Trong làn mưa bụi tháng Ba

Ngày còn sống, bà tôi thường nói mưa bụi tháng 3 còn mang theo cả hơi ấm của đất trời cho lúa đẹp thì con gái, cho hoa bưởi trắng cành, cho muôn loài cây đơm hoa, kết trái…

Cuối tháng 2, nắng đã ửng hồng má môi thiếu nữ, người người vội tìm áo mỏng để mặc, ấy thế mà khi ông già thời gian vừa nhón gót sang tháng 3 đã thấy mưa bụi đổ mờ khắp nẻo mang theo hơi lạnh rất dễ chịu.

“…Em ơi sáng nay mưa bụi bay/ Mùa xuân tìm đến bên ta từng chấm nhỏ”, không biết Vũ Duy Thông viết những câu thơ ấy vào thời điểm nào nhưng với những trải nghiệm của lòng mình thì mỗi lần mưa bụi tháng ba trở về bay đầy ngõ phố là tôi lại liên tưởng tới nó như một sự trở về đầy da diết của mùa xuân.

Chính mùa xuân đang sợ con người quên lãng nên nhờ mưa bụi tìm đến lòng người và gieo vào đó những xúc cảm khó quên. Khác với sự lê thê của tháng giêng, mưa bụi tháng ba ít hơn, nó giống như là nỗi nhớ chơi vơi, gần gũi mà xa xôi, mơ hồ. Đi qua những ngày nắng ấm, những làn mong manh ấy lặng lẽ trở về như một gã trai si tình đến ấp yêu đồng lúa, quấn quýt nương dâu, yêu chiều hoa trái và vấn vít với những con đò, triền sông, sóng nước, vương vấn tâm hồn con người.

Có lẽ tôi yêu tháng ba, nhất là khi mưa bụi đổ mờ cảnh vật bắt đầu từ khu vườn của nội. Đó là nơi có nhiều loài cây trái mà tháng ba nào cũng xanh mướt và thơm ngát hương đồng nội. Nhà của nội hướng ra cánh đồng lúa xanh rì và có đầy đủ các nét vẽ trong bức tranh làng quê với hai hàng cau thẳng tắp uốn cong theo giậu chè mạn hảo trước ngõ, với những cây bưởi đào, bưởi đường, với dâu da, thanh trà, lòng đỏ trứng gà và cả giống mơ, mận được ông mang về từ làng Trầm Thị (Hương Điền – Vũ Quang), với bờ ao phủ đầy hoa xoan tím...

Trong màn mưa bụi mong manh khu vườn ấy càng trở nên hư ảo và đượm màu cổ tích. Ngày theo con cháu lên xóm mới, bà nội vẫn giữ lại khu vườn như giữ lại kỷ vật thiêng liêng mà ông để lại và hầu như tháng 3 năm nào bà cũng trở về sống giữa miền hoa trái ấy. Từ khu vườn thanh bình đó, tôi đã từng ngồi lặng yên ngắm cánh đồng quê trầm mặc trong làn mưa bụi huyền ảo. Không gian yên ắng đến độ có thể nghe thấy tiếng vỗ cánh của đàn cò trắng kiếm ăn gần đấy hay tiếng gặm cỏ của lũ trâu bò trên bờ dường bờ thửa và cả tiếng châu chấu, cào cào đá nhau.

Bến sông trầm mặc trong làn mưa bụi tháng Ba
Bến sông trầm mặc trong làn mưa bụi tháng Ba

Cũng từ những góc nhỏ trong khu vườn ấy tôi đã được nội truyền cho niềm tin vào cuộc sống thông qua những câu chuyện cổ tích, những bài ca dao, đồng dao giản dị, thân thuộc. Không gian êm đềm đó đã gieo vào lòng tôi những xúc cảm không thể mờ phai để bây giờ dù ở đâu, mỗi lần trải qua cái khí hậu tương tự như thế là lòng tôi tự dưng lại trở về giữa không gian ấy.

Và chắc rằng, giờ này, khi mưa bụi bay mờ làng mạc, khi hàng xoan bên bờ ao trải xuống mặt đất một tấm thảm hoa tim tím và cánh đồng lúa đang uống những giọt ngọc trời để xanh mướt trong thì con gái thì ở cõi nào đó nội cũng đang trở về giữa vườn nhà. Rồi trong rưng rưng miền nhớ, nội lại hồi tưởng những đêm hội làng năm nảo năm nào xa lắc, thuở nội còn con gái và lại đọc mấy câu trong bài thơ “Mưa xuân” của thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính với nỗi niềm đau đáu khôn nguôi:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay"

Có lẽ mưa bụi tháng ba gợi về nhiều nỗi nhớ, thế nên chiều nao, qua hàng xoan nơi góc phố tôi lại chợt nhớ những cây sưa nở hoa trắng muốt trong sân kí túc xá trường đại học. Những cánh hoa rụng bay bay hay chính là mưa bụi của cây đã gieo vào lòng người những nỗi niềm hư ảo. Bao lứa sinh viên đã đứng chụp hình cùng màn hoa rơi trắng muốt ấy để đến muôn đời vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ trường xa…

Trong mưa bụi tháng ba, cha tôi thể nào cũng xuôi về quê cũ, đến ngồi bên bến vắng, ngắm những con đò nằm trầm mặc trên bến, nhìn sang con đường Truông Voi nơi nội tôi và bao nhiêu bà mẹ thuở ấy đã tảo tần gồng gánh sang Nam Đàn buôn bán nuôi con mà cồn cào nhớ nội. Người nói rằng, chỉ ở đó, trong mưa bụi nhạt nhòa mới cảm nhận hết được nỗi nhọc nhằn của mẹ. Và cũng chỉ ở đó mới gợi về hình ảnh đẹp nhất của nội với gương mặt hiền từ hắt bóng xuống dòng sông. Rồi trong tiết thanh minh người lại hẹn em út, cháu con trở về tảo mộ tổ tiên.

Trong nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi, cha chú tôi vừa đắp đất, thắp hương trên mộ, vừa kể lại những ký ức thuở theo cha mẹ ra đồng, thuở ngồi xa kéo sợi, ngày lên vùng Đào Nguyên, Trầm Thị xây dựng kinh tế mới, ngày người làng chết đói, chết no… Và làn mưa bụi mỏng mảnh như nhuộm thêm chút khói sương cho những chuyện quá khứ… Cứ thế, thế hệ con cháu chúng tôi thấm đượm hơn nỗi nhọc nhằn của thế hệ trước và tự ý thức được trách nhiệm của mình trước cuộc đời. Và tôi tin rằng, trong tiết thanh minh, nơi nào, gia đình nào cũng được sống trong không khí đượm màu quá khứ đầy thiêng liêng ấy.

Tháng ba đang dần cạn và làn mưa bụi cũng đã trở nên mỏng mảnh hơn trước. Những cành na, cành bưởi… đang đợi mùa quả mới. Và đất trời cũng dần chuyển sang những sắc màu mới. Đi giữa những chấm nhỏ mùa xuân cuối cùng, lòng tôi lại mơ hồ nghĩ tới mùa sau với những nô nức ngày mới lẫn nỗi hoài niệm trầm mặc về những điều muôn năm cũ…

Đọc thêm

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.