Một nửa tôi là nhà quê

Sẽ vẫn thế, khi mà tôi cứ nhớ. Nhớ những đứa bạn chơi chung và nhiều hơn là những đứa không chơi. Lạ vậy. Cái Điểm là một trong những đứa cứ ám tôi thế.

Minh họa: Kim Duẫn
Minh họa: Kim Duẫn

Thật ra nó là chị họ của tôi. Nhưng trong khi bố nó là bác Huyền chưa nhận con thì cả làng vẫn chỉ coi nó là con hoang của một người đàn bà chửa buộm và tôi vẫn mày tao chi tớ với nó.

Học chung lớp nhưng Điểm chắc phải hơn tôi vài tuổi, lúc đó tóc đã dày, đã đen và đã biết chải mượt, cặp đẫy cái cặp ba lá dài đến tận thắt lưng. Bà bảo mẹ con nó sống cũng gieo neo, nhưng nó chả có vẻ gì con nhà khó. Mắt bồ câu rất sáng, mũi dọc dừa, miệng không nhỏ không to, răng trắng lóa, môi đỏ không dày quá, không mỏng quá trên một gương mặt giờ đàn bà con gái nghiến răng bỏ tiền thuê người cắt gọt đập mài xương hàm mới ra, vú mới chũm cau nhưng đã thấy dáng người rồi ra thanh mảnh. Nói thật là nó không có cái vẻ của người gồng gánh, chẳng biết gái làng quan họ đẹp thế nào nhưng nứt mắt đọc truyện không dành cho tuổi mình, tôi toàn hình dung họ giông giống cái Điểm, chỉ khác nỗi biết í i hừ hôi hừ a lính tình tang yêu và được yêu.

Lúc đó tôi trẻ ranh biết gì là yêu. Nhưng bọn cùng học thì chắc hơi hơi biết, vì chúng nó thích cái trò ve vẻ vè ve cái vè ai đấy đọc toáng lên chế nhau lắm. Mấy đứa con gái mười ba, mười bốn thể nào cũng có nhà để mắt ngắm nghé dấm trước cho thằng con mới chỉ biết tỏ vẻ hơn đời ở trò đứng trên thành cầu lao xuống sâu rồi trồi lên thở hí hóp, hay túm đuôi trâu trèo phắt lên lưng rồi dạng chân đứng hùng dũng đi vào ngõ. Nhưng bà, có lần gặp bọn tôi đi học về, nghe Điểm chào thì về lại chép miệng cảm thương: “Con bé này rồi ra khổ”. Lân la nghe hóng chuyện người lớn, tôi hiểu rằng lớn lên cái Điểm còn đẹp nữa nhưng mà sẽ khó lấy chồng làng.

Mẹ nó nghe nói đẹp lắm dẫu là chân tươi chân héo, phải lòng ông bác họ tôi một đời trai trẻ học ở Hà Nội, nghe nói rất tay chơi, bị ông vờn quyến thế nào đó mà sinh ra nó. Ông bác sau năm 1954 về làng, đi đâu cũng đánh mỗi bộ áo quần nâu phẳng phiu không dính một mảy bùn hay vết nhựa chuối, mặt lành lạnh và rất đẹp, cái đẹp thanh tú di truyền qua cho Điểm. Ông chẳng vợ con gì, sống chung với gia đình ông anh nhưng ăn riêng bằng thu nhập của cái vườn to vật trồng toàn một loại chuối ngự thân cao ngòng ngay chỗ lô cốt Pháp xây.

Đến cái lúc trạm thủy văn rời đi nơi khác, bố cái Điểm mua lại nhà của trạm. Nhà như nhà nghỉ, thềm cao, trần toocxi, biệt lập với láng giềng, cửa ra vào mở ra đê che mắt người bằng tán nhãn còng. Bác thành chủ nhà là bọn tôi không đứa nào dám lai vãng trèo chơi trên cây nhãn. Đi học kiểu gì cũng phải qua đó, cái Điểm toàn bỏ chúng tôi đâm đầu chạy. Chúng tôi sợ bố nó một, nó sợ mười. Đến cái hôm bác Huyền đứng ở gốc nhãn còng gọi ra “Điểm!”, lúc nó chạy qua cả làng có chuyện bàn tán. Bọn tôi lò dò đằng sau, chẳng nghe được bác ấy bảo gì nó, chỉ thấy Điểm mặt tái dại líu ríu đi theo bác Huyền vào nhà. Từ ấy tháng đôi ba lần, cả những ngày nghỉ học lại thấy Điểm vào đó, dọn dẹp quét quáy nhà cửa, đi chợ đi búa. Bà gặp Điểm, nghe nó chào, về kể chuyện mừng rỡ lắm. Lại hóng thì biết bác Huyền đã nhận Điểm là con. Con gái nhà quê, chọn vợ chọn chồng cho con người ta tính đến cả tông ti, chịu phận con hoang chỉ còn mỗi cách đi thoát ly, mà thoát ly lý lịch cũng phải thế nào đâu có dễ, không thì may gặp ai đó người dưng quê xa mới có thể lấy chồng. Điểm được bố nhận là con, thế là nó có tương lai rồi đấy.

Cũng trạc tuổi Điểm ngày đó, cũng người xóm trên còn có một đứa nữa nhưng mà tôi không chơi. Xinh như Điểm nhưng lông mày đậm, mắt sắc hơn, nom dữ dữ. Mà cũng có thể vì cái hôm tôi bị nó đuổi chạy bán sống bán chết thì mặt nó đang đỏ bừng bừng nên tưởng thế. Nó tên là Hồng, học trên tôi một lớp. Nào tôi có biết gì về nó. Chỉ tại mấy thằng nhãi ranh cùng xóm trêu chòng và không cự nổi cơn điên giận của nó mà tôi phải vạ.

Nhưng chỉ chiều đó thì tôi hiểu vì sao cái Hồng má đỏ bừng bừng vừa nước mắt nước mũi giàn giụa gào lên chửi, vừa nhặt đất cục ném tôi lúc đó đã chạy vào nhà chị Lễ - chị vẫn tết mũ rơm cho tôi. Bố chị Lễ là bí thư đảng ủy xã mà cái Hồng dám đứng ở bờ đê quăng đất vào đầu hồi nhà bác ấy chửi loạn lên. Giá mà bố mẹ nó còn sống... thì chắc sẽ có người ngăn nó.

Nhưng trước đó ít ngày, bố nó đương là phó chủ nhiệm hợp tác xã bị đồn tham ô. Hồi ấy tội ấy to lắm. Thấy kể bố nó từ lúc chưa có nó đã nhiều lần xin nhập ngũ mà không được vì có cái bằng sơ cấp trung cấp kế toán, xã giữ không cho đi. Ra trước cuộc họp, bố nó lặng im nghe mọi lời lên án rồi chỉ nói độc một câu: “Tôi thề không tơ hào của bà con một hạt thóc nào”. Đêm ấy bố mẹ cái Hồng cùng treo cổ.

Chẳng có một bản án nào, chẳng có một lời minh oan nào. Chị em cái Hồng nheo nhóc sống cùng nhau. Tôi ra Hà Nội, nghỉ hè mấy năm sau về nghe nói cái Hồng học hết lớp 7, chị nó thì xã đã cho đi công trường đâu đó và nó thay chị chăm bẵm hai đứa em. Rồi không bao giờ tôi kịp nhớ để hỏi thăm về nó nữa mỗi bận về làng.

Cái Điểm sau này rút cục cũng lấy chồng người quê xa, về ở hẳn với bác Huyền, chăm bố già và lo đợi chồng thỉnh thoảng mới đảo về. Còn cái Hồng, chẳng biết chị em nó có còn là người làng không nữa.

Truyện 1.168 chữ của LÊ MINH HÀ

Nguồn: tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast