Vientiane Times: Dự kiến khởi công đường sắt Lào - Việt kết nối cảng Vũng Áng

(Baohatinh.vn) - Tờ Vientiane Times (Thời báo Vientiane) đưa tin Chính phủ Lào đã giao cho Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) tiến hành nghiên cứu khả thi về dự án đường sắt Lào - Việt Nam, từ huyện Thakhaek, tỉnh Khammuan của Lào đến biên giới Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công chính - Vận tải Lào Viengsavath Siphandone và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng khảo sát thực tế tại Cảng Vũng Áng ngày 12/5/2018

Thay mặt Chính phủ Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước này ngày 15/10 vừa qua đã ký với PetroTrade một biên bản ghi nhớ (MOU) về việc PetroTrade tiến hành nghiên cứu và hoàn tất thiết kế chi tiết của tuyến đường sắt nói trên.

Theo Vientiane Times, tuyến đường này sẽ bắt đầu từ Thakhaek và chạy đến biên giới Lào - Việt để kết nối với cảng Vũng Áng, thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.

Tuyến đường sẽ giúp kết nối Lào với khu vực ASEAN, cho phép Lào phát triển cơ sở hạ tầng và các cơ sở vật chất cho đầu tư thương mại và nông nghiệp, đem lại cho Lào tiềm năng trở thành một quốc gia công nghiệp, hiện đại.

Tuyến đường cũng sẽ giúp Lào từ một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia kết nối trên đất liền, kết nối khu vực nhằm hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Lào về phát triển đường sắt.

Phát biểu tại lễ ký, ông Chanthone Sitthixay, Chủ tịch PetroTrade cho biết: “Tuyến đường sắt sẽ dài khoảng từ 240km đến 270km; trong đó chiều dài tuyến chạy trên đất Lào khoảng 150km, khoảng 120km còn lại sẽ nằm trên đất Việt Nam.

Việc khảo sát ban đầu sẽ được tiến hành từ Thakhaek đến biên giới Lào - Việt, sau khi nhận được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, PetroTrade tiếp tục tiến hành khảo sát từ biên giới Việt Nam tới cảng Vũng Áng.

Quá trình khảo sát và thiết kế sẽ được hoàn tất trong vòng từ 8-12 tháng. Nếu được sự cho phép của Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam, dự án dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2021 và hoàn thành vào năm 2024.

Đây sẽ là tuyến đường sắt đơn theo tiêu chuẩn quốc tế, có tốc độ vận tải và vận chuyển hành khách từ 90-120 km/giờ, sử dụng thiết bị và công nghệ của Indonesia. Dựa trên kết quả khảo sát sẽ quyết định hình thức đầu tư sẽ là BOT hay PPP.”

Trước đó, trong các chuyến công tác tại Việt Nam vào năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam Suphăn Keomixay; Thứ trưởng Bộ Công chính - Vận tải Lào Viengsavath Siphandone đã đến Hà Tĩnh để khảo sát tình hình tại KKT Vũng Áng. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Suphăn Keomixay cho rằng, việc mở tuyến đường sắt nối Thủ đô Viêng Chăn - cảng Vũng Áng (trước mắt là Thakhaek – Vũng Áng) của Việt Nam sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam.

Chính phủ hai nước đã xác định tuyến đường sắt Viêng Chăn –Vũng Áng và đường cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội – Thủ đô Viêng Chăn là hai dự án kết nối chiến lược cần được đầu tư và xây dựng trong thời gian tới, nhằm giúp đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước và tạo tiền đề để giúp Lào trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói