“Đất nước tôi” - Thiêng liêng người mẹ Việt

(Baohatinh.vn) - Mỗi tháng 7 về, 2 từ “đất nước” thiêng liêng lại gọi về trong tôi nhiều xúc cảm. Đồng hiện trong 2 từ đó là hình ảnh về những đoàn quân trùng trùng ra trận bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh những người mẹ lặng lẽ lau nước mắt mong ngóng con trở về…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương còn lưu dấu đâu đó trên gương mặt mẹ hiền. Đất nước tôi của nhà thơ Tạ Hữu Yên là một trong những bài thơ khắc họa được tất thảy những điều đó.

dat nuoc toi thieng lieng nguoi me viet

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nơi đất Quảng

Bài thơ ra đời năm 1984, sau một lần nhà thơ thăm trại an dưỡng dành cho các bà mẹ có con là liệt sỹ ở Thái Bình. Và rất nhanh sau đó đã được nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc rồi nổi tiếng khắp cả nước.

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Các anh không về mình mẹ lặng yên

Đất nước tôi

Từ thuở còn nằm nôi

Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca dao

Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Suốt đời lam lũ

Thương lũy tre làng bãi dâu bến nước

Yêu trọn tình đời muối mặn gừng cay

***

Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Mấy mùa không ngủ

Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc

Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con

***

Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Tảo tần chung thủy

Như những câu hò lắng trong tiếng sáo

Đêm lạnh dặt dìu tiếng mẹ ru con

***

Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Vẫn còn gian khổ

Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói

Ta vẫn vẹn tình đắng ngọt cùng vui

Đất nước tôi

Sáng ngời muôn thuở

Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ.

Bài thơ tuy không bắt nguồn từ cảm hứng lớn như ở “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi nhưng với sự khắc họa của nhà thơ, hình ảnh đất nước vẫn hiện lên đầy đủ, cụ thể mà cô đọng. Qua nỗi đau của mẹ, qua ân tình của mẹ, Việt Nam là đất nước của những người con lam lũ mà anh hùng…

Chỉ 2 câu thơ: Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng yên, tác giả đã khắc họa được những cuộc chiến tranh tàn khốc và tấm lòng kiên trung, anh hùng của các bà mẹ Việt. Cách nói ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ chỉ là cách nói hình tượng, bởi trên dặm dài đất nước, ta có thể gặp rất nhiều những người mẹ mỏi mòn chờ đợi rất nhiều những đứa con.

Mẹ đã nén lòng, hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để đất nước đứng lên, hiên ngang trước giặc thù. Và nỗi đau của mẹ cũng như những mất mát của đất nước này như những giọt đàn bầu, buồn đó nhưng trầm lắng, nhẹ nhàng. Đọc bài thơ và nghe ca khúc này, tôi lại nhớ bức ảnh về mẹ Nguyễn Thị Thứ ngồi bên mâm cơm với 10 đôi đũa, 10 cái bát của nhà báo Trần Hồng. Với các mẹ, chiến tranh có thể mang thân thể con mẹ đi vĩnh viễn, nhưng các anh vẫn thường trực trong đời sống của mẹ, trong tình yêu, nỗi nhớ của mẹ.

Mẹ Việt Nam ở đâu cũng thế: Mấy mùa không ngủ/ Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc/ Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con. Con của mẹ đi xa rồi, mẹ lại nuôi giấu bộ đội hoạt động trên địa bàn. Mẹ là cánh cò trong câu ca dao “tảo tần chung thủy”, vẫn chia đều mỗi hạt lúa, củ khoai cho những đứa con chung của đất nước. Ở hình ảnh này, tôi lại nhớ tới hình ảnh người mẹ trong ca khúc “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn: Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù…

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh rất lạc quan: Đất nước tôi/ Sáng ngời muôn thuở/ Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ. Phải, đất nước sẽ sáng ngời muôn thuở bởi những ân tình từ mẹ hiền. Chiến tranh có thể làm mẹ mất chồng, mất con nhưng mẹ còn cả đất nước, vẫn còn hàng vạn, hàng nghìn đứa con chung. Và như Trịnh Công Sơn nói: Mẹ là gió uốn quanh/ Trên đời con thầm lặng/ Trong câu hát thanh bình/ Mẹ làm gió mong manh.

Bài thơ kết thúc nhưng những vần thơ giàu tính nhạc vẫn vỗ vào tâm hồn tôi những đợt sóng cảm xúc về tượng đài người mẹ Việt Nam anh hùng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast