Bần khô bãi cạn

Khi tiếng gáy con gà trống ô vừa dứt, ngoài sân trời chưa tỏ mặt, tôi đang say giấc nồng thì bị cậu út dựng ngược dậy. Nếu là một ngày khác, chắc tôi phải đạp choài ra khỏi tay cậu rồi lăn ra nướng thêm chút nữa. Đằng này, vừa nghe cậu bảo “Nhanh lên đi chợ, ngoại dóng gánh xong hết rồi kìa” là tôi tỉnh hẳn, lòm còm bò dậy, tay dụi mắt phóng ào khỏi giường.

Húp vội chén cháo trắng lót dạ, bà gánh dưa hường nặng trĩu trên vai đi trước, tôi quàng túi đệm đựng chiếc cân xách lóc phóc theo sau. Lớp cát mặt tơi xốp qua một đêm tắm trong sương gió lạnh ngắt chân trần nên phải bước nhanh để giữ ấm. Thoáng cái, hai bà cháu đã qua hết vạt giồng phía trước nhà. Dừng lại khúc cua cập theo bãi cạn chỗ cây bần chết khô, ngoại đổi vai lấy thế để leo vượt qua nỗng cát cao thì nhánh cuối cùng buông tay rơi xuống.

Nhánh bần khô kia nào đáng giá gì ngoài việc lượm làm củi, nhưng đối với bà cháu tôi, gợi nhắc đến điều khiến phải nghĩ ngợi chờ mong. Bao niềm háo hức đang ngập tràn trong tôi bỗng tắt lụi khi ngoại nghe tiếng động quay lại, thở dài: “Lần hồi rụng ngoe rụng càng, biết có trụ nổi qua mùa gió này không?”. Tôi cũng ngó theo, một nỗi lo lắng mơ hồ bắt đầu xâm chiếm lấy mình. Nếu đúng như lời ngoại nói, hết mùa gió này mà cái thân kia đổ xuống, hổng biết chị Hai…

*

* *

Cậu út thường kể, lúc ông bà ngoại từ bỏ cảnh đời lênh đênh sông nước, cùng mấy bạn thương hồ chọn bãi ngang làm chỗ cắm dùi, thì xóm rẫy hồi ấy nằm cách hẳn với đất liền. Cả mấy vạt giồng thủy triều còn lên xuống hàng ngày.

Khuya ngày bà ngoại sinh chị Hai, sáng trên đường chèo ghe từ chỗ mụ Bảy về nhà, ông vớt cây bần con trôi dạt cắm vào mép bãi. Đến lượt cậu út chào đời cũng vậy, ông nhặt và cắm cây bần nhỏ bên cạnh, rồi gọi tên hai cây bần như tên hai đứa con của mình, bé Hai và thằng Ba. Chẳng biết do chưa bám rễ sâu hay mùa gió năm đó tràn về mạnh mẽ, sóng xô từng đợt lớn suốt đêm, cây bần của cậu bị cuốn mất. Sáng dậy ông tính vớt cây khác về thay thì bà ngoại cản, ai đời chọn cây bần để trồng cho con. Trôi rồi thì thôi, hổng lẽ một người lại sinh ra hai lần. Ông ngoại hề hà, bà đừng có sợ cái chữ bần, cây nó cũng có ích lắm. Tui chỉ ngại thằng Ba không khéo sẽ bị sóng gió dập vùi.

Không ngờ, cả hai điều ông bà ngoại nói tới đều trúng phóc với cậu út.

Năm mười lăm tuổi, cậu bị sóng biển mê hoặc, nằng nặc ông bà ngoại cho theo tàu đánh cá xa bờ. Chưa kịp bắt nhịp được hơi thở của mênh mênh trời nước thì cơn bão trái mùa ập đến. Ông bà ngoại chết điếng người trước hung tin hàng loạt tàu bị bão đánh tả tơi, sớm tối thay phiên nhau túc trực ngoài bến nhưng hy vọng cứ ngày càng lụn dần. Đến lúc không còn chút manh mối thì cậu xuất hiện. Chiều đó ông ngoại đang dọn cỏ, cuốc liếp trồng khoai lang, nhớ con nhìn về phía cây bần thì thấy cậu út như từ dưới đất chui lên, cùng một anh bạn thuyền.

Khỏi phải nói cả nhà mừng vui đến độ nào. Cậu giọng tỉnh bơ, kể lại vì sao mình tai qua nạn khỏi, rồi giới thiệu người bên cạnh: “Anh Hai này là người sinh con lần thứ hai đó, ba má coi kiếm gì mà đền ơn cho ảnh!”.

Đã nghe cậu út kể tới tui bao lần, hễ đến đoạn này là ruột gan tôi cảm thấy lạ lắm. Nửa muốn cậu ngừng lại, nửa lại muốn cậu tả thật kỹ, không sót chi tiết nào về mấy ngày anh Hai của cậu nán lại chơi. Nào là phụ ông đốn cây để thay cột nhà bị nghiêng sau bão, hì hục với cậu vét lại giếng, rồi đóng cho bà cái giàn úp chén, tẩn mẩn đục đẽo tặng chị Hai cái hộp đựng kim chỉ để cám ơn món canh chua bần cá út mà anh rất khoái.

“Tối trước ngày ảnh về quê, cậu kêu chị Hai ra ngoài gốc bần hỏi đại. Tui rủ anh Hai về giới thiệu cho chị đó, ý chị thế nào để còn cho ảnh hay. Chưa dứt câu chị cự cậu tơi bời hoa lá. Đương không người đâu lạ hoắc mà hỏi kỳ cục, se duyêt kết tóc kiểu gì giống cải lương ghê”.

Biết trước đoạn kết ra sao, tôi vẫn không kiềm được, cắt ngang vào:

“Vậy cậu phải làm sao chị Hai mới chịu?”.

Theo năn nỉ, rủ rỉ rù rì riết hổng kham, cậu chuyển sang hù họa. “Chị chê thì để đó, không có ảnh thì giờ chị khỏi nhìn mặt thằng em này, ở đó mà xa với lạ. Anh em tui thề sống chết có nhau, tàu sửa xong, phen này đi biển nữa, chị đừng có cản à nghe”.

Nào ngay, cũng nhờ là ông bà ngoại mến cái tánh người hiền hậu của ảnh, góp vô mấy câu, thế là hai anh chị thành vợ chồng. Cậu út phụ họa thêm, tại số trời định sẵn, chị hổng ưng thì thôi, ai ăn thịt ăn cá gì. Mà anh Hai đã lắm, sống có tình nghĩa, đàn ông thấy còn mê. Cậu bẹo vào gò má tôi hít hà, sóng mũi con cao, chân mày quệt ngang một đường giống hết ảnh làm tôi hãnh diện vô cùng. Bỏ mặc câu chuyện đang tiếp diễn, tôi thử hình dung tướng tá anh Hai đã như thế nào, nhưng không lần nào hoàn chỉnh. Có lần tôi nói, chẳng thà cậu tả giống người nào đó ở xóm mình cho dễ thì cậu khiến tôi bối rối hơn: “Chị Hai thương ai thì đâu phải tầm thường, mấy ông xóm giồng hổng bằng nửa ảnh”.

Giữ lời hứa, cậu và anh Hai gác mộng khơi xa. Khoảng giồng trước nhà nhiều mùa gió âm thầm mang cát tụ cao lên, được ông ngoại dày công ngày đêm chăm chút thành khoảnh, bỗng chốc trở nên xanh tốt với đủ loại bí, bắp, đậu, dưa khi có sự góp sức của hai thanh niên trai tráng. Nhưng cảnh quê an nhàn quẩn quanh buồn tẻ, đâu thể giữ chân mãi người lỡ mang trong mình máu phiêu bồng, đã từng trải tuổi xuân phơi phới giữa trùng khơi bát ngát. Anh Hai xin chị đi vài chuyến cho đỡ nhớ, vừa có thêm nguồn chi tiêu lo cho đứa con sắp chào đời. Ai dè lần đó, biển không cho anh về.

“Rồi chị Hai đi hồi nào, cậu sao không chịu…?”. Tôi vô tư hỏi.

“Cậu nhớ hình như con ngoài thôi nôi hai ba tháng. Bữa đó phụ ông ngoại chở cá vụn về ủ phân tưới dưa, chiều tối về thấy bà ngoại ôm con đứng chìm dưới bóng cây bần…”.

Mà cũng ngộ, chị Hai đi rồi, cây bần bắt đầu chết dần mòn, do cát bồi lấp bít hết cậc không còn đường thở hay nhớ người chẳng rõ. Ông ngoại thấy vậy định đốn làm củi cho khỏi chướng tai gai mắt. Bà ngoại không chịu, nói trồng làm chi rồi đốn bỏ cho đau người. Lá nào mà không rụng về cội, mất cây bần làm dấu, ít bữa con Hai biết ngã nào mà vô.

Qua từng mùa gió, cành lá khô héo, teo tóp mục rữa cứ rơi rụng dần. Khi tôi bắt đầu ý thức được cuộc sống chung quanh mình, cây bần chỉ còn lại đôi ba nhánh. Những khi nhớ chị Hai, bà ngoại lại dắt tôi ra gốc bần, rồi ngó mông lung về lối mòn vắt ngang nỗng cát. Nhiều lúc tôi ghét cây bần chết tiệt kia vô phương. Tại bữa đó nó níu kéo chân ngoại hay sao để cho chị Hai rảnh bước đi một hơi không thèm quay lại, khiến ông ngoại buồn tới mức sanh bệnh không qua khỏi…

*

* *

Bà ngoại gánh qua nỗng cát đoạn khá xa, tôi đứng lặng hồi lâu nhìn dáng cong queo của cây bần in vào nền trời vừa rựng sáng, cảm giác mặt đất như chông chênh suýt vấp ngã mấy lần. Tôi bỏ buổi chợ, băng tắt ngang qua đầu giồng, vừa nhoáng thấy bóng cậu đang múc nước chỗ góc giếng, tôi đưa tay làm loa: “Có chuyện cậu ơi!”.

Tôi đưa tay chỉ về phía cây bần, báo cho cậu biết một điều hết sức hệ trọng là nhánh bần khô gãy rồi và bày tỏ nỗi lo của mình. Cậu cười khì, nay cũng biết lo bò trắng răng, chị Hai nhớ dai lắm, hổng có quên đâu.

Mặc kệ răng bò đen trắng ra sao, thấy chưa vững bụng, tôi vặn vẹo thêm, rằng xa lâu ngày lỡ chị Hai quên thì sao, hay cậu có cách gì làm cho cây bần khô đứng miết ở đó dùm con đi. Cậu vỗ vai an ủi, cây bần coi mòi khá lắm, đến lúc chị Hai về, cả xóm mình xúm nhau kéo chưa chắc ngã.

“Chắc chị mắc công chuyện gì đó thôi. Để lứa dưa tết này, cậu nói ngoại mua cho mấy độ bồ mới. Mai mốt về gặp, con mặc vô cho chị nhìn không ra chơi, nay lớn sộn rồi”.

Cậu út khen làm tôi hồi hộp quá, lảng đi chỗ khác để cậu tiếp tục công việc. Nhớ tới lời cậu út lúc nãy, nhất định mấy bữa tới, theo ngoại đi chợ bán dưa hường, tôi ráng nhịn không đòi ăn quà bánh nữa, để xin ngoại mua bộ đồ liền, chớ chờ tới lứa dưa tết còn lâu quá, lỡ chị Hai về trước thì sao. Mặc áo quần mới vô, chị Hai về không nhận ra, thế nào cũng hỏi “Thằng nhóc nào ở nhà mình vậy má!”. Tôi sẽ thay ngoại trả lời ngay: “Con của ngoại chứ ai!” rồi vụt biến đi trốn vô gốc bần để cho chị tìm chơi.

Nhưng chợt nghĩ, giả sử chị Hai có sờ sờ trước mặt, chưa chắc gì mình nhận ra. Bởi cũng như anh Hai, tôi không thể hình dung rõ miệng mũi chị Hai tròn méo ra sao. Tấm lưng chị có thẳng nuột như cô Na mà bọn con nít xóm giồng thường cặp đôi cho cậu út hay lại khòm lại như bà ngoại lúc đang gánh dưa hường? Mà thiệt lòng, chị Hai còn nhớ đến tôi không nữa, đi gì mà lâu quá vậy. Ngay lúc này, ở phương trời nào đó, chị có hình dung ra cảnh tôi đang ngồi cuộn trong hốc cây bần mà nhớ chị và thấy nôn nao đến nỗi phải hắt xì nhảy mũi hông?

Tiếng chim cu gù gọi bạn hồi xa vẳng lại. Tôi bật dậy chui khỏi hốc bần khô, chạy ào ra ngoài bãi cạn, ngẩng nhìn bầu trời thẫm xanh cao vợi, gắng sức hô to “Chị Hai ơi!” như muốn nhờ gió cuốn bay bao nỗi niềm đang đầy ứ trong lòng. Thật lạ kỳ, sao âm giọng không chịu thoát ra môi để thành tiếng, mà chảy ngược tràn lên làm cay xè cả mắt…

PHONG HÂN

Nguồn: vannghequandoi

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast