Người phương xa

(Baohatinh.vn) - Một buổi sáng cuối tuần, Sơn đến Hội Văn nghệ. Thanh Thủy - cô thư ký xinh đẹp của cơ quan, nhoẻn miệng cười duyên với Sơn: - Anh Sơn! Có thư “phương xa”.

Thanh Thủy đưa cho Sơn một lá thư khá lạ, bên ngoài phong bì gửi đúng tên và địa chỉ của anh. Ở góc trên, bên trái của bì thư chỉ vỏn vẹn hai chữ “phương xa”. Sơn xé thư, đọc lướt qua. Anh thoáng giật mình và đọc kỹ lại những dòng chữ nắn nót, còn phảng phất nét học trò:

M.T, ngày… tháng… năm…

Hoàng Sơn mến!

Chắc hẳn bạn rất ngạc nhiên vì từ trước đến giờ không quen ai tên Vy phải không? Đây là lá thư làm quen, kết bạn phương xa, chỉ vì một lý do đơn giản: Vy ngưỡng mộ thơ bạn. Bạn làm thơ hay lắm đó Sơn ạ! Nếu có dịp nào đó Vy sẽ đến C.T để được gặp gỡ bạn, được không?…

Vy cũng tự giới thiệu tên thật là Phạm Kiều Vy, quê T.G, hiện giờ đang học trường trung học kinh tế ở M.T… Vy không coi trọng tuổi tác, bởi vì Vy là một người yêu thơ, chỉ muốn kết bạn với tác giả thơ mà mình yêu mến. Không có hàng rào nào ngăn cản nổi tình yêu thơ văn của Vy…

Nhận được lá thư phương xa này, Hoàng Sơn nhớ hồi âm cho Vy nha!

…Chúc hai ta sẽ thành những người bạn tốt của nhau… Tạm biệt.

Ph. Kiều Vy

Người phương xa

Ảnh minh họa: Huy Tùng.

Sơn thoáng bồi hồi. Trong đời, anh chưa bao giờ nhận được thư của phụ nữ. Mà đây là lá thư với lời lẽ chân tình của một cô bé học trò yêu văn chương, “thơ thẩn”. Sơn bỗng chạnh buồn vu vơ: “Kiều Vy còn bé quá… Nếu có tình bạn giữa mình và Kiều Vy, thì tình bạn ấy sẽ đi đến đâu, về đâu? Mình lớn hơn Kiều Vy gần hai mươi tuổi… Mình đã có một mái ấm gia đình và một đứa con gái ngoan, cũng trạc tuổi Kiều Vy. Thôi hãy quên chuyện này đi. Cứ xem như cô ấy là một độc giả yêu thơ nồng nhiệt và lý tưởng…

Người phương xa

Bẵng một thời gian, Sơn hình như đã quên lá thư “phương xa” ấy. Cũng một buổi chiều, anh cảm thấy buồn và trống vắng. Sơn đến Hội Văn nghệ định bụng sẽ tán gẫu với vài thằng bạn, nếu có nhuận bút thì sẽ đi kiếm quán bình dân để lai rai. Thanh Thủy lục đưa cho Sơn một lá thư. Thư của Kiều Vy! Sơn nhận ra ngay những dòng chữ mềm mại, nắn nót. Trong thư, Kiều Vy với giọng dỗi hờn, oán trách khéo Hoàng Sơn tại sao không hồi âm cho cô ấy. Sơn nghe xao xuyến trong lòng. Một người con gái có nhiệt tình như thế mà anh lại thờ ơ. Thật là tệ! Ít nhất anh cũng phải viết vài chữ cho Kiều Vy và có thể thanh minh ít nhiều gì đó hoàn cảnh “kẹt giỏ” của mình, lý do không thể kết bạn với Kiều Vy được.

Người phương xa

Ảnh: internet.

… Sau khi sương sương vài chai bia với khô mực, Sơn đưa lá thư của Kiều Vy cho Lực xem: “Anh Lực! Tôi phải xử sự ra sao? Cô ấy muốn gặp tôi!” - Sơn nói.

Lực cười ha hả trêu Sơn:

- Cậu có số đào hoa! Đã trên 40 tuổi mà vẫn còn phong độ, lại có tài làm thơ “mượt mà” lắm! Gái mê là phải!

Sơn hơi xịu mặt:

- Anh phá tôi hoài… Vụ này nghiêm túc đấy!

Lực lại cười lớn như thích chí:

- Tôi đã “bị” rồi cậu ơi! Sẽ có 4 tình huống xảy ra cho cậu sau khi gặp Kiều Vy.

- Sao lại tới 4 tình huống vậy? - Sơn ngớ ra

- Này nhé anh trai! Một là cả hai sẽ vỡ mộng... Hai là cô ấy vỡ mộng. Ba là cậu. Thứ tư là cô ấy và cậu sẽ dính nhau, bứt không ra, trời đánh chẳng buông, trời gầm chẳng nhả… Yêu “đứt đuôi thằn lằn!”. Cái điều thứ tư nguy hiểm nhất. Khả năng xảy ra trên năm chục phần trăm!

- Ái chà… Nghe kinh thật!

- Cậu vô vòng rồi sẽ biết… - Lực nốc một hơi bia dài và thả khói thuốc mù mịt lên trần nhà, đôi mắt anh mơ màng lim dim…

Chiều hôm ấy Sơn về nhà. Huệ dọn cơm cho anh ăn như thường lệ. Sơn cảm thấy nó hơi nhàn nhạt, anh ăn chừng chén rồi bỏ đũa. Huệ hơi ngạc nhiên: “Sao hôm nay anh ăn ít vậy… Chắc không được khỏe trong người. Để em hái lá bưởi nấu cho anh nồi xông nghen?” - “Thôi khỏi. Anh vừa nhậu với anh Lực ban chiều hơi mệt… Em và con cứ ăn đi. Tối anh sẽ ăn thêm!”.

Huệ bao giờ cũng vậy, tin chồng, thương con rất mực. Sơn nhìn Huệ vừa đi khuất xuống nhà bếp, anh khẽ thở dài. Sơn cảm thấy mình có lỗi với vợ khi suy nghĩ lan man về người con gái khác. Một người con gái mà anh chưa hề gặp mặt!

Cuối cùng, Sơn cũng viết thư hồi âm cho Kiều Vy. Trong thư, anh cho Kiều Vy biết là anh đã có vợ, có con lớn suýt soát tuổi của Kiều Vy, anh không còn trẻ nữa, anh làm thơ, viết văn là để khuây khỏa và kiếm thêm thu nhập. Anh không có gì đặc biệt cả. Hồi đó giờ chỉ có Kiều Vy là viết thư khen thơ anh hay. Anh rất cám ơn tình cảm của Kiều Vy dành cho anh. Anh trân trọng tình yêu văn chương của Kiều Vy. Anh gửi tặng cho Kiều Vy một tập thơ đã xuất bản lâu rồi để đáp lại nhiệt tình của Kiều Vy. Nếu Kiều Vy muốn gặp anh và làm bạn như cô đã nói… anh sẽ sẵn sàng. “Đúng là như vậy, mình chẳng thêm bớt. Và việc gì lại không dám gặp mặt một người muốn biết mình!”. Sơn nghĩ như vậy và anh cảm thấy yên tâm.

Sơn thật sự “sốc” khi gặp Kiều Vy và hình như cô ấy cũng vậy! Kiều Vy đẹp dịu dàng và phảng phất nét thơ ngây. Đôi mắt sáng thoáng chút lãng mạn, mộng mơ. Sơn đã trên 40 tuổi nhưng anh vẫn còn điển trai pha chút phong trần trên vầng trán sáng rộng. Và tình yêu đến với họ sau nhiều lần hẹn hò, gặp gỡ. Họ yêu nhau say đắm. Trong mối tình ấy, Sơn và Kiều Vy luôn bị những ám ảnh chập chờn, những buồn vui lẫn lộn… Khi nụ cười, khi nước mắt, khi giận hờn, khi chờ đợi ngóng trông, khi nhớ thương da diết.

Người phương xa

Anh chỉ có quá khứ. Anh chỉ là vật cản trên đường đời của em.... (ảnh: internet).

Có lần Kiều Vy mời Sơn về nhà cô ấy. Sơn phải chiều ý Kiều Vy. Kiều Vy tính hãy còn trẻ con, hay giận, hay hờn. Anh phải miễn cưỡng đóng vai là “thầy dạy học” của Kiều Vy cho hợp tình, hợp lý. Hôm đó là một buổi lễ giỗ. Thật bất ngờ, lúc sửa soạn đãi khách thì có một chiếc xe biển xanh của cơ quan đỗ trước cửa. Kiều Vy reo lên: “Ba về… Ba em về. Thầy ơi!” - Kiều Vy chạy ra xe níu tay người đàn ông có gương mặt phúc hậu vừa bước xuống.

Ông ta, tay xách cặp táp, tay xoa đầu đứa con gái rượu của mình: “Kiều Vy… Mẹ con khỏe không? Con học có giỏi không? Sao ít điện cho ba vậy?”. Kiều Vy phụng phịu: “Dạ! Tại con mắc… mắc học!” - “À… Giỏi vậy tốt rồi!”. Bố Kiều Vy vào nhà. Nhiều người vây lại quanh ông thăm hỏi. Hình như ông ấy là một lãnh đạo của thị xã miền biển này. Sơn nhìn ông ta. Bỗng đôi mắt anh sựng lại. Người đàn ông kia cũng vậy.

Sơn hỏi trước: “Xin lỗi! Thưa… Thưa anh! Anh có phải là anh Tạo, hồi trước là chính trị viên của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, sư… ở mặt trận 979?”. Bố Kiều Vy giật mình, ông vỗ trán: “À!… à… Sơn! Cậu Sơn… Phải rồi! Cậu Sơn đại đội phó đại đội 3 đây mà! Bạn cũ cả!”. Ông Tạo dừng lại, vỗ vai và bắt chặt tay Sơn giọng hồ hởi pha ngạc nhiên: “À! Mà sao cậu lại có mặt ở đây?” - “Tôi… tôi là thầy dạy học của Kiều Vy” - Sơn trả lời hơi ngượng. Kiều Vy xen vào đỡ cho Sơn: “Thầy con đó ba ạ! Con mời thầy về chơi cho biết nhà mình”.

