Lệch chuẩn đạo đức - góc nhìn từ chuyên gia

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, có một thực tế là một bộ phận người trẻ đang có những hành vi lệch chuẩn đạo đức. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn - người con của quê hương Lộc Hà hiện đang làm nghiên cứu sinh ngành Truyền thông Chiến lược và Quản trị Khủng hoảng tại Trường Đại học Công nghệ Imenau (CHLB Đức).

Lệch chuẩn đạo đức - góc nhìn từ chuyên gia
Lệch chuẩn đạo đức - góc nhìn từ chuyên gia
Lệch chuẩn đạo đức - góc nhìn từ chuyên gia

Đạo đức của một bộ phận giới trẻ Việt Nam đang xuống cấp khá trầm trọng. Tình trạng thờ ơ, vô cảm trước người yếu thế, a dua, sùng bái những con người, những hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức đang khá phổ biến trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thực. Anh có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Tôi có nghiên cứu về vấn đề này và nhận thấy xã hội hiện có nhiều vấn đề đặt ra về đạo đức của một bộ phận giới trẻ. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng thiếu những chỉ dẫn đạo đức cho các cá nhân. Nghĩa là, các cá nhân ở trong trạng thái hỗn loạn mà không nhận thức được mình theo cái nào thì đúng chuẩn mực, cái nào thì không. Và họ bị kích thích trước những cái mới, cái lạ rồi bắt chước những hành vi lệch chuẩn mà không hề hay biết mình đang lạc lối. Từ thực tế một bộ phận người trẻ đổ xô đi theo thần tượng, cổ xúy “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… một cách “tăng động” cho thấy họ đang mong muốn đi tìm một giá trị mới, khác lạ với những giá trị đạo đức quen thuộc. Tuy nhiên, họ lại không được trang bị những chỉ dẫn về hành vi, về chuẩn mực đạo đức, dẫn tới những suy nghĩ, hành động sai trái.

Lệch chuẩn đạo đức - góc nhìn từ chuyên gia

Thực tế này cũng xuất phát từ những hạn chế của hệ thống truyền thông chính thống khi chưa phát huy được vai trò “dẫn đạo”. Sự vào cuộc thiếu rốt ráo, thiếu dứt điểm của truyền thông chỉ có tác dụng xoa dịu trong một thời điểm và ngay sau đó là những “tác dụng phụ” lên giới trẻ khi gieo vào họ sự đổ vỡ, mất niềm tin.

Để hình thành nên giá trị đạo đức xã hội có rất nhiều yếu tố. Vậy theo anh, yếu tố nào đang bị “rớt nhịp”?

Theo tôi, giá trị đạo đức xã hội được vận hành bởi 3 yếu tố là gia đình, công quyền và tôn giáo. Hiện nay, giá trị đạo đức từ 3 yếu tố này đều có vấn đề.

Thứ nhất, các “tế bào của xã hội” đã bị đời sống vật chất chi phối, thiếu sự gắn kết, thiếu hụt tình cảm yêu thương, đùm bọc. Bữa ăn gia đình lẽ ra nên là nơi khởi nguồn, thắp sáng lý tưởng cao đẹp cho con cái thì lại bị bủa vây bởi những câu chuyện vật chất. Cha mẹ thiếu định hướng về thẩm mỹ, về tư duy, nhận thức cho con cái, thậm chí thiếu gương mẫu đã dẫn đến việc giới trẻ phải tự mày mò, tìm kiếm. Trong khi đó, mạng xã hội giống như một bàn ăn đầy đủ các món, ai cảm thấy mình hợp khẩu vị món nào thì chọn món ấy. Như vậy, sự thiếu vắng tình cảm gia đình đã khiến người trẻ bị nghèo nàn về lý tưởng sống, đẩy một bộ phận người trẻ vào “mê cung” của sự lệch chuẩn.

Lệch chuẩn đạo đức - góc nhìn từ chuyên gia

Yếu tố thứ 2 khiến người trẻ mất niềm tin là khi một số người rao giảng đạo đức lại vi phạm đạo đức một cách nghiêm trọng. Những hành vi gian lận trong thi cử, tham nhũng… xuất phát từ một số cán bộ khiến người trẻ trở nên hoang mang. Trong khi đó, trên mạng xã hội lại xuất hiện những hành động “nghĩa hiệp” của những đối tượng “giang hồ mạng” như Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh… Những hành động đó được một bộ phận không nhỏ người trẻ sùng bái, coi là “liều thuốc an thần”.

Ngày nay, một bộ phận người trẻ còn bị mất niềm tin khi tôn giáo bị lợi dụng. Hầu hết các giáo lý tôn giáo đều chứa đựng những giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Trong đó, giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng “buôn thần, bán thánh”, lợi dụng tôn giáo để trục lợi đã khiến các giá trị đạo đức xã hội bị ảnh hưởng.

Vậy, dưới góc nhìn của mình, anh có đưa ra giải pháp nào để khắc phục tình trạng đó không?

Có thể thấy, bi kịch của xã hội xuất phát từ trật tự xã hội bị đảo lộn. Thế nên, rất cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu xã hội học và các chuyên gia về truyền thông để có thể gọi tên chính xác từng hiện tượng, từng trào lưu. Từ đó mới dễ tìm được giải pháp cụ thể.

Lệch chuẩn đạo đức - góc nhìn từ chuyên gia

Hai nữa là nền giáo dục cần phải thay đổi. Theo tôi, nên có bộ môn truyền thông để dạy cho trẻ em ngay từ ngày đầu đến lớp. Qua đó, hình thành cho trẻ kỹ năng phản ứng trước thông tin trên mạng internet. Trẻ sẽ có thói quen kiểm chứng khi tiếp cận thông tin và sẽ tự tạo nên những chỉ dẫn đạo đức cho mình ngay từ nhỏ.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

thiết kế: huy tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast