Bếp lửa tình mẹ

(Baohatinh.vn) - Mùa mưa đến cho tôi bao cung bậc cảm xúc. Nó gợi lên bao nỗi nhớ. Nhớ mùi của đất, mùi của mái tranh ẩm ướt, mùi ngai ngái của cỏ, mùi nồng nàn của mấy khóm hoa nở bên hiên nhà, nhớ cả sợi khói mỏng manh từ bếp lửa nhỏ. Và nhớ cả những món ăn dân dã, đậm đà của mẹ bên bếp lửa ngày mưa...

Mưa đổ xuống mỗi lúc một nhiều, nhìn mưa tràn trề qua các mép ruộng trông giống như những cốc nước ngọt ngào mà thiên nhiên đã rót đầy để giải khát cho những ngày nắng hạn. Mưa xuống, cây lúa tốt tươi, ngọn lang xanh hơn, quả bầu, quả bí múp míp, vươn từng đợt non phủ trên mặt đất. Mưa về mang bao niềm vui. Nhưng xen lẫn trong niềm vui của vạn vật đang tươi tốt, của khí trời ẩm ướt, dễ chịu là cả những nỗi lo.

Bếp lửa tình mẹ ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Mưa về, những ông bố trên vùng quê nghèo lại thất nghiệp, bởi từng ngôi nhà, con đường, cây cầu, hay mọi công trình chỉ có thể chờ nắng lên mới thi công được. Mưa làm quang gánh của các bà, các mẹ như nặng nề hơn, vất vả hơn. Mưa về có khi kéo theo lũ và sẽ cuốn trôi đi những ổ gà, ổ vịt mà mẹ đã tốn công lót vài hôm trước.

Tôi thường quanh quẩn ở nhà với mẹ bên bếp lửa nhỏ. Ngày còn đi học, mỗi khi về đến nhà, tôi có thói quen xuống bếp lục lọi thức ăn mà mẹ đã nấu sẵn và treo trên chiếc gióng nhỏ trên giàn bếp. Sẵn bếp lửa hồng, tôi huơ tay, huơ chân để ráo bớt nước mưa còn đọng lại trên áo. Có khi tôi vùi đầu vào lòng mẹ để tìm hơi ấm như một con chim nhỏ luôn muốn được mẹ che chở.

Dường như, lúc nào mẹ cũng mang sẵn hơi ấm của cả bếp lửa trong ngày đông, để sưởi ấm và che chắn cho chúng tôi. Khi trời trở lạnh, tôi thức dậy cùng mẹ. Bên bếp lửa hồng, mẹ nấu ăn, còn tôi ê a học bài. Mẹ dạy tôi những câu danh ngôn, ca dao có trong lời ăn, tiếng nói hàng ngày. Tôi nhớ câu nói mẹ vẫn dặn tôi khi nấu bánh tét chiều 30 tết năm nao: “Dù ai nói ngả, nói nghiêng - lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Ngày ấy, trong đôi mắt thơ ngây của tôi, kiềng ba chân luôn vững vàng vì phải gánh trên mình bao nồi cơm, ấm nước nặng nhọc. Lớn lên, tôi thấm thía hơn lời dạy của mẹ bên bếp lửa ngày nào. Đó là phải vững lòng, không dao động, giữ vững lập trường trước những thử thách của cuộc đời. Tôi yêu mẹ, yêu ngọn lửa bập bùng cháy ngày ngày, yêu cả những lời dạy bảo của mẹ.

Mỗi khi nhóm lửa, mẹ thường dùng gốc củi to để nhóm bếp và giữ than. Ngày trước, hàng xóm cách nhau chỉ một bờ rào hoa cỏ dại, nhà này qua nhà kia xin lửa bằng một nắm rơm con cúi, rồi chạy về nhen nhóm. Cứ như thế, mỗi chiều, khói bếp bay lên từ những nóc nhà, trông đẹp và ấm áp biết bao! Với tôi, lửa được xem như một người bạn quen thuộc của nhà nông. Mùa gặt, trên những cánh đồng xa, lửa để đốt cháy chân rạ khô, đợi mưa xuống làm chất dinh dưỡng mùa sau cho lúa. Còn bếp lửa trong mỗi gia đình là nơi sum họp, quây quần.

Giữa mùa đông giá lạnh, giữa những bộn bề lo toan, được trở về quây quần bên mẹ, bên bếp lửa, cảm giác bình yên tràn ngập tâm hồn. Bên bếp lửa hồng, chúng tôi ngồi chồm hổm đợi mẹ rang bắp, rang đậu hay luộc khoai, nấu sắn mà biết chắc cái gì ngon nhất mẹ sẽ dành cho mình. Bên cạnh tôi, con mèo mướp vẫn ngoan ngoãn, im lìm đánh giấc.

Có lẽ, nỗi nhớ sâu thẳm trong trái tim của những người con xa quê là bếp lửa quê nhà. Mùa mưa, cái lạnh thi nhau kéo về dưới mỗi mái nhà, bếp lửa vẫn bập bùng cháy, bàn tay của những người phụ nữ vẫn tảo tần sớm hôm. Sau những chuyến hành trình dài, với bao công việc trên phố, tôi lại về bên mẹ, bên bếp lửa nhỏ để tìm lại hơi ấm ngày xưa. Yêu biết mấy bếp lửa hồng, ấm áp và chan chứa như tình mẹ!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast