Vì sao Mỹ bất ngờ dội tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria

Mỹ ngày 6/4 đã bất ngờ tấn công vào Syria bằng một loạt 49 quả tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ 2 tàu khu trục có mặt ở Địa Trung Hải.

Đây là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ đối với Syria sau khi ông Trump điều hành đất nước, với lý do trả đũa cuộc tấn công vũ khí hóa học nghi là của chính phủ Syria làm thương vong nhiều dân thường.

vi sao my bat ngo doi ten lua hanh trinh tomahawk tan cong syria

Tên lửa hành trình Tomahawk tấn công vào Syria. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ và đặt câu hỏi vì sao ông Trump lại hành động gấp gáp như vậy, trong khi Hội đồng bảo an LHQ vừa mới thảo luận về một cuộc điều tra xem ai là thủ phạm gây ra cuộc tấn công vũ khí hóa học này.

Muốn tỏ ra “cứng rắn”

Theo giới phân tích, động thái gấp gáp nêu trên của Nhà Trắng mang nhiều ý nghĩa, trong đó ông Trump muốn chứng minh ông là nhà lãnh đạo “cứng rắn” trên cơ sở lập trường “diều hâu” của đảng Cộng hòa.

Về đối ngoại, qua đây ông muốn chứng minh ông không phải là người “thân Nga” như cáo buộc của dư luận; đồng thời nhắc nhở ông Tập Cận Bình rằng, nếu Bắc Kinh không khuyên bảo được Triều Tiên thì Mỹ sẽ hành động một mình và hành động quân sự cũng không loại trừ.

Về đối nội, ông Trump có thể hướng dư luận ra bên ngoài làm mờ đi những “vết sạm” do hàng loạt sắc lệnh đầu tiên của ông bị dư luận, thậm chí tòa án phản bác, nhất là sắc lệnh nhập cư, vấn đề cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn từ chức…

Về sức mạnh quân sự, ông cho sử dụng Tomahawk là loại vũ khí hiện đại ở xa 1.600 km, mỗi tên lửa được trang bị đầu đạn khoảng 450 kg, nhất là Tomahawk được phóng đi từ tàu khu trục, không cần máy bay Mỹ phải cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận để chỉ thị mục tiêu.

Tomahawk còn có thể dễ dàng vượt qua tên lửa phòng không S-200 của Syria (ngoại trừ tổ hợp S-300 và S-400 của Nga đang trực chiến). Do đó, việc sử dụng tên lửa Tomahawk được ông Trump phê duyệt ngay sau cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Mặt khác, quyết định tấn công tên lửa vào mục tiêu quân sự của chính phủ Syria lần này còn nhằm dọn đường cho chủ trương tăng ngân sách quốc phòng, cắt giảm các hoạt ngoại giao, tài trợ các nước đồng minh và đối tác để tập trung cho việc nâng cao sức mạnh quốc gia của Mỹ đã bị suy yếu dưới các chính quyền tiền nhiệm.

Tái sử dụng “giải pháp tạo cớ”

Lập trường cứng rắn của Trump đối với vấn đề tấn công vũ khí hóa học tại Syria cũng còn nhằm “tránh giẫm vào vết xe đổ của người tiền nhiệm – Barack Obama”, rằng không cần phải đề ra “lằn ranh đỏ” đối với Syria mà trực tiếp ngăn cản ông Assad không được sử dụng loại vũ khí hóa học này.

Cũng nhân vụ tấn công với lý do vũ khí hóa học ở Syria, Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích người tiền nhiệm Obama về cái gọi là “lằn ranh đỏ”, và Mỹ sẵn sàng hành động độc lập mà không cần chờ đợi những quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo giới quan sát, để đạt được mục đích của mình, ông Donald Trump và cộng sự của ông đã không quan ngại việc tái sử dụng “giải pháp tạo cớ” đã được các chính phủ tiền nhiệm trước đây như: “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ở Việt Nam; Saddam Hussein tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt ở Iraq… cho đến nay vẫn không thể chứng minh được.

Lấy lại vị thế của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn nhân sự kiện này để chứng minh vị thế của Mỹ tại khu vực địa - chiến lược này, và rất có thể ông sẽ kiên định chiến được “Đại Trung Đông mới” mà các chính quyền tiền nhiệm đã xây dựng và có thể chính sửa đôi chút.

Tại chiến trường Syria, trong thời gian vừa qua, dưới sự ủng hộ của Moscow, quân đội của chính phủ Assad đã phát động nhiều cuộc tấn công lớn, và không ngừng phản công, giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo từ các lực lượng của phe đối lập.

Với sự tham gia của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước Arabia… thỏa thuận ngừng bắn song phương đã được thiết lập và phát huy vai trò ở mức độ nhất định, trong khi không có Mỹ. Khiến cho Washington “không muốn nhìn thấy cục diện Syria do Nga nắm quyền chủ đạo”.

Theo giới phân tích, việc sử dụng tên lửa hành trình phát động các cuộc tấn công vào các nước khác là phương thức quen thuộc của Nhà Trắng nhằm truyền tải thông điệp chính trị cứng rắn, nhưng khi đạt được mục đích chính trị, rất có thể Washington sẽ không thực hiện các hành động quân sự tiếp theo.

Ông Trump cũng có thể làm như thế, vì ông luôn tự xưng mình là “ông vua đàm phán”. Và quyết định của ông Trump diễn ra rất nhanh chóng là để kịp thời chào đón ông Tập Cận Bình. Đây có thể là cú ra đòn nhằm dằn mặt Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên trước giờ thảo luận chính thức giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.

Được biết, trước đó trong chuyến công du dọn đường đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hồi trung tuần tháng 3, ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Mỹ đã nói: “Rõ ràng là cần có một cách tiếp cận khác” sau 20 năm nỗ lực ngoại giao thất bại để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Như vậy, chính sách đối ngoại “khác lạ” của ông Trump cũng đã dần hé lộ. Sự “cứng rắn” thì đã rõ, nhưng những hành động nhanh, bất ngờ, không tính hết hệ quả phức tạp lại phản ánh nguyên trạng tính cách của Tổng thống – doanh nhân – tỷ phú Donald Trump như dư luận từng thấy trong quá trình tranh cử và gần 100 ngày cầm quyền của ông.

Theo VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.