Trả lời:
Hệ thống xoang gồm có xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm thông với nhau qua các đường dẫn. Viêm đa xoang là tình trạng viêm từ hai xoang trở lên, cùng một thời điểm.
Viêm thường xuất phát ở một xoang, sau đó mầm bệnh lan sang các xoang còn lại. Có nhiều yếu tố dẫn đến viêm xoang như cơ địa người bệnh, do virus gây cảm lạnh, chất gây dị ứng, chất kích thích, nấm, vi khuẩn. Các yếu tố nguy cơ gây viêm đa xoang khác bao gồm lệch vách ngăn, polyp mũi, khí hóa cuốn mũi giữa (có bóng khí trong cuốn mũi do bất thường cấu trúc mũi), chấn thương dẫn đến gãy xương liên quan đến xoang hoặc vùng mặt xung quanh chúng...
Triệu chứng bệnh không điển hình, thường gặp nhất là đau hay tăng áp lực ở mặt, sung huyết hay đầy ở mặt, tắc mũi, chảy mủ mũi hoặc dịch mũi sau, sốt. Người bệnh có thể bị đau đầu, hôi miệng, mệt mỏi, khó chịu, đau răng, ho và đau tai.
Người bệnh viêm xoang thường sổ mũi, khó chịu. Ảnh: Freepik
Nếu không điều trị triệt để, viêm đa xoang có thể dẫn đến biến chứng u nhầy mũi xoang, áp xe hốc mắt, huyết khối xoang hang, viêm màng não, áp xe não, liệt dây thần kinh... Biến chứng phổ biến nhất là biến chứng ổ mắt chiếm 60-75% các trường hợp, gây giảm thị lực. Một số trường hợp, người bệnh có thể bị biến chứng liệt dây thần kinh sọ do viêm xoang sàng sau hoặc viêm xương bướm.
Hầu hết trường hợp viêm đa xoang cấp do vi khuẩn không biến chứng có thể điều trị ngoại trú với tiên lượng tốt. Người bệnh viêm xoang trán hoặc viêm xoang bướm cần nhập viện điều trị với thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Viêm xoang do nấm có nguy cơ biến chứng và tử vong cao.
Viêm đa xoang gây ra biến chứng hoặc viêm mạn tính không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật và chỉnh hình cấu trúc mũi bất thường (vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi).
Hiện, phẫu thuật điều trị viêm xoang được thực hiện qua nội soi đường mũi ít xâm lấn. Nhờ hệ thống khoan cắt, bào mô hiện đại, bác sĩ dễ dàng đưa dụng cụ nội soi rất nhỏ vào mũi của bệnh nhân, sau đó mở rộng các lỗ thông xoang, cắt polyp, lấy mô nấm, hút sạch nhầy mủ, không gây tổn thương bộ phận lân cận. Bệnh nhân có thể thở qua miệng và ăn uống bình thường sau mổ, xuất viện sau 2-3 ngày.
Trường hợp của bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân, không tự ý điều trị bằng kháng sinh do không có tác dụng với virus.
Bên cạnh điều trị theo phác đồ của bác sĩ, bạn cần vệ sinh mũi xoang hàng ngày bằng nước muối sinh lý, sử dụng máy xông hơi để làm ẩm không khí, tránh khô xoang. Xông tinh dầu giúp thông mũi xoang, giảm triệu chứng đau và tức xoang, thực hiện các bài tập thở và tập yoga hàng ngày... Tiêm vaccine ngừa bệnh cúm hàng năm cũng giúp phòng biến chứng viêm mũi xoang do cúm.