểm duyệt phát hành trên mạng Internet. Dù cơ quan quản lý văn hóa đã vào cuộc điều tra, xử lý vi phạm, nhưng hậu quả từ những thứ “rác” văn hóa trên mạng Internet chắn chắc sẽ để lại hậu quả khó lường.

Zing MP3 cũng bị "sở gáy"

Zing MP3 cũng bị "sở gáy"


Trên các trang âm nhạc trực tuyến lớn của Việt Nam (như Zing MP3, Nhaccuatui...) đăng tải nhiều ý kiến thể hiện rõ sự bất bình với những ca khúc có ngôn từ hết sức tục tĩu. Ca khúc rap này có 2 phần, do một số “nghệ sĩ trẻ” như Yanbi, Bueno, Mr.A, TMT, Mr.T thể hiện. Rất nhiều người bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ vì một ca khúc có ngôn từ “bẩn”, không thể coi là một sản phẩm âm nhạc như vậy lại có một chỗ công khai, chính thống trên những trang nghe nhạc lớn như Zing MP3.

Trước thực tế trên, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 95/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với hai trang mạng nghe nhạc trực tuyến là Công ty cổ phần Bạch Minh (chủ quản trang Chacha.vn) và Công ty chủ quản trang NhacVui do phổ biến bản ghi âm bài hát “Phiếu bé ngoan (Part)”, “Tan Ka Ka (Ganja)” có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm, các trang nhạc trực tuyến khác cũng đăng tải một số ca khúc tục tĩu, khiêu dâm này như Zing Mp3, Nhaccuatui… đang được cơ quan chức năng xem xét và chắc chắn cũng sẽ phải nhận mức xử phạt nghiêm khắc.


Còn với bộ phim nhiều tập “Căn hộ số 69”, gắn mác 18+, bộ phim đề cập chuyện tình yêu, tình dục, tình bạn của những người trẻ tuổi sống ở thành thị. Biết chắc sẽ không có cơ hội phát hành qua đường chính thống, nhà sản xuất phim đã chọn phát trên kênh YouTube. Chỉ sau 2 tuần được tung lên YouTube, tập 1 của “Căn hộ số 69” đã đạt hơn 2 triệu lượt xem, chưa kể nó được phát lại trên nhiều trang mạng khác với số người truy cập tăng đột biến.


Sau khi nhận được những phản hồi gay gắt từ phía dư luận, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã vào cuộc nhằm làm rõ những sai phạm của nhà sản xuất bộ phim. Ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết, việc sản xuất và phổ biến bộ phim nói trên là vi phạm pháp luật (Luật Điện ảnh). Các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim phải thông qua hãng phim có tư cách pháp nhân, nghĩa là có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp.

Không những thế, phim muốn phổ biến phải được Hội đồng thẩm định phim thẩm định và tư vấn để Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến phim. Do vậy, nhà sản xuất phim “Căn hộ số 69” không có tư cách pháp nhân, không có chức năng sản xuất phim theo quy định, đã vi phạm điều 49 của Luật Điện ảnh. Thêm vào đó, nhà sản xuất bộ phim này cũng vi phạm điều 51 trong Luật Điện ảnh về hành vi vi phạm trong phổ biến phim (chiếu phim, phát sóng phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền).


“Căn hộ số 69” không phải là phim phản cảm đầu tiên được tung lên mạng. Trước đó, đã có rất nhiều bộ phim được sản xuất trong nước cũng tung ra những trailer nóng bỏng, cảnh sex trần trụi khiến dư luận lên án (“Chuông reo là bắn”, “Bẫy cấp 3”, “Biết chết liền”...). Điều đáng nói, những bộ phim đầy yếu tố dung tục sống sượng này được sản xuất và phát tán một cách công khai. Ngay từ khi bấm máy, ê kíp làm phim đã có chiến lược truyền thông rõ ràng, quy mô và rầm rộ trên các phương tiện truyền thông.


Từ vi phạm nêu trên cho thấy, việc quản lý các tác phẩm ca nhạc, điện ảnh trên mạng Internet hiện nay còn không ít bất cập. Hay nói cách khác, công tác quản lý nhà nước đối với các tác phẩm đăng tải trên Internet, trên các trang mạng xã hội vẫn bị buông lỏng. Điều này khiến dư luận lo lắng bởi sẽ rất khó trong việc kiểm soát người xem và hậu quả mà nó mang lại sẽ thật khó lường. Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như những sản phẩm âm nhạc hoặc phim ảnh bậy bạ nêu trên được cổ súy và lan tràn trên các phương tiện nghe, nhìn chính thống.


Vẫn biết việc kiểm soát nội dung các sản phẩm văn hóa trên mạng Internet là hết sức khó khăn. Nhưng nếu các cơ quan chức năng (công an, văn hóa, thông tin truyền thông) cùng đồng lòng vào cuộc, siết chặt quản lý, thì chắc chắn rằng, những sản phẩm nhạc "rác", phim “bẩn” sẽ khó có cơ hội để phát tán rộng rãi, gây hậu quả xấu tới công chúng.

Theo Baotintuc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast