Việc ban hành chính sách mới phải phát huy được tính hiệu quả đối với các đối tượng liên quan

(Baohatinh.vn) - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị, khi ban hành các chính sách cần phải bám sát quy định của Trung ương; chính sách mới phải phát huy được tính hiệu quả đối với các đối tượng liên quan và tốt hơn chính sách hiện hành.

Sáng 24/11, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến về một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo báo cáo tại cuộc họp.

Mở đầu cuộc họp, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo đã báo cáo dự kiến kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026; báo cáo xin ý kiến một số chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý luân chuyển công tác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung Điều 4, Nghị quyết số 258/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố.

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn báo cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường.

Tiếp đó, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn báo cáo một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025.

Dự thảo nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2025 quy định về 5 chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cấp xã; đơn vị quản lý mô hình ủ rác hữu cơ tập trung; HTX hoặc tổ, đội vệ sinh môi trường mua thùng gom rác chuyên dùng và chế phẩm sinh học hoặc khử mùi tại các trạm trung chuyển/điểm tập kết; HTX môi trường mua xe cuốn ép rác phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cho chủ đầu tư dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng báo cáo chính sách hỗ trợ về lĩnh vực công thương.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng báo cáo một số chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập báo cáo một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập báo cáo một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025.

Các chính sách về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch gồm: chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cơ sở; hỗ trợ tu sửa, chống xuống cấp di tích; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn…

Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp báo cáo về mức thu học phí.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp báo cáo một số chính sách đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025; về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga đề nghị tỉnh cần xem xét khả năng cân đối ngân sách để hỗ trợ mức học phí.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Cơ quan soạn thảo cần bám sát các quy định của Trung ương khi xây dựng chính sách.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Việc ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 56/2021 là cần thiết và phù hợp thực hiễn.

Các đại biểu cũng đã tiến hành thảo luận xung quanh nội dung được báo cáo tại cuộc họp. Nhiều ý kiến cho rằng, khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo cần bám sát các quy định của Trung ương. Bên cạnh đó, cần cân nhắc đến tính khả thi, hiệu quả, xem xét nguồn lực thực hiện và có điều khoản chuyển tiếp khi ban hành các chính sách.

Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Dương Tất Thắng: Cần có sự xem xét, điều chỉnh phù hợp trong tinh giản biên chế, cùng với đó nên có chính sách đầu tư, khuyết khích phát triển giáo dục ngoài công lập. Ngoài ra, cần ban hành chương trình chỉ đạo tổng thể để soát xét số lượng biên chế nhằm nâng cao chất lượng bộ máy điều hành.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh làm rõ các nội dung quy định mức chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố và cho ý kiến về chính sách phát triển văn hóa.

Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Văn Trọng cho rằng, về dự kiến kế hoạch tinh giản biên chế cần thiết phải có đề án vị trí việc làm và cơ chế chính sách giải quyết lao động dôi dư.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề nghị, khi ban hành các chính sách cần phải bám sát quy định của Trung ương; chính sách mới phải phát huy được tính hiệu quả đối với các đối tượng liên quan và tốt hơn chính sách hiện hành.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng kết luận cuộc họp.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trên cơ sở quy định của pháp luật và theo thẩm quyền, cần quan tâm nâng mức bồi dưỡng cho các nhóm nhiệm vụ khác ở địa bàn thôn, tổ dân phố. Chưa trình chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý luân chuyển công tác tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh sắp tới.

Đối với chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh, trước mắt, thực hiện đến hết năm 2025. Cơ quan soạn thảo cũng cần thay đổi, điều chỉnh các từ ngữ, đối tượng liên quan trong báo cáo để đảm bảo tính phù hợp. Ngoài ra, cần có chính sách riêng đối với 3 lĩnh vực cụ thể là văn hóa, thể thao và du lịch; bổ sung chính sách hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; trong chính sách tập huấn bồi dưỡng nguồn nhân lực cần quan tâm cơ chế kích cầu xã hội hóa.

Bí thư Tỉnh ủy đồng ý với mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời cân đối, xem xét kỹ các đối tượng được miễn giảm học phí. Bên cạnh đó, sửa đổi một số nội dung không phù hợp của Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Liên quan đến các chính sách về biên chế, cần đối chiếu với thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, nhất là lưu ý đến tính đặc thù để có sự bố trí hợp lý.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói