Tài xế Nguyễn Trọng Đồng mang xe tải tới trung tâm đăng kiểm để kiểm định an toàn kỹ thuật của phương tiện.
Sáng 27/10, anh Nguyễn Trọng Đồng (SN 1981, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) mang xe tải hiệu Chiến Thắng loại 2,5 tấn tới trung tâm đăng kiểm xe cơ giới của Công ty CP Đăng kiểm Hà Tĩnh để kiểm định khi phương tiện đã hết hạn đăng kiểm.
Do đã sử dụng nhiều năm và trải qua thời gian dài vận chuyển hàng hóa nên trước khi đưa xe tới đăng kiểm, tài xế Đồng phải bỏ một khoản kinh phí không nhỏ tới gara để sửa chữa phương tiện.
Sau khi kiểm định phương tiện đảm bảo an toàn lưu thông, cán bộ trung tâm đăng kiểm dán phiếu đăng kiểm mới cho ô tô.
Việc đưa xe hết hạn kiểm định tới trung tâm đăng kiểm như của anh Nguyễn Trọng Đồng là yêu cầu bắt buộc đối với phương tiện cơ giới nhằm kiểm tra mức độ, ngưỡng an toàn xe, góp phần giảm thiểu rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường, đảm bảo an toàn cho bản thân tài xế và người tham gia giao thông khác.
Tuy nhiên, không phải tài xế, chủ phương tiện nào cũng có ý thức chấp hành pháp luật về ATGT như vậy.
Xe tải đậu ở khu đất bên quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh đoạn qua xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà không có giấy chứng nhận và tem kiểm định an toàn kỹ thuật theo quy định. Ảnh chụp sáng 27/10.
Theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính tới cuối tháng 10/2022, Hà Tĩnh có 4.704 phương tiện cơ giới đường bộ quá hạn kiểm định (989 xe ô tô con, 179 ô tô khách, 312 xe rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc, 3.224 ô tô tải và chuyên dùng).
Về thời gian quá hạn đăng kiểm thì phương tiện: quá hạn từ 1 – 3 tháng có 703 phương tiện; từ 3 – 6 tháng có 616 phương tiện; từ 6 – 12 tháng có 468 phương tiện; từ 12 – 24 tháng có 568 phương tiện; trên 24 tháng có tới 2.349 phương tiện.
Trường hợp phương tiện không được kiểm định an toàn kỹ thuật mà vẫn lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT. Ảnh chụp sáng 27/10.
Ghi nhận của PV Báo Hà Tĩnh cho thấy, tình trạng xe cơ giới quá hạn đăng kiểm nhưng chủ xe, tài xế không đưa phương tiện đi kiểm định đã tồn tại nhiều năm ở Hà Tĩnh. Và qua số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì số lượng phương tiện quá hạn đăng kiểm trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, số xe quá hạn đăng kiểm thường tập trung chủ yếu ở ô tô tải và chuyên dùng với 3.224 xe. Ngoài ra, loại phương tiện cơ giới này còn “dẫn đầu” về thời gian quá hạn đăng kiểm trên 24 tháng với 1.930/2.349 xe.
Kiểm định ô tô là yêu cầu bắt buộc đối với phương tiện cơ giới nhằm kiểm tra mức độ, ngưỡng an toàn xe, góp phần giảm thiểu rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường.
Phó Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm Hà Tĩnh Phạm Tuấn Anh cho hay: Việc chủ phương tiện, tài xế không đưa xe đi đăng kiểm theo quy định không chỉ làm thất thu phí quản lý đường bộ mà nguy cơ lớn nhất chính là việc phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật (lốp mòn; hệ thống phanh, lái không đảm bảo; đèn chiếu sáng không đạt yêu cầu…) khi lưu thông trên đường.
Thực tế thời gian qua trên toàn quốc đã xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng mà một phần nguyên nhân xuất phát từ việc phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Điều này cho thấy nguy cơ xảy ra TNGT với phương tiện quá hạn đăng kiểm luôn hiện hữu.
Chiếc xe tải nằm trong gara trên quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh đã quá hạn đăng kiểm 4 tháng. Ảnh chụp sáng 27/10.
Lý giải về nguyên nhân xe ô tô tải “đứng đầu” về số lượng phương tiện quá hạn đăng kiểm và thời gian quá hạn đăng kiểm trên 24 tháng, Phó Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm Hà Tĩnh Phạm Tuấn Anh cho hay: 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và giá xăng dầu tăng cao nên hoạt động kinh doanh vận tải gặp khó khăn, có không ít phương tiện gần như phải “đắp chiếu”.
“Từ việc hoạt động không có doanh thu nên dù đã quá hạn đăng kiểm, chủ xe, tài xế cũng không mặn mà đưa phương tiện đi kiểm định. Cùng với đó, khi phương tiện đã quá hạn đăng kiểm thì tâm lý chung của chủ xe, tài xế là quá hạn 1 tháng hay nhiều tháng cũng như nhau vì khi tới đăng kiểm thì chỉ bị truy thu phí bảo trì đường bộ, chứ cơ quan đăng kiểm không có quyền xử phạt”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Cán bộ trung tâm đăng kiểm đang kiểm tra bộ phận phương tiện.
Thông tin thêm về tình trạng xe tải “trốn” kiểm định an toàn kỹ thuật, Thiếu tá Nguyễn Thành Chung – Đội trưởng Đội CSGT – TT Công an huyện Đức Thọ nói rằng sau thời gian dài vận chuyển hàng hóa, phần lớn các xe tải đều có hư hỏng, hệ thống máy móc xuống cấp, khó đảm bảo an toàn khi lưu thông nên buộc các chủ xe, tài xế phải đưa phương tiện đi sửa chữa và tốn khoản chi phí lớn. Cộng khoản tiền này cùng với phí bảo trì đường bộ bị truy thu sẽ là số tiền lớn, có trường hợp cả chục triệu đồng nên người chủ “ngại” đưa phương tiện đi kiểm định.
Để xử lý tình trạng xe ô tô quá hạn đăng kiểm, trên cơ sở số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Công ty CP Đăng kiểm Hà Tĩnh đã lập danh sách, gửi về các đơn vị chức năng để phối hợp tuyên truyền, vận động chủ xe đưa phương tiện đi kiểm định đúng quy định.
Cùng với đó, lực lượng chức năng toàn tỉnh, trong đó chủ chốt là CSGT cũng tăng cường việc tuần tra, xử lý các trường hợp phương tiện quá hạn đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc xử lý lại gặp khá nhiều khó khăn.
Việc phương tiện đảm bảo an toàn kỹ thuật khi lưu thông không chỉ đảm bảo an toàn cho tài xế mà còn cho những người tham gia giao thông khác.
“Biết phương tiện quá hạn đăng kiểm sẽ bị xử phạt nên tài xế luôn tìm cách đối phó với CSGT như hoạt động vào thời gian buổi trưa, ban đêm hoặc di chuyển cung đường ít có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát. Thậm chí với phương tiện quá hạn đăng kiểm 2 – 3 năm thì chủ xe đưa vào hoạt động trong các mỏ vật liệu xây dựng hay vùng rừng núi chở keo tràm”, Thiếu tá Nguyễn Thành Chung – Đội trưởng Đội CSGT – TT Công an huyện Đức Thọ cho hay.
Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, qua quá trình rà soát các phương tiện quá hạn đăng kiểm trên địa bàn huyện thì nhận thấy, có không ít trường hợp xe đã được bán ra khỏi địa bàn nhưng chủ xe không làm thủ tục sang tên đổi chủ nên dù phương tiện không hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng thống kê thì vẫn ở Hà Tĩnh.
Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển phương tiện quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng bị phạt 3 – 4 triệu đồng, trên 1 tháng bị phạt 4 – 6 triệu đồng và hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 1 – 3 tháng. Đối với chủ xe là cá nhân thì trường hợp phương tiện quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng bị phạt 4 – 6 triệu đồng, còn chủ xe là tổ chức bị phạt 8 – 12 triệu đồng; quá hạn đăng kiểm trên 1 tháng, cá nhân bị phạt 6 – 8 triệu đồng, tổ chức bị phạt 12 – 16 triệu đồng. Nếu chủ xe đồng thời là người điều khiển xe thì mức phạt tiền sẽ được áp dụng như đối với chủ xe và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 – 3 tháng. |