Venezuela thông báo tổ chức hội nghị về tái cơ cấu khoản nợ 150 tỷ USD

Venezuela kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia một hội nghị dự kiến diễn ra ngày 13/11 tới nhằm tái cơ cấu khoản nợ đã lên tới 150 tỷ USD của nước này, khi nguy cơ vỡ nợ đang ngày càng hiện hữu.

venezuela thong bao to chuc hoi nghi ve tai co cau khoan no 150 ty usd

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong một cuộc họp tại Caracas ngày 15/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 3/11, Tổng thống Nicolas Maduro kêu gọi "các nhà đầu tư trên toàn thế giới và các chủ nợ của Venezuela đến thủ đô Caracas vào ngày 13/11 tới để bắt đầu một tiến trình tái đầu tư và đàm phán lại các khoản nợ nước ngoài" của Venezuela.

Phó Tổng thống Tareck El Aissami cho biết tại hội nghị tới, Chính phủ Venezuela muốn tìm kiếm "các cam kết chính phủ" về tái đàm phán nợ, nhằm "tạo nền tảng tái đàm phán thời hạn thanh toán nợ nước ngoài" của Venezuela và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).

Trong một tuyên bố được truyền hình, ông Aissami cho biết Chính phủ Venezuela sẽ "tiếp tục tuân thủ đầy đủ và minh bạch như trước." Cũng theo ông, từ năm 2014, Venezuela đã trả gần 72 tỷ USD tiền nợ (bao gồm lãi).

Phó Tổng thống Aissami đang đứng đầu một ủy ban chuyên trách việc tái cơ cấu nợ công của Venezuela, vừa được thành lập nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tổng thống Maduro nêu rõ kế hoạch tái cơ cấu nợ này sẽ giúp Venezuela ổn định nền kinh tế nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân như lương thực, chỗ ở, y tế, giáo dục và an ninh.

Theo ước tính, Venezuela đang gánh một "núi nợ" lên tới 150 tỷ USD, trong đó có 45 tỷ USD nợ công, 45 tỷ USD nợ của PDVSA, 23 tỷ USD nợ Trung Quốc và 8 tỷ USD nợ Nga.

Hầu hết các khoản nợ Trung Quốc và Nga sẽ được thanh toán bằng dầu mỏ. Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ được xác nhận lớn nhất thế giới. Dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ chính, chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh đã khiến Venezuela lâm vào khủng hoảng kinh tế trong năm qua, dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa. Trong khi đó, việc khai thác dầu suy giảm vì cơ sở hạ tầng của PDVSA đã xuống cấp nghiêm trọng. Lượng dự trữ ngoại tệ của nước này hiện chỉ còn 10 tỷ USD.

Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đang ngày càng lo ngại nguy cơ Venezuela vỡ nợ, trong khi các chuyên gia phân tích bày tỏ bi quan về khả năng tái cơ cấu nợ thành công.

Hãng Standard & Poor"s ngày 3/11 giảm xếp hạng ngoại tệ dài hạn của Venezuela từ mức "CCC" xuống mức "CC," đồng nghĩa với một cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ.

Trong khi đó, hãng Fitch cắt xếp hạng nợ dài hạn của nước này từ mức "CC" xuống mức "C" dựa trên "những lần không trả nợ trước đó." Mức xếp hạng này cho thấy nguy cơ vỡ nợ đang ở rất gần.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Venezuela đã chứng kiến tăng trưởng âm, ở mức -36% trong 4 năm qua. Dự báo tình trạng siêu lạm phát sẽ nghiêm trọng hơn, có thể lên tới 2.300% vào năm tới.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 3/11, IMF đã khiển trách Venezuela vì không cung cấp các số liệu kinh tế như yêu cầu đối với tất cả 189 thành viên của quỹ.

Động thái của IMF không kèm theo hình phạt tài chính, song đây là một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ đang xấu đi giữa Venezuela với thể chế tài chính này.

IMF đã không thể tiến hành các đánh giá thường niên về nền kinh tế Venezuela trong suốt 13 năm.

Quốc gia Nam Mỹ này hiện là một thành viên IMF, song trong hơn một thập kỷ qua,Caracas không có kênh tiếp xúc chính thức nào với thể chế tài chính toàn cầu này.

Trong một tuyên bố, Ban lãnh đạo IMF bày tỏ hy vọng "quyết định trên sẽ hối thúc chính quyền Venezuela tái cam kết với quỹ" thông qua việc cung cấp các số liệu kinh tế kịp thời và định kỳ, cũng như việc nối lại hoạt động tham vấn giữa hai bên. IMF nhấn mạnh: "Việc tái cam kết như vậy sẽ có lợi cho Venezuela và cộng đồng quốc tế."

Theo kế hoạch, IMF sẽ nhóm họp lại trong vòng 6 tháng tới để "đánh giá về tiến bộ thực hiện của Venezuela" trong việc lập số liệu và cung cấp cho quỹ./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.