Tôi hỏi cây tần bì - Tiếng vọng của mối tình dang dở

(Baohatinh.vn) - "Tôi hỏi cây tần bì" là bài thơ nổi tiếng của Vladimir Kirshon (Nga). Sinh thời, Vladimir Kirshon được biết đến là một nhà văn, nhà soạn kịch nhưng cuối cùng tác phẩm nổi tiếng và được yêu thích nhất của ông lại là một bài thơ nói về mối tình dang dở...

Tôi hỏi cây tần bì - Tiếng vọng của mối tình dang dở

Hoa tần bì. Ảnh Internet

Tôi hỏi cây tần bì

Tôi hỏi cây tần bì, người tôi yêu ở đâu

Tần bì chỉ lắc đầu không đáp

Tôi hỏi cây phong, người tôi yêu ở đâu

Phong trút xuống lá mùa thu vàng rực

Tôi hỏi mùa thu, người tôi yêu ở đâu

Mùa thu đáp bằng cơn mưa tầm tã

Tôi hỏi mưa, người tôi yêu ở đâu

Mưa rả rích khóc bên ngoài cửa sổ

Tôi hỏi trăng người tôi yêu ở đâu

Trăng lặng lẽ núp mình sau mây tối

Tôi hỏi mây, người tôi yêu ở đâu

Mây tan ra giữa trời xanh vời vợi,

Ơi bạn thân, bạn duy nhất của tôi,

Nói tôi nghe, nàng trốn đâu mất vậy

Bạn yêu ơi, hãy chỉ giùm tôi với.

Người tôi yêu bây giờ ở nơi đâu

Bạn của tôi, người trung tín của tôi

Bạn đáp lời, những lời chân thật nhất

Rằng: “Bạn ơi, người bạn yêu thuở trước;

Người của bạn thuở trước, bạn ơi

Người của bạn, người thương yêu của bạn.

Người ấy bây giờ là vợ tôi”.

(An Nhiên dịch)

Tiếng vọng của mối tình dang dở

Tôi đã yêu thích nước Nga như một sự đồng vọng về nỗi nhớ với ba tôi trong những năm tháng người ở đó. Những năm tháng ấy, tôi đã được biết đến bài hát Tôi hỏi cây tần bì trong bộ phim Sự trớ trêu của số phận của đạo diễn Eldar Ryazanov.

Tôi hỏi cây tần bì - Tiếng vọng của mối tình dang dở

Cây tần bì trong hình ảnh cô đơn... Ảnh Internet

Trước khi trở thành một nhạc phẩm, Tôi hỏi cây tần bì đã được biết đến là một bài thơ nổi tiếng của Vladimir Kirshon. Đây là một bài thơ nói về một chàng trai mong muốn tìm lại người yêu của mình trong một nỗi thất vọng não nề. Anh đã tìm đến những cảnh vật xưa cũ như để mong tìm lại “cảnh cũ vẫn còn” từ cây tần bì, cây phong, vầng trăng… nhưng người xưa không còn nữa, nên những cảnh đó dẫu đã thân quen đều trở nên xa lạ.

Như một thước phim quay chậm, 3 khổ thơ đầu, Vladimir Kirshon đã kể ra những nuối tiếc và sự tìm kiếm vô vọng của chàng trai. Điệp từ “tôi hỏi” lặp đi lặp lại trong cả 3 khổ thơ như một cuộc độc thoại, hỏi chính mình và chính mình lại là người trả lời. Họa vào nỗi niềm của chàng trai là phong cảnh vừa đẹp, vừa buồn, vừa dữ dội của nước Nga nơi có hàng phong trút lá đỏ rực, những cơn mưa tầm tã vào mùa thu hay những bầu trời xanh ngút mắt không một gợn mây.

Dẫu rất nhiều người cho rằng, chàng trai trong bài thơ này là một người si tình nhưng tôi không cho là thế, đó là sự hối hận muộn màng. Tôi hỏi cây tần bì là một bài thơ buồn, để lại nỗi xót xa trong lòng người đọc. Khi chàng trai đã nhận ra mình đã để tuột khỏi tay điều quý giá nhất thì cảm giác đau đớn mà mối tình đã lỡ để lại còn bi thương hơn gấp vạn lần so với việc chia tay.

Và càng trớ trêu thay điều quý giá ấy lại đang thuộc sở hữu của người bạn thân nhất trên đời:

Bạn của tôi, người trung tín của tôi

Bạn đáp lời, những lời chân thật nhất

Rằng: “Bạn ơi, người bạn yêu thuở trước;

Người của bạn thuở trước, bạn ơi

Người của bạn, người thương yêu của bạn.

Người ấy bây giờ là vợ tôi”.

Tôi hỏi cây tần bì - Tiếng vọng của mối tình dang dở

Phim Mátxcơva: Mùa thay lá của Việt Nam sử dụng Tôi hỏi cây tần bì làm ca khúc nhạc phim đã gợi lên trong lòng người Việt yêu nước Nga nhiều cảm xúc. Ảnh Internet

Bài thơ Tôi hỏi cây tần bì nổi tiếng ngay lúc đó, được phổ nhạc lần đầu tiên vào năm 1935 trong một vở hài kịch của Kirshon với tựa đề Sinh nhật và bị lãng quên khi nhà văn bị xử tử vào năm 38 tuổi.

Phải đến năm 1975, bài thơ một lần nữa được nhạc sĩ Michael Tariverdiev phổ nhạc làm nhạc phim "Sự trớ trêu của số phận" thì "Tôi hỏi cây tần bì" mới trở thành một tác phẩm nổi tiếng, sánh ngang với ca khúc lãng mạn dựa trên lời thơ được yêu thích lúc bấy giờ như: Bên tấm gương soi (M.Tsvetaeva), Trên con đường tôi đi năm ấy (B.Akhmadulina), Thời thanh niên sôi nổi (L.Oshanin), Đàn sếu (Rasul Gamzatov)…

Gần một thế kỷ ra đời Tôi hỏi cây tần bì đến nay vẫn là một khúc tình buồn gây nhiều xúc động trong lòng bạn đọc yêu văn học và âm nhạc của nước Nga tươi đẹp. Những năm gần đây, ca khúc được yêu thích với tiếng hát của Alexander Rybak. Tiếng vĩ cầm do nam ca sĩ thể hiện ở phần đầu và cuối phần trình diễn khiến giai điệu bài hát càng trở nên trầm buồn, đậm chất tự sự và chinh phục được người nghe.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast