Video quá trình "hái" lộc nhung ở Hương Sơn:
Ông Huế, một người sành nghề cắt lộc nhung ở Hương Sơn
Thao tác khống chế và cố định hươu phải nhanh và đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi. Đây là công đoạn khó nhất vì hươu là loài vật rất nhanh nhẹn, bộ móng guốc rất sắc. Đã có hội cắt nhung do “hợp đồng tác chiến” không nhanh, không dứt khoát làm gãy chân hươu hoặc bị hươu đạp vỡ bụng, rách mặt |
Mỗi làng ở Hương Sơn đều có hội cắt “lộc” khoảng 6 - 7 người, thường là những người cùng nuôi hươu với nhau. Khi khách hàng đã ưng ý cặp nhung nào, chủ hươu nhờ hội cắt "lộc" đến vật chú hươu xuống và dùng lưỡi cưa nhỏ cắt đoạn nhung vừa lên.
Công việc cắt nhung hươu tuy đơn giản nhưng phải là người có sức khỏe, nhanh nhẹn và khéo tay mới làm được. 6 - 7 người phải nhanh chóng vào chuồng để giữ chặt hươu, đồng thời dùng lưỡi cưa sắc bén cắt nhung. Khi cắt nhung cũng yêu cầu phải nhanh, vị trí cắt nhung cách gốc đế khoảng 1cm, lúc gần đứt thì cưa chậm lại.
Sau mỗi lần cắt, để đảm bảo sức khỏe và nhung tái tạo từ chính vết thương đó cho lần cắt tiếp theo, người ta sử dụng một số loại lá rừng gia truyền được sơ chế đắp lên chỗ cắt, dùng gạc hoặc vải sạch bịt ngoài thật chặt.
Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung (sừng hươu đực), nhưng giờ đây họ đã có cách chăm sóc hươu để thu mỗi năm 2 lứa, với mỗi cặp bình quân 0,6 – 0,8kg, cá biệt hươu khoẻ có thể cho "lộc" nặng đến 1,2kg.
Theo lệ, gia chủ có mâm cơm với chén rượu huyết hươu đỏ thắm thay lời cảm ơn "hội cắt lộc" và cũng là sự chia sẻ lộc trời theo triết lý "lộc bất tận hưởng". Cả chủ và khách cùng nâng chén rượu huyết nhung ngọt lịm, chúc mừng một vụ nhung đầy thắng lợi.