Người về trên bến Tam Soa

(Baohatinh.vn) - “Tùng Lĩnh - Mai Hồ, đất thiêng người giỏi” là những lời đúc kết mà người xưa nói về mạch đất Tùng Ảnh – Mai Hồ từ xa xưa cho đến hôm nay.

Đôi dòng Ngàn Sâu – Ngàn Phố bắt nguồn từ đại ngàn cao xanh rồi hợp lưu thành bến Tam Soa, thành sông lớn mà xuôi về hướng Đông. Mạch núi, mạch sông vòng lượn theo nhau như thế thanh long, bạch hổ. Đây Tam Soa như ba dải lụa đào. Nọ núi Tùng thông xanh soi bóng. Nhìn sang Quần Hội mà hương khói còn phảng phất. Non nước hữu tình còn in dấu linh thiêng với đền Linh Cảm, nơi thờ vị khai quốc công thần Đinh Lễ ngày vung gươm phò chúa Lam Sơn. Vời trông Thiên Nhẫn xa mờ như dải màn giăng kín trời Tây để bóng tà vừa khuất bóng núi, dường như còn lặn xuống Tam Soa hay chăng mà màu chiều loang trên bến rộng, sông dài đỏ rực như son. Non sông chung tú cho khí thiêng hội tụ đất này. Phù sa muôn đời tài bồi cho làng quê tốt tươi, cho cuộc đời thêm sinh khí. Thời nào cũng vậy, đất Tùng Ảnh luôn sản sinh hiền tài. Bao bậc khoa danh, bao nhà ái quốc… thơm tiếng trong truyền thống xả thân vì nước, để quốc sử đời đời truyền tụng. Mỗi mái nhà, mỗi bóng cây nơi đây ẩn chứa bao sự tích về làng khoa bảng, về người khoa giáp để tên tuổi lưu danh cùng sử sách.

Bến Tam Soa (Tùng Ảnh - Đức Thọ)

Bến Tam Soa (Tùng Ảnh - Đức Thọ)

Những mái đình cong in hình tên phủ, những từ đường của dòng họ như huyết mạch từ cội nguồn xưa truyền đến hôm nay.

Người đời và sử sách ghi nhớ mãi về cuộc tác hợp giữa nhà khoa bảng Giải nguyên Trần Văn Phổ và cô thôn nữ Hoàng Thị Cát đã hiến cho cuộc đời tên tuổi Trần Phú - người cộng sản ưu tú, người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.

Ngày 1/5/1904, khi Trần Phú cất tiếng chào đời là lúc quê hương, đất nước đang đắm chìm trong vòng nô lệ. Tiếng khóc đầu tiên của Trần Phú nghẹn trong tiếng nấc của 25 triệu người An Nam với nỗi nhục mất nước, nỗi thống khổ bởi gông cùm, xiềng xích. Mấy mươi năm ấy, tiền đồ đen tối như không có đường ra. Nhưng lịch sử đặt dấu hỏi và cũng chính sự biến đổi trong xã hội đương thời trả lời cho việc tìm đường cứu nước khi những nhân tố mới xuất hiện trên bầu trời cách mạng Việt Nam. Từ việc theo học trường Quốc Học Huế rồi dạy học ở trường Cao Xuân Dục, ở Trần Phú đã hình thành ý thức hệ của luồng tư tưởng mới. Tư tưởng ấy đã cộng hưởng và lĩnh hội ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin từ nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Thông qua những tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Người cùng khổ” dội về Việt Nam.

Luồng ánh sáng mới mẻ ấy đã hình thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mà người lĩnh hội và truyền bá là Nguyễn Ái Quốc. Từ việc tham gia lớp huấn luyện lý luận cách mạng tại Quảng Châu, Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa, Trần Phú, bằng kiến thức ưu việt, từ một trí thức trở thành người cộng sản. Cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản ngày 3/2/1930 đã ra đời chính Đảng của giai cấp vô sản. Chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cách mạng. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất vào tháng 10/1930 đã thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo. Đó là bản cương lĩnh chính trị của một Đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng. Trọng trách Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng được giao cho người con xuất sắc của đất Tùng Lĩnh - Mai Hồ - Hà Tĩnh. Khu lưu niệm này còn lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng và xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Tổng Bí thư Trần Phú.

Dấn thân trên con đường cứu nước là chấp nhận hy sinh. Giữa lúc Đảng ta còn non trẻ, phong trào cách mạng trong cơn lửa nước thì tiếc thay, Tổng Bí thư Trần Phú rơi vào tay giặc Pháp tại Sài Gòn. Từ khám lớn Sài Gòn đến nhà thương Chợ Quán là cuộc đụng đầu quyết liệt giữa khí phách gang thép của người cộng sản trẻ tuổi và bộ mặt khát máu điên cuồng của nhà tù đế quốc. Biết bao cực hình nếm đủ, gương mặt người cộng sản vẫn điềm tĩnh lạ thường. Vẫn vững một niềm tin ở tương lai của cách mạng. Đòn roi, bệnh tật đã cướp đi sinh mệnh Trần Phú. Đồng chí ra đi ngày 6/9/1931 tại nhà thương Chợ Quán - Sài Gòn. Lời cuối cùng nhắn gửi với đồng chí, đồng bào của người cộng sản kiên trung là “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

Tùng Lĩnh - Tam Soa, sông núi quê hương đón anh về sau bao biến cải. Núi Quần Hội uy nghiêm soi bóng sông dài. Thác là thể phách, còn là tinh anh. Người con ưu tú, bậc tiền bối cách mạng lại về giữa lòng đất mẹ. Khói hương quyện cùng mây trắng. Dòng người theo dòng thời gian tưởng niệm người cống hiến tuổi thanh xuân cho dân tộc. “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng, tấm lòng son chói sáng nghìn thu”, “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Lời thề thiêng liêng của người cộng sản năm xưa mãi mãi khắc vào bia đá, khắc vào thời gian theo dòng lịch sử. Và in vào trái tim muôn triệu người Việt Nam trong cuộc trường kỳ tranh đấu giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Gần một thế kỷ đã qua, biết mấy đổi thay trên bến Tam Soa, trên quê hương Tùng Ảnh. Sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú cho cuộc sống xanh tươi để Tùng Ảnh vươn mình lớn mạnh cùng quê hương, đất nước.

Non Tùng vẫn uy nghiêm rọi bóng Tam Soa – non sông lồng bóng những con người làm nên lịch sử. Trải bao dâu bể lở bồi, vẫn một vầng dương chín đỏ khi hoàng hôn buông nhuộm tím bến Tam Soa và làng quê Tùng Ảnh. Dòng sông như vành nôi êm đềm vỗ ru một miền quê văn hiến. Trên những bãi bồi xanh mướt ngô non đang trổ cờ. Và trên quê hương thanh bình đổi mới hôm nay, bóng cầu, đường điện cao thế vắt qua Tùng Ảnh rung lên cung đàn tha thiết như đất trời đang nồng nàn cung bậc mùa xuân.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.