Vợ cũ

Tôi và vợ cũ ở cùng khu phố, yêu nhau từ thời Trung học, rồi đến Đại học. Trải qua quãng thời gian dài yêu nhau, chúng tôi tự tin tình cảm của mình đủ chín muồi để có thể sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Đó chính là lí do một đám cưới linh đình đã diễn ra ngay sau khi chúng tôi ra trường.

vo cu

Vợ cũ của tôi công bằng mà nói thì không xinh đẹp nhưng gương mặt dễ gây thiện cảm. Cô ấy hiền, ít nói, nhưng tính tình lại rất thẳng thắn, dứt khoát trong mọi vấn đề. Những năm đầu của cuộc hôn nhân trôi qua bình lặng. Chúng tôi đã yêu nhau đủ lâu để không còn cảm thấy mới mẻ, lạ lẫm khi sống chung. Con gái chúng tôi ra đời càng làm tổ ấm nhỏ càng trở nên ý nghĩa.

Người ta bảo, trái tim đàn ông vốn nhiều ngăn, dẫu hình bóng vợ con luôn đầy ắp trong tim vẫn luôn có kẽ hở cho một hình bóng khác. Tôi không bao giờ muốn làm một người chồng tệ bạc, một người cha xấu xa. Nhưng tình cảm là thứ không thể rõ ràng như một cộng một bằng hai. Tôi đã xiêu lòng trước cô gái đó chỉ sau một lần gặp gỡ tại tiệc mừng thăng chức của một đồng nghiệp. Hôm đó, em đến một mình, gương mặt xinh đẹp nhưng lại vương nét buồn. Vô tình em ngồi cạnh tôi, trò chuyện xã giao đôi ba câu, và cuối buổi hôm ấy chúng tôi cho nhau số điện thoại. Tôi đã nhớ nhiều về em sau buổi gặp hôm ấy, đến nỗi không kìm nén nổi phải nhắn một tin nhắn hỏi thăm. Nhắn qua nhắn lại, mọi tâm sự của em tôi đều tỏ tường, tôi biết vì sao em đang buồn, vì sao em cô đơn. Tôi lắng nghe, động viên em vượt qua nỗi đau tình phụ. Và em, như người đang chơi vơi giữa dòng nước bấu víu được cành cây khô, kể lể tin yêu tôi như thể đã gặp nhau từ lâu lắm.

Chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần, chỉ để tâm sự. Sự thực đúng là như thế. Dù rằng có lẽ em cũng có tình cảm với tôi, và tôi cũng nghĩ nhiều về em vượt mức cho phép. Đã có một lúc nào đó em nói rằng “giá như em gặp anh sớm hơn”. Câu nói ấy không hiểu sao khiến tim tôi xao động.

Nói tôi ngoại tình có lẽ không hẳn đúng, cũng có thể coi đó là dạng ngoại tình tư tưởng. Vậy nên khi vợ tôi biết được mối quan hệ này, cô ấy đã nhất định không tha thứ. Cô ấy nói cô ấy quá thất vọng, và niềm tin ấy vỡ vụn đến mức không một sự ăn năn nào có thể hàn gắn lại. Tôi đã mất vợ như thế, tưởng chừng rất vô lý, nhưng lại không thể nào giải thích được, bởi có lẽ là tôi đã thật sự sai.

Sau khi li hôn, tôi và em đến với nhau, có vấp phải vài sự phản đối từ gia đình em nhưng cuối cùng đám cưới vẫn diễn ra trọn vẹn. Tôi tự nhủ tôi chỉ sai lầm một lần thôi, cuộc hôn nhân này phải dùng hết tâm sức mình mà giữ gìn vun vén. Nhưng sống chung rồi tôi chợt nhận ra tôi không yêu em như tôi tưởng. Tất cả có lẽ chỉ dùng ở sự đồng cảm, ở sự sẻ chia, nhưng tôi ngộ nhận nó là tình yêu chăng? Em không tinh tế nhạy cảm như vợ cũ tôi, cũng không hiểu tôi đủ để tôn trọng cá tính và những mục tiêu của tôi. Nói chung, chúng tôi chỉ đủ hiểu nhau để làm bạn chứ không thể sâu sắc như tôi và vợ cũ đã từng.

Thời gian đầu sau li hôn tôi cố tình tránh mặt vợ cũ, những lần sang thăm con cũng chớp nhoáng. Nhưng rồi càng ngày tôi càng muốn trở về ngôi nhà cũ, nhất là những lúc gặp chuyện gì buồn chán. Tôi muốn được nhìn người con gái tôi đã yêu suốt tuổi thanh xuân. Người có thể hiểu tâm tư của tôi qua cả tiếng thở dài, biết lúc nào nên sẻ chia, lúc nào cần im lặng. Vợ cũ, cô ấy vẫn thế, vẫn hiền lành, ít nói như xưa. Nhưng đôi lần mắt chạm mắt, tôi đọc được trong đó nỗi đau đớn, nỗi xót xa xen lẫn niềm hi vọng.

Có một lần con gái ốm phải nhập viện trong đêm, vợ cũ gọi tôi trong nỗi sợ hãi. Đêm đó chúng tôi cùng ngồi bên nhau trắng đêm ở bệnh viện. Nhìn con gái ngủ mệt nhoài sau cơn sốt, cô ấy khóc và nói rằng giá như cô ấy đã có thể rộng lượng hơn thì con gái chúng tôi đã không phải sống cảnh gia đình không tròn vẹn. Cô ấy tự trách mình? Sao lại thế? Tại tôi đã không biết làm chủ cảm xúc của mình, không biết trân trọng tình yêu và hạnh phúc bao nhiêu năm gây dựng. Là tôi đã ích kỉ mà đánh mất tất cả, sao cô ấy phải dằn vặt mình vì đã không thể bao dung cho tôi?

Đã có lần tôi ước giá như tôi đừng vội vàng tái hôn, có thể chúng tôi đã có thể có cơ hội nhìn nhận lại mọi vấn đề. Biết đâu chúng tôi có đủ thời gian vắng nhau để biết rằng mình vẫn còn cần nhau lắm. Để cả hai chúng tôi có thể cho mình thêm một cơ hội. Vợ chồng xa nhau nhiều khi không phải vì hết yêu, mà là vì hoang mang không biết mình có nên níu giữ, cho đến khi những suy nghĩ làm mình mệt mỏi rồi buông tay.

Mỗi lần nghe ai đó nói rằng: “Tôi vừa gặp vợ cũ của cậu, cô ấy…” lòng tôi lại thường xáo trộn những ngổn ngang. Khi còn yêu nhau, khi lồng vào tay nhau chiếc nhẫn cưới, chẳng ai nghĩ rằng người mình đang yêu thương, đang ôm ấp đây rồi có ngày chỉ còn là “người cũ”. Làm thế nào để vợ chồng mãi là vợ chồng, chứ đừng thành “chồng cũ, vợ cũ”? Làm thế nào để con cái mình đừng phải gọi một người không máu mủ ruột già là mẹ, là cha? Làm thế nào để con thơ không phải lớn lên trong nỗi tủi hờn bởi những niềm vui chòng chành hao khuyết? Với tôi, mọi câu hỏi chỉ là để hỏi, tất cả đã muộn mất rồi.

Tôi vẫn đi về giữa vợ mới và vợ cũ, bởi sợi dây giằng níu là cô con gái của tôi. Vợ mới của tôi đã đôi lần bóng gió xa xôi bởi sợ hãi rằng “tình cũ không rủ cũng tới”, rồi hờn ghen với quá khứ của tôi, khiến tôi bao phen bực mình, tức tối. Cuối cùng, tôi, vợ cũ, vợ mới, ai là người hạnh phúc, khi mà ai cũng canh cánh nỗi nuối tiếc, lo âu giữa nghĩa, giữa tình và trách nhiệm.

Chiều qua tôi ghé qua nhà vợ cũ, thấy bức ảnh cưới ngày xưa cô ấy đã gỡ xuống dựng ở góc nhà, không hiểu sao lòng buồn não nuột. Hạnh phúc, có mà không biết nắm giữ, cuối cùng cũng hóa thành ảo ảnh mà thôi. Chợt nhớ câu hát ru ngày xưa mẹ thường hay hát: “Ai làm cho em dở dang? Ai làm cho sáo lỡ làng?”

Theo Dân trí

Đọc thêm

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.
Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.
Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Chúng ta có thói quen tra cứu trên Google và thường xem kết quả đầu tiên tìm được mà không đào sâu vào độ tin cậy của thông tin.
7 tư duy thay đổi cuộc đời

7 tư duy thay đổi cuộc đời

Điều quyết định sự khác biệt giữa con người không phải tài năng thiên bẩm hay siêng năng, may mắn mà đến từ quá trình thay đổi, rèn luyện và phát triển tư duy.