Mùa sạ

Ông Bảy ở trần, chống nạnh nhìn trời nhìn đất một hồi, trở vào nhà vấn thuốc lá hút rồi lại ra ngõ. Bập một hơi, nheo mắt nhìn về phía núi phả khói. Khói lẫn vào bầu trời xám xịt. Mấy ngày rồi trời âm âm u u, sấm đất đì đùng sau rặng tre hướng mặt trời mọc. Đàn kiến hôi tha trứng vội vã chạy ngang qua chân, ông lẩm bẩm, nhất định sẽ có lụt lớn.

Loa phóng thanh nheo nhéo: “Đêm nay và ngày mai, từ cao nguyên đá Hà Giang đến mũi Cà Mau có mưa vài nơi... Sở NN&PTNT chỉ đạo cho bà con nông dân ta xuống giống từ ngày... đến ngày..., tức là ngày... đến ngày... âm lịch...”.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Ông lắc đầu, rầu rầu. Mấy tướng ngồi trên đoán mò phán ẩu thì nhanh. Dự báo “ngày mưa”, chiều lại phải coi giọt tranh. Chỉ đạo chỉ điếc, lo dự báo cho trúng đi, sao cứ can thiệp vào chuyện nhà nông. Bao đời nay nông dân làm theo kinh nghiệm. Sáng nhìn mặt trời cỏ cây, chiều nhìn cánh chuồn chuồn, tối lắng nghe tiếng cóc nhái côn trùng ắt biết thời tiết thế nào. “Tháng năm chờ đợi sao Rua, chờ qua Đại tuyết làm mùa mới an”. Chưa đến 23 tháng 10 âm lịch, sạ xuống mưa lũ sẽ cuốn sạch. Giống má, phân bón, công sức trôi ra sông ra biển...

Vụ đông xuân này cũng ngặt, khâu ủ giống thậm khó. Bao nhiêu rơm khô không đủ ấm, phải đắp thêm chăn chiếu. Trời lạnh hột lúa không chịu nứt mầm, có khi mầm nứt rễ chẳng chịu ra. Không rễ sạ xuống giống sẽ chết.

Sạ sớm không được, trễ chẳng xong. Giống ngắn ngày không chịu được lạnh, dài ngày lắm rủi ro. Tiểu tuyết, Đại tuyết; Tiểu hàn, Đại hàn, lúa lạnh co. Bón phân hóa học gặp lạnh rễ không hấp thụ, sâu bệnh mặc sức hoành hành. Rầy nâu, xoắn lá, đạo ôn; đục thân, cuốn lá, bọ xít... Cái thứ bọ xít, hít vài giờ lúc lúa trổ phơi màu cũng lép không còn một hột.

Lúa làm đòng gặp lạnh sẽ ngậm đòng không chịu trổ bông, chẳng khác mẹ ôm con gặp mùa đại dịch. Nhìn lúa ngậm đòng lâu tử cả đòng nhói ruột buốt gan. Lúa trổ gặp tiết Vũ thủy, Kinh trập, sương muối kéo về lép mất trắng. Người nông dân tính đâu lại với trời.

Ông xoa cái bụng đang sôi lụp bụp, nóng hơ nóng hổi. Vứt điếu thuốc hút dở, thở ì. Theo lịch đại trà nhất định mất mùa. Mất mùa có được cứu đói hột nào.

Mới vụ hè thu rồi chứ đâu, bà Đinh sạ sớm hai sào. Sở nông nghiệp chỉ đạo xuống giống sau Tiểu mãn. Dưới rộc mới sợ nước cuốn, ruộng bà trên triền. Với lại sạ trước sẽ mượn được máy hay trâu chứ đến ngày rộn, nhờ được khó lắm. Thời tiết thất thường, năm nay mùa khô đến sớm, không chừng lúa trổ chẳng có nước về. Làm ruộng, người nông dân nào không mong cho lúa trúng.

Ngờ đâu mới vãi giống vài ngày, xã lập đoàn công tác xuống tận nơi đứng quanh bờ ruộng đông đen. Súng ống cuốc thuổng gậy gộc. Chống đối chỉ thị nhà nước, muốn làm loạn hả? Lệnh bừa ruộng được phát ra.

Mẹ con bà Đinh van xin, dập đầu xuống ruộng khóc như cha chết, đoàn người cưỡng chế không tha.

- Ai bừa? Một sào ba trăm!

Đâu phải bừa sạ phải bừa ngấu, bừa phá giống chỉ bừa một bận. Hai sào sáu trăm. Khỏe re. Có ai bừa không?

Chẳng ai lên tiếng. Mầm lúa khỏe sáng trắng thế kia, bừa bỏ khác nào giết đứa trẻ con, ai nỡ. Ông Đinh đang nằm liệt giường, nhà thiếu trước hụt sau...

Ruộng bên đường, người hiếu kỳ dừng lại xem mỗi lúc một đông. Trưởng đoàn lặp lại:

- Thêm một trăm nữa là bảy. Có ai bừa không?

Hồi lâu, chợt có tiếng đáp:

- Tôi!

Ai nấy quay lại. Người đang giữ trâu giơ cao cánh tay, áo thun xoắn sát nách. Thì ra là Khộng. Anh cột trâu vào bụi trảy. Nhà có máy, lấy ra bừa mấy hồi.

Khộng đi rồi, mọi người xì xào. Quân tử mười năm trả thù chưa muộn. Hắn bừa là phải. Anh em hắn học giỏi, lý lịch xấu, không được thi đại học đành về chăn trâu làm ruộng. Hơn ba mươi năm trước cha hắn bị ông Đinh gọi lên trụ sở, dộng báng súng AK vô ngực, thổ huyết chết. Cá ăn kiến, kiến ăn cá. Ông trời vốn công bằng, ai giàu ba họ...

Lát sau Khộng vác ra chiếc bừa gỗ. Đoàn công tác tròn mắt, sao vác bừa này cho lâu? Khộng bảo máy vừa hư, bừa trâu cũng được. Bừa nào chẳng là bừa. Anh bẻ nhánh trảy làm roi, dắt trâu vào ruộng tra ách. Con trâu nhìn mầm lúa sáng giới, suỵt suỵt như gặp phải ruộng lầy, cứ bước thụt lùi. Người đứng trên bờ lại xì xào:

- Thấy chưa, trâu còn khôn hơn người!

Khộng quất thốn vào mông. Tắc! Con trâu miễn cưỡng theo lệnh chủ, thủng thẳng bước dọc sát bờ.

Một vòng, hai vòng...

Đoàn công tác la lớn:

- Rì vô! Sao cứ bừa lặp, thằng kia?

Khộng giật nhẹ dây mũi trâu. Lần này con trâu đi lỏi gần cả thanh bừa, uể oải, chậm hơn mọi khi. Trên bờ đông quá, chắc trâu sợ.

Cuối cùng cũng xong. Đoàn công tác trả tiền công, nợ hai trăm, giải tán. Xóm giềng xúm lại dìu mẹ con bà Đinh về. Thôi coi như lũ lụt cuốn, ít bữa ngâm giống sạ lại. Bà híc híc, làm gì còn giống nữa mà sạ. Thà rằng trời phá. Con gái bà vẫn ấm ức khóc khan, không còn ra tiếng.

Khộng mang bao giống xiệt và tiền sang nhà bà Đinh. Hóa ra anh đã vác chiếc bừa răng cùn. Nếu bừa máy ruộng đã nát ngấu. Bà một mực không nhận. Cứ để vài bữa coi thử có còn sót cây nào.

Cũng may ruộng triền. Nếu ruộng rộc, bùn sục lên giống thúi hết rồi. Mẹ con bà nhổ mạ dồn, giặm chỗ sưa. Cuối mùa, đám bị phá lại trúng, bông dài trĩu hạt. Ruộng sạ đúng lịch trổ gặp gió nam trái mùa, háp hết chỉ gặt rạ xanh về cho trâu.

Ông Đinh cúng cơm mới ăn xong, bất ngờ chết. Không phải chết do tai biến.

Loa phóng thanh lại ra rả. “Đêm nay và ngày mai, từ Hà Giang đến Cà Mau có mưa vài nơi... Bà con được phép xuống giống từ ngày... đến ngày...”.

Ông Bảy thở thườn thượt, gãi gãi cái trán hói. Chờ qua lụt hay làm theo lịch? Theo lịch sẽ bị lũ cuốn, theo kinh nghiệm sẽ bị phá.

Có cách nào thoát kiếp làm nông không?

Nguồn: tuoitre.vn

Đọc thêm

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.