Ông Tạo vui vẻ: “Thật quý hóa! Cậu vừa là bạn chiến đấu của tôi, vừa là thầy dạy học của con tôi. Vậy bữa nay mình vui vẻ, nhiệt tình một bữa nhé! Xong xuôi kể chuyện gia đình, chuyện cuộc sống, chuyện công tác từ ấy đến giờ… Lâu quá tôi mới gặp lại cậu. Gần 20 năm còn gì. Lúc đó vợ tôi mới sinh con bé Vy…”. Sơn ngượng cứng. Anh giả lả cho qua chuyện: “Anh bây giờ vẫn khỏe như xưa chứ?”. Ông Tạo cười vang thoải mái: “Vẫn khỏe! Nhưng đâu được như ngày xưa… Hồi đó, lúc cậu bị thương, tôi cõng nổi. Chứ như bây giờ thì chịu phép”.

Trong lòng Sơn bỗng dâng lên một xúc cảm dạt dào: “Anh Tạo… Thủ trưởng!… Tôi, tôi mang ơn thủ trưởng nhiều lắm! Nếu không có anh, thì tôi đã chết trong rừng ngày ấy rồi. Bọn địch chúng rượt mình… Anh vừa cõng tôi, vừa chạy, vừa bắn. Tôi làm sao quên được. Hai người đàn ông thoáng im lặng. Hình như những kỷ niệm xa xưa quay về, sống lại trong lòng họ.

Người phương xa

Vy cũng sắp ra trường. Cô sẽ đi về một phương xa nào đó.... (ảnh: Internet).

Một buổi chiều. Trong một quán nước nhỏ ven sông.

- Kiều Vy!… Mình nên chia tay nhau.

- Anh Sơn… Anh nói sao? Anh…

- Em hãy còn bé lắm. Em chỉ hơn tuổi con gái anh chút ít. Vợ anh đang nằm trên giường bệnh. Anh không thể vô tâm bỏ mặc cô ấy trong lúc này được. Mình không nên phiêu lưu nữa Vy ạ. Mình không thể sống với nhau được đâu!

Kiều Vy òa khóc như trẻ thơ. Cô đấm vào ngực Sơn thình thịch. Những giọt nước mắt âm ấm rớt trên cánh tay Sơn. Anh vuốt nhè nhẹ mái tóc Kiều Vy:

- Hãy cố quên anh đi!… Mình nên chấm dứt khi chưa quá muộn. Sau này, em sẽ thấy anh nói đúng.

- Anh có thể sẽ quên em… Còn em. Biết bao giờ em mới quên anh được!

- Rồi em sẽ có hạnh phúc… Em còn trẻ, tương lai còn dài. Anh chỉ có quá khứ. Anh chỉ là vật cản trên đường đời của em. Em là con gái thủ trưởng anh… Ông ấy cũng là ân nhân của anh. Ông ấy là người tốt. Anh không thể… Nghe anh đi! Đừng làm cho ba em buồn, gia đình em buồn… - Sơn thở dài. Anh thấy lòng xót xa vô hạn.

Kiều Vy rồi cũng nín khóc. Cô yên lặng, đớn đau… Kiều Vy nhìn Sơn. Cô đã thấy nơi người đàn ông ấy và trong ánh mắt của anh ta có một tình yêu rất lạ! Hình như đó là tình yêu của một người lớn dành cho một đứa trẻ mà anh ta vô vàn yêu quý.

Vy nhìn ra khoảng không gian mênh mông trước mắt. Nắng chiều vàng nhạt, rọi xuống mặt nước sông phản chiếu thành muôn ngàn những vẩy bạc lấp lánh. Gió xao xác, vi vu trên những hàng phi lao. Gió thổi tung mái tóc dài đen nhánh của Vy. Những sợi tóc lòa xòa phủ trên gương mặt người con gái đẹp, có đôi mắt gợn buồn: “Mình yêu Sơn vô cùng. Nhưng anh ấy có hoàn cảnh nghiệt ngã. Những ngày vui đầy mơ mộng đã qua.

Cuối cùng, Sơn cũng trở về nơi chốn cũ. Anh ấy như người tỉnh giấc mộng du. Còn mình?”. Vy nghe những giọt nước mắt rớt ấm trên tay. Hình như đã cuối mùa hạ. Tiếng ve râm ran gọi hè ngày nào thưa vắng dần. Vài cánh hoa phượng đỏ rực, sẫm màu, lẻ loi còn lại trên những vòm lá non tơ xanh mượt, gợi nhớ chút gì xa xôi. Vy cũng sắp ra trường. Cô sẽ đi về một phương xa nào đó. Và chẳng biết bao giờ gặp lại người đàn ông mà cô yêu tha thiết, có những vần thơ đẹp và buồn như những chuyện tình dang dở…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast