Vu lan, nhớ đấng sinh thành!

(Baohatinh.vn) - Một mùa Vu lan nữa lại về. Trong tâm thức của những người con đất Việt, rằm tháng 7 không chỉ là lễ rằm lớn nhất trong năm mà sâu xa, lắng đọng hơn thế là một ngày đại lễ báo hiếu đức sinh thành.

vu lan nho dang sinh thanh

Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu lan nhắc nhớ mỗi người về lòng hiếu thảo với đấng sinh thành.

Vu lan bắt nguồn từ sự tích về Mục Kiền Liên trong kinh Phật - một người đã tu thành chính quả và là một đệ tử rất được Đức Phật yêu quý. Nhờ tu tập mà ông có khả năng nhìn thấu suốt 10 tầng địa ngục, ông đã nhìn thấy người mẹ sinh thành ra ông đang chịu nhiều cực hình ở cõi âm. Vì quá thương mẹ, ông đã cầu xin Đức Phật nhưng Đức Phật nói một mình Mục Kiền Liên không thể cứu được bà bởi sinh thời bà đã phạm phải nghiệp chướng nơi trần thế.

Muốn cứu rỗi mẹ, Mục Kiền Liên phải nhờ sự hiệp lực của các chư tăng. Do vậy, rằm tháng 7 phải làm một cái lễ rồi nhờ các chư tăng cúng để giải hạn cho mẹ thì mẹ ông mới được siêu thoát. Từ đấy, những người theo đạo Phật cứ nhân ngày rằm tháng 7 noi gương hiếu thảo của người xưa, lại làm lễ báo hiếu cho cha mẹ, ông bà tổ tiên mình và còn lễ để giải thoát cho những người chịu khổ đau ở dưới cõi âm.

Ngày nay, Vu lan không chỉ là lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành đại lễ chung để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành. Mùa Vu lan báo hiếu đồng thời là dịp để mỗi người thể hiện sự yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm tới cha mẹ và những số phận xung quanh mình. Trong tâm thức của người Việt, ngày lễ Vu Lan luôn gắn liền với những hình ảnh của những người phụ nữ tảo tần, đảm đang sắm sửa mâm lễ để cúng tại gia. Hay những phật tử khéo léo bày biện hương hoa, chấp tay thành kính cầu khấn, vái lạy.

Càng gần đến ngày đại lễ, không khí chuẩn bị cho một mùa báo hiếu tại các nhà chùa càng tất bật, khẩn trương hơn. Thầy Thích Tâm Nguyện - trụ trì chùa Giai Lam (Thạch Tân - Thạch Hà) cho biết: Cùng với chuẩn bị những công việc cho rằm tháng 7, nhà chùa có kế hoạch tổ chức lễ Vu lan vào 12/7 âm lịch. Đây là dịp để các phật tử được thể hiện lòng thành kính, báo ân cha mẹ, ông bà tổ tiên; sám hối những lỗi lầm đã mắc phải với đấng sinh thành. Đồng thời, ngày lễ cũng mang một ý nghĩa hướng con người về với nguồn cội, nuôi dưỡng tình yêu nhân thế, chúng sinh.

Từng hồi chuông ngân lên cùng những lời thuyết giảng về đạo hiếu qua bao mùa Vu lan vẫn luôn đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi phật tử. Trong không khí thành kính, trang nghiêm, lắng đọng, ai cũng cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát, những người may mắn còn cha, còn mẹ thì “cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Cũng có người tìm được sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn khi sám hối được những lỗi lầm đã từng làm cha mẹ phải muộn phiền, tự hứa với lòng mình phải sống tốt hơn để đền đáp công ơn dưỡng dục.

Đẹp nhất, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong mỗi mùa Vu lan có lẽ là hình ảnh bông hồng cài áo. Mỗi người tham gia lễ, ai cũng được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn cha mẹ thì được cài bông hồng đỏ thắm, người không còn mẹ thì cài bông hồng trắng để nhớ về đấng sinh thành. Bông hồng cài áo như nhắc nhớ ta về sự may mắn được có cha, có mẹ trong đời, về ý nghĩa của những tháng ngày hạnh phúc khi cha mẹ còn sống. Để từ đó, mỗi người biết yêu kính, hiếu thảo hơn.

Rưng rưng mỗi dịp Vu lan tháng 7 về, chị Phan Thị Mai (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) xúc động: “Lễ Vu lan năm nào tôi cũng đến chùa làm lễ. Cài trên ngực bông hồng nhỏ màu trắng, tôi không khỏi rưng rưng nước mắt. Trong những dịp như thế này, mới thấm thía hết nỗi đau, mất mát khi sớm mồ côi. Còn cha còn mẹ - đó hẳn là một niềm hạnh phúc lớn lao mà không phải ai cũng có được”.

Đại lễ Vu lan báo hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân một số nước châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: Ai còn cha xin đừng làm cha khổ/ Hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu/ Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast