Thư viện tuyến cơ sở (bài 1): Đìu hiu thời... công nghệ!

(Baohatinh.vn) - Từ lâu, thư viện tuyến cơ sở (huyện, xã) được xem là địa chỉ văn hóa, giúp các tầng lớp nhân dân tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, phong tục tập quán... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, những năm gần đây, thư viện tuyến cơ sở đang hoạt động hết sức trầm lắng.

Bao giờ cho đến… ngày xưa?!

“Cú hích” từ phong trào xây dựng làng văn hóa đã tạo động lực cho mạng lưới thư viện cơ sở phát triển. Những năm 2000 trở về trước được xem là thời kỳ hoàng kim của thư viện tuyến cơ sở. Thế nhưng, thời kỳ công nghệ thông tin, hoạt động của thư viện tuyến huyện, xã trở nên trầm lắng. Trong số 250 thư viện xã, phường trên toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 80 thư viện hoạt động.

Vắng bạn đọc là tình trạng chung của nhiều thư viện tuyến cơ sở hiện nay. (Ảnh chụp tại Thư viện huyện Can Lộc)
Vắng bạn đọc là tình trạng chung của nhiều thư viện tuyến cơ sở hiện nay. (Ảnh chụp tại Thư viện huyện Can Lộc)

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Thư viện tỉnh, thì: “Con số thống kê là thế nhưng số thư viện hoạt động tốt hiện giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, điển hình như: thôn Yên Bình (Thạch Bằng), Thạch Châu (Lộc Hà); Thạch Trị, Thạch Long (Thạch Hà); Đức Yên (Đức Thọ)…; số còn lại đang hoạt động trong tình trạng trì trệ và hoàn toàn bị động cả về con người, vốn tài liệu lẫn sự chỉ đạo, đầu tư của cấp cơ sở…”.

Mang theo những băn khoăn về cơ sở, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn của những người làm công tác thư viện trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay. Được đánh giá là một trong 8 thư viện tuyến cơ sở hoạt động hiệu quả nhất ở Can Lộc, nhưng khi chúng tôi đến, thư viện xã Xuân Lộc cũng trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Lau vội những chiếc ghế phủ đầy bụi trong căn phòng ẩm mốc mà trước đây là phòng làm việc của một cán bộ xã, anh Nguyễn Văn Sơn - Phó Xã đội trưởng kiêm phụ trách thư viện cho biết: “Trước đây, người dân háo hức với thư viện lắm, bất kể người già hay trẻ nhỏ đều đến để được đáp ứng nhu cầu đọc, hiểu. Người già thì tìm hiểu kiến thức về sức khỏe, nông dân tìm hiểu các kiến thức về thâm canh tăng vụ, trẻ em háo hức với các loại truyện, sách tham khảo… Thế nhưng, bây giờ, người dân đến thư viện thưa thớt hẳn, có tháng gần như không có ai, nếu có thì chỉ là học sinh đến tra cứu thông tin hay học các môn giải toán, giải tiếng Anh trên mạng. Mỗi tháng, bình quân cũng chỉ đón khoảng 50 lượt độc giả”.

Thư viện huyện Can Lộc cũng vắng lặng. Chị Trần Thị Ái Việt - phụ trách thư viện cho biết: “Lâu nay, người dân rất ít đến thư viện, đối tượng bạn đọc chủ yếu là học sinh nhưng chỉ thời điểm các em tan học thì mới thực sự nhộn nhịp”.

“Hữu sinh vô dưỡng”

Một thực tế đáng buồn mà Ban Giám đốc Thư viện tỉnh rút ra trong quá trình theo dõi, bám sát cơ sở đó là: “Đầu năm báo cáo thì cái gì cũng có, nhưng cuối năm kiểm tra lại chẳng có gì”. Hoạt động của thư viện tuyến cơ sở ngày càng khó khăn là điều tất yếu bởi một thực trạng có “sinh” mà không có “dưỡng”. Đó là có thư viện nhưng không có kinh phí để hoạt động; chế độ cho đội ngũ cán bộ thư viện chưa được quan tâm; thiếu đầu sách và không gian đọc…

Được hỗ trợ máy tính từ dự án Bill Gates nhưng thư viện xã Xuân Lộc (Can Lộc) vẫn chưa thu hút được nhiều bạn đọc.

Được hỗ trợ máy tính từ dự án Bill Gates nhưng thư viện xã Xuân Lộc (Can Lộc) vẫn chưa thu hút được nhiều bạn đọc.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ thư viện cơ sở hầu hết kiêm nhiệm, hay nói cách khác là “ăn theo” một số chức danh như: phụ nữ, công an, đoàn thanh niên, văn hóa xã… và trong hạng mục kinh phí hoạt động của các huyện, không bố trí cho thư viện.

Anh Nguyễn Văn Sơn (Xuân Lộc) cho biết: “Vừa làm xã đội phó lại kiêm thủ thư nên rất khó trong việc quản lý sách ở thư viện và việc đóng mở cửa. Năm 2011, thư viện xã được dự án Bill Gates tài trợ 5 máy vi tính nhưng do máy không được bảo trì, nâng cấp thường xuyên nên hiện nay, 2 máy đã hỏng, 3 máy còn lại chạy rất chậm”.

Kinh phí cho hoạt động thư viện cơ sở rất hạn chế nên cán bộ cũng chưa thể yên tâm công tác. Chị Trần Thị Ái Việt ngậm ngùi: “Mức lương hợp đồng ngắn hạn trong 10 năm qua của tôi chỉ được 500.000 đồng/tháng. Mới đây được chuyển vào hợp đồng dài hạn nhưng cũng chỉ được 1,8 triệu đồng/tháng”.

Cũng vì lý do kinh phí nên hầu như ở tuyến xã không có cán bộ thư viện chuyên biệt. Dù hàng năm, Thư viện tỉnh đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ nhưng do kiêm nhiệm nên đội ngũ này gặp khó về chuyên môn... Thêm vào đó, cán bộ thay đổi liên tục do chuyển công tác hoặc xin nghỉ, người mới thay thế thì chưa thạo việc nên khó khăn thêm chồng chất.

Cùng với nguồn kinh phí và nhân lực thì vấn đề cơ sở vật chất cũng là yếu tố gây trở ngại cho công tác phục vụ bạn đọc. Một số xã chưa có phòng thư viện, chủ yếu tận dụng các phòng cũ đã xuống cấp, ẩm thấp, mối mọt; một số nằm trong khuôn viên xã. Thêm vào đó, việc làm mới các đầu sách cũng chưa được quan tâm, kệ sách, bàn làm việc, ghế dành cho độc giả đều xuống cấp… nên số lượng bạn đọc đến với thư viện cũng thưa dần.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast