Con nhà “lính”

(Baohatinh.vn) - Mỗi năm, khi những náo nức của ngày 19/8 trỗi dậy trong lòng ba mẹ tôi - những cán bộ công an đã nghỉ hưu là trong tôi cũng sống dậy ký ức của con nhà “lính” một thời. Có gian khổ, khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đầy kiên cường, bản lĩnh, giống như tinh thần của những người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vậy.

Con nhà “lính”

Lực lượng Công an nhân dân - những người giữ bình yên cho cuộc sống. Ảnh Internet

“Quỳnh ơi, chìa khóa nè con!”

Khi mẹ tôi vóng vót gọi từ ngoài ngõ như thế là đã đến giờ mẹ tôi đi trực ban. Tôi lúc đó, dẫu có đang và dở miếng cơm cũng sẽ đặt bát xuống, nhanh nhẩu chạy ra cúi đầu sát song cửa để mẹ tôi lồng dây chìa khóa vào cổ. Mẹ bảo làm thế vì tôi hay quên. Phải đeo vào cổ để mà giữ của giữ nả.

Nhà tôi thật chẳng có của nả gì ngoài cái giá sách. Một chiếc xe đạp thống nhất cũ, một cái quạt tai voi ông bà nội cho ba mẹ khi ra ở riêng và một đàn gà đang kì nhảy ổ. Từng đó thôi cũng đủ cho mẹ chẳng bao giờ yên tâm khi không tự tay đeo vào và tự tay tháo chiếc chìa khóa trên cổ tôi ra mỗi khi mẹ vắng nhà.

Cả ba mẹ tôi đều tốt nghiệp trường trung cấp cảnh sát vào năm 1977, hai năm sau ba tôi được điều chuyển lên phụ trách vùng miền núi Kỳ Sơn, giáp biên giới Việt - Lào. Mẹ tôi theo gia đình chuyển về Hà Tĩnh, công tác tại Đồn công an Thị xã Hà Tĩnh, chuyên về trực hộ tịch, hộ khẩu.

Con nhà “lính”

Mẹ tôi ngày về Hà Tĩnh nhận công tác năm 1979.

Hồi ấy, dân thưa, chủ yếu là dân gốc nên mẹ tôi gần như quen tất cả những hộ dân nơi đây. Thị xã nhỏ như lòng bàn tay. Từ Quốc lộ 1 rẽ xuống đường Phan Đình Phùng được xem là tuyến phố trung tâm lúc bấy giờ. Tuyến đường được rải nhựa, tập trung tất cả các cơ quan hành chính và chia đôi hai phường Bắc Hà, Nam Hà. Các đường phố còn lại chủ yếu là đường đất, mùa hè mù mịt bụi và mùa mưa thì nhão nhoẹt, đi lại khó khăn vô cùng.

Con nhà “lính”

Những khoảnh khắc đoàn tụ như thế này rất hiếm hoi đối với gia đình tôi hồi ấy.

Mẹ bận việc nên mấy chị em tôi cũng sớm tự lập. Khuôn viên đồn công an rộng lắm. Ngoài dãy nhà công vụ, phía sau có một bãi đất rộng dùng làm sân bóng, nhà chứa xe và khu tập thể. Khu tập thể nằm tít ra sau cuối cách khu làm việc cả một ruộng rau muống rộng và một cái bể chứa nước sinh hoạt cho cả đơn vị nên chúng tôi chả bao giờ được bén mảng vào. Vì thế, lũ trẻ con, ngoài buổi đi học ở trường, gần như hoàn toàn bị biệt lập với thế giới bên ngoài.

Chúng tôi - những đứa trẻ con nhà lính đã quá quen với việc không được phép tự động “vượt tuyến” ra phố nên việc khám phá xung quanh khuôn viên cơ quan cũng đã đủ thú vị rồi. Tôi còn nhớ, nằm lọt thỏm trong những trảng cây bụi hoang vu đa phần là cây nổ mắt là những cái hầm chữ A nhô lên đầy cỏ may và cỏ gà. Mẹ dặn chúng tôi không được đến gần đó, nơi đó ẩm thấp, có rất nhiều rắn rết nguy hiểm (nhưng thực chất đó là nơi để dành để tạm giam những người bị bắt trước khi đưa họ lên trại giam).

Nhưng những trò thường đã bị cấm cản lại sinh ra nhiều tò mò. Lũ trẻ chúng tôi vẫn lầm lũi bò qua hàng rào thép gai vào đó chơi say sưa không biết chán. Có những hôm trời nắng, chúng tôi chơi chán rồi ngủ quên dưới hầm chữ A, mát lạnh vô cùng.

Duy chỉ có một kỉ niệm mà tôi không dám kể với mẹ. Trong một lần trốn trong hầm chữ A chơi trốn tìm, tôi đã gặp một ánh mắt nhìn tôi từ sau song sắt. Đó là ánh mắt đau buồn ngấn nước mà tôi không thể nào quên nổi của người đàn ông vừa bị bắt vì móc túi. Tôi nhìn ông ấy, tự nhiên thấy thương, tôi ngồi lại một mình trong góc lặng nhìn ông ta rồi hình dung ra trăm ngàn lí do có thể biện minh cho việc làm sai trái của ông ấy: vì quá nghèo khổ, vì có một việc cấp kì nào đó khiến con người ta túng quẫn và làm liều…rồi mong chờ một sự hối cải, một sự giác ngộ của lương tri khi ông ngồi một mình trong căn phòng tranh tối tranh sáng. Lúc đó, tôi không còn sợ hãi, lặng lẽ đem chai nước đến đưa cho ông ta. Đó là chai nước chanh mẹ pha cho tôi trước lúc đi làm mà tôi cất dành mãi chưa uống hết.

Con nhà “lính”

Mẹ tôi - nữ cảnh sát mẫn cán.

Bẵng đi một thời gian sau, mẹ tôi gặp lại người đàn ông đó khi đang bốc thuốc ngoài chợ tỉnh, ông ta có hỏi mẹ tôi về đứa bé gầy và đen nhưng có đôi mắt rất trong trẻo đã đưa cho ông chai nước chanh làm ông bật khóc trong chiếc hầm chữ A năm nào. Tôi cũng thầm vui vì người đó giờ đã hoàn lương, chuyên bốc vác thuê ở chợ, kiếm sống qua ngày. Lúc đó, tôi không dám thú nhận với mẹ, đứa trẻ đó là tôi nhưng bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ, mẹ đã biết. Câu chuyện vì thế trở thành một điều bí mật của mẹ con tôi.

******

Mẹ tôi là dân nhà quê chính hiệu. Cả làng chỉ mỗi mẹ được đi học cấp 3 nên khi người ta về tuyển quân là mẹ tôi được chọn liền và mẹ cũng xung phong đi, không hề do dự. Bà ngoại hồi đó kiên quyết không cho đi, bắt ở nhà lấy chồng nhưng mẹ vẫn quyết tâm xin đi. Sau này, mẹ yêu ba rồi vào Hà Tĩnh, bà tôi khóc cạn nước mắt kêu “con gái mà lấy chồng xa, khác chi con lợn khái tha vào rừng”.

Cũng đúng, hồi đó giao thông cách trở, ngày mẹ sinh con đầu lòng, bà tôi một mình gánh trên vai một đầu gạo, một đầu khoai tây, đi bộ ngót nghét 200km từ Quỳnh Lưu - Nghệ An vào Hà Tĩnh chăm con chăm cháu.

Vất vả lắm mà rồi đâu vào đấy cả. Ba công tác xa, mẹ tôi sinh 3 đứa con, chủ yếu đều phải một thân một mình, quán xuyến mọi bề. Mẹ vẫn đi làm hằng ngày với tinh thần trách nhiệm cao và luôn hoàn thành tốt công việc được giao.

Thực lòng hồi ấy, chúng tôi không biết mẹ làm những gì, vì hình như mẹ luôn được điều động vào tất cả các nhiệm vụ khi trên địa bàn thị xã xẩy ra các vụ việc. Trên cơ sở địa bàn quản lý, hằng ngày, mẹ dành nhiều thời gian xuống cơ sở hướng dẫn bà con thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng… tuyên truyền, vận động Nhân dân trong khu vực thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của Đảng và Nhà nước; thường xuyên kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, đặc biệt, tập trung kiểm tra các khu vực phức tạp nhạy cảm về ANTT như khu nhà trọ cho thuê, các công trình đang xây dựng, bến xe, nhằm kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm.

Những khi cao điểm, cả cơ quan trực 100% mẹ cũng đi xuyên đêm như những người khác nên việc chúng tôi phải ngủ đêm không có người lớn là chuyện hết sức bình thường. Chính vì thế, trong ký ức con nhà lính của tôi có cả những nỗi sợ hãi không mùa đó. Tôi nhớ những ngày mùa hè nóng nực, chiếc quạt cóc không làm xua tan cơn nóng phả ra từ mái bê rô xi măng hầm hập, chị tôi mở cửa sổ nghe gió u u thổi trên những hàng ngô đồng trước bờ sông mà nghe rờn rợn.

Con nhà “lính”

Chiếc quạt cóc là hình ảnh tôi không thể quên trong ký ức con nhà “lính” của mình. Ảnh Internet

Còn những ngày mưa nắng thất thường, ban đêm chúng tôi còn chứng kiến những đốm lửa ma trơi lập lòe chạy khắp bãi tập, rồi khi tiếng con Bấc sủa vang trời là chúng tôi ôm nhau rúm ró khóc. Nhưng không có gì khuất phục được con nhà lính, lâu dần những đốm sáng ma trơi lập lòe lại trở thành mỗi ánh sáng lấp lánh trong những câu chuyện mà chúng tôi tự tưởng tượng (và điều đó tập cho chúng tôi sau này biết độc lập, phân định đúng sai, bản lĩnh trước mọi thử thách trong cuộc sống).

Mẹ tôi được khen thưởng nhiều, những giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận cho những đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ luôn có tên mẹ. Nhận những thành tích đó, mẹ cũng chỉ lặng lặng mà không tỏ ra vui hay buồn.

Sau này, khi chúng tôi lớn lên, mẹ xếp lại những bằng khen đó vào tủ thở dài: “Mẹ làm việc chẳng phải để cần bằng khen hay giấy khen, mẹ chỉ cần làm hết mình, nỗ lực hết mình vì công việc là được. Còn sau đó, mẹ chỉ ước được trở về nhà làm một người phụ nữ bình thường, có thời gian để chăm lo các con học hành. Giá mẹ có thời gian, các con sẽ được kèm cặp tốt hơn…nhưng nghề này đàn ông vất vả một thì phụ nữ vất vả mười và các con của lính lại có một sự thiệt thòi không giống như những đứa trẻ bình thường khác…”

Đúng là tôi không giống như những đứa trẻ bình thường khác. Ngay từ khi sinh ra cho đến khi gặp mặt ba mình tôi không có một mảy may nào ý niệm về ông. Những năm 1979, 1980, trước tình hình nguy cơ bất ổn của các vùng biên giới, một lực lượng cảnh sát đã được điều lên cắm chốt cắm bản. Ba tôi lên Mường Xén, để mẹ một mình lo nhà cửa, con cái. Hồi đó, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe ca từ TP. Vinh lên Mường Xén, người chen chung với lợn, gà, mắm ruốc khắm khú, mấy ngày trời mới lên đến Kỳ Sơn. Kỳ Sơn, huyện miền núi rẻo cao với địa hình phức tạp, độ dốc lớn, đường sá chỉ rặt đèo cao và suối sâu. Đời sống thấp kém kéo theo các tệ nạn xã hội, nơi đây một thời từng được mệnh danh là thủ phủ của cây thuốc phiện với tập quán trồng cây thuốc phiện lâu đời.

Ba tôi đã có gần 10 năm ở đó. Xa gia đình, vợ con cộng với thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn đã làm cho sức trẻ của ông bị phá hủy trầm trọng bởi sốt rét và rượu.

Có lần, tôi đã không nhận ra ba tôi khi ông trở về nhà. Đó là một buổi chiều khi tôi ngồi đọc sách bên hàng hiên. Một người đàn ông đầu tóc rối bù, mặc chiếc áo blu dông hở cúc, chiếc quần bạc phếch, thẩy chiếc ba lô đầy bụi đường rồi ôm chầm lấy tôi khiến tôi hoảng hốt khóc thét. Mẹ tôi khóc, ba tôi cũng khóc, ông bà cũng khóc, còn tôi lấm lét nấp sau chân ông gọi mãi không ra. Chỉ bà cố tôi cười buồn với ba: “Tại mi đi lâu quá nên con hắn quên, hắn chộ vợ mi gọi mi bằng anh nên hắn cũng gọi mi bằng anh rứa đó”.

Sau này, bà nội tôi nhắc mãi câu chuyện đó mỗi khi con cháu trong nhà có ý định theo nghề của ba mẹ tôi: “Chọn nghề chi không chọn, chọn cái nghề làm cực cả nhà” - ngẫm ra cũng thương bà.

Nhưng tôi biết ơn ba mẹ tôi. Từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi biết ơn những ngày tháng tự lập của những trẻ “con nhà lính” năm ấy, chúng tôi đã lớn lên và trưởng thành đầy rắn rỏi và bản lĩnh. Nghề nghiệp của ba mẹ tôi đã giúp chúng tôi nhận ra cái đúng sai trong cuộc đời. Nhất là lòng vị tha và tình thương của người phụ nữ Công an nhân dân đã cảm hóa được bao nhiêu con người lầm lỡ trở về hoàn lương, để sau này, chúng tôi lớn lên học được cách bao dung với cuộc đời.

Và tôi biết, cách mẹ tôi choàng vào cổ tôi chiếc chìa khóa đó không phải để giữ của giữ nả như mẹ tôi từng nói, mà chính là mẹ tôi đã choàng vào cổ tôi chiếc huy chương của lòng tin và sự dũng cảm mà con nhà lính đều phải đối mặt và chấp nhận…

Hà Tĩnh giờ thay đổi nhiều. Thị xã đã trở thành thành phố. Trụ sở công an của mẹ tôi ngày nào đã ba bốn lần sửa sang to đẹp nhưng vùng đất ấy, mỗi lần đi ngang qua đều cho tôi cảm giác thân thuộc yêu mến. Và mẹ tôi bây giờ, dẫu đã về hưu gần chục năm trời, năm nào đến ngày lễ truyền thống 19/8, cơ quan đều tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm và mời mẹ đến dự. Những lần như thế, mẹ tôi vui lắm, náo nức chọn đồ, gọi điện nhắn tin cho những đồng nghiệp cũ để hẹn nhau gặp mặt hàn huyên.

Tôi là con nhà lính, không theo nghiệp lính nhưng lại nhiều duyên nợ với công an qua những tác phẩm văn chương. Những câu chuyện nhân văn về tình đồng đội, tình quân dân và những hi sinh quên mình của họ khiến tôi cảm phục và nhận ra rằng: Cuộc sống này bình yên, hạnh phúc là nhờ vào những hi sinh thầm lặng không chỉ của riêng cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân mà còn là của cả những người thân - hậu phương vững chắc của họ nữa. Và tôi biết, “con nhà lính” bây giờ dẫu không giống chúng tôi ngày xưa nhưng cũng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn...

Hà Tĩnh, tháng 8/2022

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast