Thương màu áo trắng

(Baohatinh.vn) - Họ… họ… họ… hự! Sau vài tiếng ho, bà Giáo hự lên, tấm thân già nua cong lại. Từ miệng bà vọt ra một búng máu tươi đỏ lòm, tòe lên nền gạch men sáng bóng.

Hân đang đứng đối diện với bà Giáo thốt lên: “Mẹ ơi!”, rồi nhào lại một tay đỡ lưng, một tay vuốt ngực bà.

Chị nói trong tiếng nấc:

- Mẹ ơi!... Con xin lỗi mẹ. Mẹ đừng tức uất nữa. Chị đỡ mẹ ngồi tựa vào ghế, tiếp – Để con đi chắt thuốc cho mẹ.

Nhìn theo dáng con gái tất tả đi mau mau xuống bếp, bà Giáo lắc đầu. Trách giận nó nhưng có phải là lỗi ở nó đâu. Cái tướng đi như chạy thế này thì khổ suốt đời con ơi. Vợ chồng hiếm muộn chỉ có được mụn con, tưởng nó đã nối nghiệp nhà được đời trọng vọng để trả hiếu cho cha mẹ. Nào ngờ…

Bà Giáo đốt ba cây nhang, lầm rầm khấn trước bàn thờ: “Ông sống khôn, thác thiêng, phù hộ cho con gái vững bước trên đường đời. Tôi biết trách ông là không đúng, nhưng sao ông lại truyền cho con gái cái tính khí của ông để nó phải khổ”.

Hân vừa bưng bát thuốc lên thì nghe giọng nói theo bước chân đi vào của Hiền:

- Đi chưa Hân ơi?... Cháu chào bác!

- Dạo này, đi dạy buổi sáng, không chạy chợ được nữa hả cháu? – Bà Giáo miệng hỏi, đón bát thuốc từ tay con gái – Bà quay sang Hiền – Chúng mày dạy cùng trường, bảo ban nhau đừng để bị quở phạt. Đã chọn lấy nghề thì sướng khổ gì cũng phải sống cho trọn đạo làm thầy.

* *

*

Gợn gió nhẹ làm xao mặt nước lấp lánh mắt cua từ muôn vàn mắt sao bé bỏng dát trên bầu trời. Có tiếng cá quẫy gần bờ. Từng vòng sóng gợn lan xa…

Hân nhâm nhâm cọng cỏ dại, cảm nhận vị chát sin sít đầu lưỡi, nghe tiếng nói của Thanh bên cạnh:

- Hãy tự tin ở mình Hân ạ. Anh luôn bên em. Những đồng nghiệp chân chính luôn ở bên cạnh em. Ta muốn làm người tốt mà kẻ xấu muốn ta khuất phục, buộc ta phải chiến đấu. Muốn chiến thắng thì không được nửa vời. Anh còn nhớ cha em cũng là thầy của anh, từng nói: “Thà chấp nhận chiến đấu gian khổ, chứ không chấp nhận sự bình yên giả tạo của sự nửa vời”. Vững tin em nhé!

Thương màu áo trắng ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Hân ngả đầu dựa vào vai Thanh. Chị tin ở tình yêu của anh. Đã 5 năm yêu và chờ đợi nhau, đủ để chị hiểu anh. Nhưng cùng anh đấu tranh với cái xấu đang hằng ngày bị thả trôi trong nhà trường, chị vẫn cảm thấy lo sợ, bởi thực tế cuộc sống diễn ra quanh chị đã cho thấy nhiều điều bất lợi cho những ai dám lên tiếng chống lại quyền lực, nhất là khi quyền lực đó do kẻ tiêu cực nắm giữ.

- Em không ngại đấu tranh vì sự tiến bộ. Nhưng em cảm thấy như mình húc phải khối bông mà sau khối bông là bức tường sắt. Biết đâu sự tiêu cực không riêng ở trường mà còn liên quan đến phòng và sở? Nếu như mình thất bại… nếu bị cách chức hiệu phó, em cũng không sợ nhưng nếu em bị điều đi dạy ở xa, thậm chí, bị buộc nghỉ dạy… Em không thể xa mẹ và không muốn nghỉ dạy. Được đi dạy là niềm vui lớn nhất của em, là kỳ vọng của cha đã gửi gắm vào em.

* *

*

- Chào hai anh. Chà, anh Phong! Gần tháng nay, sao không thấy anh ghé lại? Tưởng chê chỗ bọn em rồi chớ - chủ quán karaoke hồ hởi đón hai người khách mới đến.

Phong xởi lởi:

- Nào dám chê. Chỗ ông là nhất rồi. Dành cho một phòng đặc biệt, ông chủ!

- Ô kê! Có… cần không?

- Chưa cần. Khi cần tôi sẽ bảo.

Chủ quán ngoắc một cô tiếp viên:

- Em đưa hai anh này vào phòng đặc biệt nghe.

- Hai anh theo em.

Thấy bạn chần chừ, Phong nắm tay bạn kéo đi, nói nhỏ:

- Đừng ngại! Đến đây mình giũ bỏ vẻ đạo mạo của nhà giáo đi cho thoải mái.

Căn phòng phảng phất mùi hương của hoa khô tẩm hương. Phong bật nắp chai rượu ngoại rót vào hai chiếc cốc thủy tinh.

- Mời thầy Thắng! – Phong nâng cốc rượu – Chúc mừng bí thư làm quen với môi trường mới.

Phong tiếp thêm rượu vào cốc trong khi Thắng ngỡ ngàng nhìn quanh phòng. Phong hiểu ý, trấn an:

- Ông đừng lo. Phòng cách âm hoàn toàn. Không ai để ý chuyện của mình đâu. Ở đây, mình là thượng đế… Nào, chúc mừng cho chiến thắng ngày mai của chúng ta!

Thắng nâng cốc cùng Phong nhưng rủa thầm trong lòng: Vinh dự gì cái trò dối trá mà chiến thắng với chiến bại hả thằng hiệu trưởng ma mãnh, lắm mưu ma, chước quỷ?... Mà rượu ngon thật! Một chai này chắc bay nửa tháng lương như chơi… Thắng nghĩ đến sự phung phí của kẻ lắm tiền trong khi giọng Phong vẫn đều đều như rượu rót vào cốc, hết vơi lại đầy:

- Ông lo phần chính trị, tôi quản lý. Vẫn cứ chiêu bài đoàn kết nội bộ, tất cả vì học sinh thân yêu, đánh trước, vuốt sau cho chúng nhụt chí rồi đâu lại vào đấy – Giọng Phong cao lên - Ở trường bao nhiêu năm, chắc ông cũng biết là để có danh hiệu trường đạt chuẩn như hiện nay, tôi đã tốn bao công sức, chẳng thể để cho cái thứ “ngựa non háu đá” ấy nó kéo đổ sự nghiệp của mình - Phong dằn mạnh chiếc cốc xuống mặt bàn, giọng hằn học - Tôi sẽ cho chúng biết tay! Sao chúng không nghĩ những lợi ích rót về một trường đạt chuẩn đâu phải chỉ một mình tôi được hưởng?

Thắng nghe Phong nói mà thấy ghê gai trong lòng. Làm sao ông không hiểu khi đã 30 năm trong nghề giáo và 20 năm chung trường với Phong? Những mánh lới, thủ đoạn của tay hiệu trưởng này, ông quá hiểu. Nhưng ông đã qua rồi cái thời hăng tiết vịt, trên 50 năm cuộc đời rồi còn gì! Với ông bây giờ chỉ mong hai chữ bình yên rồi vài năm nữa về hưu. Đấu tranh, tranh đấu thôi thì để cho lớp trẻ họ gánh vác. Những thầy, cô giáo trẻ dám đấu tranh trong trường ông rất quí, họ là hình ảnh của ông một thời. Nhưng để đứng về phía họ, ông không thể. Vả lại, như người đời thường nói: “Ăn xôi chùa ngậm miệng”. Bao năm nay, những lúc gia đình gặp khốn đốn về tài chính, Phong đều giúp đỡ ông qua đận khó khăn. Sống ở đời, ơn nghĩa ấy không thể quên. Ông đành ngậm hột thị mà nhìn sự việc qua kẽ ngón tay…

- Ông quên chủ tịch công đoàn à? Con này cứng cựa lắm đó. Còn thằng Thanh, bộ đội Trường Sa xuất ngũ. Quen với nắng gió bao năm, thứ mưa không tới mặt, nắng không tới đầu như tôi và ông, nó không kiêng nể đâu.

- Ối dào! Dù là chủ tịch công đoàn thì cũng có lúc phải sơ suất. Đánh không được bằng chính trị, bằng chuyên môn, thì đánh bằng kinh tế, có mà chạy dài. Tôi đã điều tiết cho con Hiền dạy buổi sáng để nó không chạy chợ được. Mất đi một nguồn thu nhập hằng tháng, xem nó còn dám chống nữa không? Còn thằng Thanh thì tung vài tin vịt là nó lo dỗ dành con Hân, dư thời gian đâu để đối chọi lại bọn mình… Ông tưởng tự nhiên mà tôi ngồi ở ghế hiệu trưởng lâu năm như vậy à? Đụng đến tôi là đụng đến phòng và sở. Yên tâm đi bí thư - Phong nháy mắt - Bây giờ là cái khoản ấy…

* *

*

Cuộc họp hội đồng đã vượt quá thời gian làm việc buổi sáng mà chưa kết thúc. Chất giọng và lối hùng biện như diễn giả trên diễn đàn, lúc trầm lắng, lúc nhẹ nhàng, lúc hùng tráng suốt 20 năm qua đã từng làm bùi tai người nghe để qui nạp tất cả mọi ý kiến đối lập theo một mục đích định sẵn của hiệu trưởng Phong không còn tác dụng với một số giáo viên trẻ cương quyết phản đối những vấn đề tồn tại bấy lâu trong công tác giảng dạy, lãnh đạo và đối ngoại của nhà trường. Sự tranh cãi quyết liệt đến mức tình đồng nghiệp phải gác lại, nhường quyền ưu tiên cho tính chiến đấu. Và đến giờ này thì hầu như những giáo viên đứng trung lập giữa cuộc tranh cãi chiếm đa số trong phòng họp đều biểu lộ sự chán nản.

- Trường ta là trường duy nhất của huyện đạt chuẩn - Hiệu trưởng Phong cao giọng. Tất cả phải vì danh hiệu đó và vì học sinh thân yêu của chúng ta. Có thể có những sơ suất trong mọi mặt công tác của nhà trường, nhưng chúng ta phải đóng cửa bảo nhau. Tôi không cho phép ai chống lại quyền lãnh đạo cao nhất của nhà trường, nếu không đồng ý có thể làm đơn xin chuyển công tác. Chủ tịch công đoàn có thể phê phán nhưng phải trên tinh thần xây dựng, không được làm mất uy tín lãnh đạo. Các thầy cô khác như cô Hân và thầy Thanh, nhất là đồng chí Thanh phát biểu phải cẩn trọng, đừng vì mâu thuẫn mà chuyện bé xé ra to. Tôi…

Thanh đứng bật dậy, giận dữ cắt ngang lời hiệu trưởng:

- Thầy hiệu trưởng là đồng nghiệp, là huynh trưởng của tôi thật. Nhưng với tư cách nhà giáo, thầy không phải là đồng chí của tôi…

- Đồng chí Thanh! Hãy để đồng chí hiệu trưởng nói xong đã - Thắng giơ tay ngăn Thanh lại.

Thanh vẫn bướng bỉnh:

- Tôi không thể, thưa đồng chí bí thư. Trong cuộc họp chi bộ nhà trường

sắp tới, tôi sẽ theo sự chủ trì của đồng chí. Còn bây giờ thì không thể! – Giọng Thanh cao lên, hai bàn tay nắm lại thành nắm đấm, chống thẳng xuống mặt bàn – Tôi không thể ngồi im nghe thầy hiệu trưởng áp chế giáo viên. Hỏi thầy hiệu trưởng, thầy sợ mất uy tín lãnh đạo, sao thầy bỏ qua ý kiến nhận xét của tổ chuyên môn tự ý xếp loại hạ bậc với khối trưởng vì sự cách tân trong giờ hội giảng trái với phương pháp của thầy? Không thể né tránh sự phê phán của công đoàn, thầy chuyển đổi điểm trường và chuyển đổi buổi dạy không cần thiết đối với người khởi xướng, lại còn nhắn lời cảnh cáo, hỏi tác phong lãnh đạo của thầy có tốt không? – Thanh hạ giọng – Thật đau lòng khi nói với thầy và các anh chị em đồng nghiệp điều này: thầy đã dùng cái mác trường đạt chuẩn để dán lên loại hàng dởm: giờ đứng lớp của thầy cô vẫn đủ theo chương trình, vậy mà, một bộ phận không nhỏ học sinh chưa lĩnh hội được hai phần ba kiến thức của chương trình vẫn được lên lớp để đạt chỉ tiêu thi đua. Kết quả là học sinh cuối lớp 5 mà chữ viết như trạng vẽ giun, đọc ngắc ngứ như ngậm hột thị, toán…

Thanh không thể nói tiếp vì cánh cửa phòng bật mở, bác cai trường lách đầu vào nói:

- Thưa thầy hiệu trưởng, có bà Giáo - mẹ cô Hân xin gặp.

Cánh cửa bị đẩy rộng ra. Bà Giáo chống gậy bước vào. Hân đứng bật dậy, thốt lên:

- M…ẹ!

Bà Giáo giơ tay lên:

- Con ngồi xuống - Bà Giáo gật đầu chào mọi người, rồi tiếp - Tôi đến đây vì thấy đã quá trưa mà con tôi chưa về và tiện thể có đôi lời thưa với các thầy, cô. Con Hân nhà tôi không hiểu vì sao cứ thở vắn, than dài mỗi khi chấm bài. Tôi hỏi thì nó không nói, làm tôi tức uất lên. Tôi đòi đến trường gặp thầy hiệu trưởng vì trước đây, thầy là học trò của ông Giáo nhà tôi thì nó mới đưa cho tôi một xấp bài làm của học trò, nói: “Mẹ xem trường đạt chuẩn mà học sinh lớp 5 viết chữ và làm bài thế này”. Quả thật, tôi không ngờ. Tôi rầy con Hân, bảo trách nhiệm thuộc về nó thì nó khóc. Hôm nay, tôi đến để thưa với nhà trường rằng: Nếu con Hân nhà tôi không làm tròn trách nhiệm của nhà giáo thì cứ có công thì thưởng, có tội phải phạt...

Bác cai lại đi vào cắt lời bà Giáo:

- Thưa thầy hiệu trưởng, có nhà báo đến ngồi chờ ở phòng thầy.

Thay lời kết

Có dịp về một xã đồng bằng, tôi được nghe câu chuyện trên đây. Cuộc đấu tranh vẫn đang tiếp diễn. Và bởi báo chí đã vào cuộc nên sự thật không còn bị bưng bít, dư luận rất quan tâm. Các ủy ban hành chính của huyện và tỉnh sở tại cũng không thể đứng ngoài. Tất nhiên, ngành dọc từ phòng, sở… cũng không thể làm ngơ. Cách đấu tranh của những nhân vật tham gia câu chuyện này có thể chưa được khoa học lắm, nặng tính bức xúc theo cảm tính và có thể không làm vừa lòng ai đó. Nhưng cuộc sống được tốt đẹp hơn lên chẳng phải nhờ dũng khí của những người dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh cho lẽ phải đó sao?...

(Ninh Hòa, Khánh Hòa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast