Quê hương Trảo Nha và họ Ngô trứ danh

(Baohatinh.vn) - Trảo Nha (thôn Phúc Sơn - thị trấn Nghèn - Can Lộc) một ngày cuối đông mưa giăng trắng đồng thêm phần tịch lặng. Biển chỉ dẫn đền thờ Ngô Phúc Vạn đồng thời cũng là con đường dẫn tới ngôi làng của dòng họ Ngô sinh ra nhiều tướng quân nổi tiếng. Đặc biệt, đến đời thứ 27 lại lừng lững xuất hiện trong thi đàn Việt Nam một “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1916 - 2/2/2016)

Theo số điện thoại treo trên tấm bảng nhỏ trước cổng đền thờ Ngô Phúc Vạn, chúng tôi đã gặp được ông Ngô Cát là Trưởng ban Bảo tộc họ Ngô Trảo Nha. Ông Cát cho hay: “Đây là nhà thờ của họ Ngô nhưng lấy tên theo đền thờ Ngô Phúc Vạn vì với công trạng của ông, năm 1994, đền thờ và mộ Ngô Phúc Vạn được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia”. Gia phả của nhà thờ ghi đời thứ nhất là Ngô Nước.

Du khách tham quan nhà thờ Ngô Phúc Vạn...

Du khách tham quan nhà thờ Ngô Phúc Vạn...

Cụ tổ Ngô Nước (tức Ngô Lợi) là một trong 6 con trai cư biệt quán của Thanh Quốc công Ngô Khế. Cụ Ngô Nước đi lánh nạn vào đến xã Chỉ Châu, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An thì ở lại khai phá đất hoang làm ruộng, sinh sống nhiều năm. Về sau, dời ra thôn Trung Thủy rồi đến thôn Thổ Sơn, xã Đan Liên (Trảo Nha ngày nay) xin dân làng một khoảnh đất hoang khai phá làm vườn ở. Chính là chỗ chúng ta đang đứng đây và cả bên nhà tưởng niệm Xuân Diệu nữa – ông Cát nói.

Người bạn đi cùng tôi là một thạc sỹ ngành Lịch sử nói thêm: Trong “Tân kỷ Hoan châu Ngô thị truyền gia tập lục”, Ngô Phúc Lâm viết: “Ông bà Ngô Nước thường hay giúp người nghèo khó, cứu người lỡ bước gặp hoạn nạn, lại biết chữ nên được dân làng bầu làm Lý chính (một chức giống như Lý trưởng sau này)”.

Họ Ngô ở Trảo Nha sớm nổi tiếng là cự tộc võ thần từ thời Lê Trung Hưng. Và với những đóng góp đặc biệt của họ, Chúa Trịnh đã từng tặng cự tộc võ thần này 4 chữ “xã tắc Trảo Nha”.

Theo gia phả còn lại ở Trảo Nha, dưới thời Lê và Tây Sơn có tới 18 quận công, 36 hầu tước, 4 người đỗ tạo sĩ (tiến sĩ võ) và nhiều người đỗ tam trường võ. Đặc biệt, đời thứ 7, Toàn quận công Ngô Phúc Vạn là con rể của Trịnh Tùng được tặng Thái Bảo. Phúc Vạn có 10 người con trai làm rạng rỡ thêm võ công của dòng họ đều được phong công hầu. Con cháu 10 vị tướng này đi trấn nhậm nhiều nơi đã hình thành nhiều chi họ Ngô mới ở Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Nam, An Giang…

- Sắp tới, Guinness Việt Nam sẽ tổ chức lễ vinh danh họ Ngô là dòng họ có nhiều quận công nhất đó cháu!

- Thế ạ ông?

- Cùng với kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu sắp tới, năm nay, họ Ngô “song hỷ lâm môn” cháu à!

Không chỉ nổi tiếng là cự tộc võ thần, đầu thế kỷ XVIII, họ Ngô Trảo Nha còn nổi tiếng với nhiều văn tài với 3 người đỗ tiến sĩ, 2 người đỗ hương cống, 5 người đỗ cử nhân. Thời cận đại, ông nghè Ngô Đức Kế xuất thân trong gia đình cự nho, đỗ đại khoa nhưng không chịu ra làm quan mà đi tìm đường cứu nước. Thời hiện đại có Ngô Xuân Diệu đỗ tú tài tân học là một thi nhân nổi tiếng của Việt Nam.

... và phòng trưng bày nhà thờ Xuân Diệu

... và phòng trưng bày nhà thờ Xuân Diệu

Sinh năm 1916 tại Tuy Phước (Bình Định), nhưng có lẽ, ân tình những câu hát bội, bài chòi, những câu dân ca ví, giặm, ca trù và linh khí của 2 miền quê Hà Tĩnh - Bình Định đã hội tụ trong hồn thơ Xuân Diệu. Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), “ông hoàng của thơ tình”. Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào Thơ mới. Xuân Diệu đã đi vào thơ ca bằng những tập thơ độc đáo về ngôn ngữ cũng như bút pháp như: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945).

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám, ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, làm thư ký Tạp chí Tiền phong của hội. Sau đó, ông công tác trong Hội Văn nghệ Việt Nam, tham gia ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa I. Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng. Thời kỳ này, ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983).

Đặc biệt, tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu do huyện Can Lộc tổ chức, trong chương trình nghệ thuật “Những tiếng ân tình”. Có nhiều bài thơ trong tổng số 450 bài của Xuân Diệu sẽ được mời các nhạc sỹ phổ nhạc và hát chương trình nàỵ.

Chúng tôi tạm biệt ông Trưởng ban Bảo tộc họ Ngô Trảo Nha khi trời chiều đã căm căm rét. Đền thờ Ngô Phúc Vạn bao năm qua vẫn nằm tịch lặng trong huyên náo những chuyến về - đi của cháu con. Từ một niềm tin bền chắc, tôi chắc chắn rằng, gia phả họ Ngô sẽ còn được viết tiếp bằng những trang danh giá, sẽ còn xuất hiện những cái tên sáng chói để con cháu và quê hương mãi mãi tự hào.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast