Báo Mỹ: May mắn khi Nga không muốn chiến tranh

The Hill cũng nhận định “điều may mắn” là các nhà phân tích quân sự Nga tin rằng có rất ít bằng chứng cho thấy Nga muốn chiến tranh với NATO.

Hối hận với Ba Lan?

Trang The Hill của Mỹ mới đây có bài phân tích về việc Mỹ sẽ điều động thêm binh lính đến Ba Lan, coi đây là sự tiếp nối các quan điểm và chính sách đối ngoại “thiếu sót”. Động thái cũng được nhận định là “trò chơi” dối trá cho bất kỳ cuộc đàm phán nào về chia sẻ gánh nặng trong việc bảo vệ châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng, theo đó Mỹ sẽ gửi thêm ít nhất hơn 1.000 binh sĩ đến Ba Lan.

Đây được coi là biểu tượng cho sự bảo vệ châu Âu của Mỹ, mà theo The Hill là một chính sách bị mắc kẹt trong suốt ba thập kỷ qua sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Báo Mỹ: May mắn khi Nga không muốn chiến tranh
Báo Mỹ: May mắn khi Nga không muốn chiến tranh

Binh sĩ Mỹ và Ba Lan trong một cuộc tập trận chung

Tờ báo Mỹ nhấn mạnh, Tổng thống Trump đã tạo ra bão tố ở cả hai bờ Đại Tây Dương khi ông thông báo cắt giảm đáng kể số lượng binh sỹ Mỹ đồn trú tại Đức. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng 12.000 quân Mỹ sẽ rút khỏi Đức nhưng gần một nửa trong số đó sẽ đến đồn trú ở các nước châu Âu khác, bao gồm Ba Lan.

Bất chấp gần 4 năm hăm dọa của ông Trump và cam kết của châu Âu, thực tế cơ bản của NATO đã không thay đổi. Mỹ vẫn chiếm gần 70% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO. The Hill nhấn mạnh thực tế châu Âu là một châu lục giàu có, nhưng chỉ 7 trong tổng số 30 nước thành viên của liên minh này đề nghị đóng góp 2% GDP cho ngân sách NATO và điều này tồn tại từ trước nhiệm kỳ của ông Trump.

Theo The Hill, các đời tổng thống Mỹ đều “cầu xin” các đồng minh châu Âu tự bảo vệ mình kể từ đầu Chiến tranh Lạnh. Năm 1951, khi nắm quyền chỉ huy các lực lượng NATO ở châu Âu, Tướng Dwight D. Eisenhower đã thẳng thừng cảnh báo: “Nếu trong 10 năm tới, tất cả binh sỹ Mỹ đóng tại châu Âu vì mục đích bảo vệ quốc gia không được trở lại Mỹ, khi đó toàn bộ dự án này sẽ thất bại”.

Tờ báo Mỹ đánh giá, gánh nặng của NATO hiện là những nước vi phạm nghiêm trọng nhất, bất chấp mức chi tiêu bề ngoài của họ. Anh sẽ sớm cắt giảm ít nhất 148 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực, hy sinh năng lực phòng thủ thực sự cho uy tín “trống rỗng” của hai chiếc tàu sân bay. Pháp duy trì năng lực thực sự nhưng ngày càng tập trung vào châu Phi và Địa Trung Hải, nơi họ thấy mình gắn kết với Nga ở Lybia.

Báo Mỹ: May mắn khi Nga không muốn chiến tranh

Tờ báo Mỹ không tiếc lời “chê bai” các đồng minh châu Âu

Riêng Đức bị The Hill đánh giá là “một trò cười quân sự”: máy bay của Đức không thể cất cánh, quân đội triển khai thậm chí thiếu máy phát tín hiệu cơ bản và lực lượng đặc nhiệm bị những kẻ khủng bố tiềm tàng ở trong nước xâm nhập.

Tờ báo Mỹ mỉa mai rằng khi nói đến việc bảo vệ châu Âu khỏi mối đe dọa được cho là của Nga, hầu hết các thành viên NATO có những ưu tiên khác.

The Hill viết: “Và họ không cần lo lắng về Nga: Mỹ sẵn sàng lo việc bảo vệ họ. Ba Lan ít nhất không thuộc Baltic, một nước về mặt địa lý không thể bảo vệ nhưng không thể hiểu được tại sao NATO phải quyết tâm củng cố. Song việc Mỹ tăng cường lực lượng tại Ba Lan sẽ chỉ làm cho vấn đề phức tạp hơn”.

Theo tờ báo này thì việc Mỹ tăng quân ở Ba Lan, gồm nhiều lữ đoàn, sẽ dẫn đến nguy cơ tiến thoái lưỡng nan điển hình về an ninh, khi Nga tăng cường các đơn vị ở biên giới Ba Lan trong vùng Kaliningrad của Nga để đối phó.

Thất vọng với đồng minh, lo lắng với đối thủ

The Hill cho rằng, nếu Mỹ muốn giúp các nước NATO vừa răn đe Nga vừa tự vệ nếu việc ngăn chặn thất bại, câu trả lời là lời khuyên và vũ khí, chứ không phải quân đội Mỹ. Các quốc gia NATO trên tuyến đầu, vốn thực sự lo sợ Nga, phải trở thành “những quốc gia nhím”, khiến họ trở nên vừa kiên cường vừa khó có thể đánh bại thông qua khái niệm phòng thủ toàn diện như của Phần Lan.

The Hill cũng nhận định “điều may mắn” là các nhà phân tích quân sự Nga tin rằng có rất ít bằng chứng cho thấy Nga muốn chiến tranh với NATO. Tuy nhiên, Nga không ngại một cuộc chiến với Ba Lan hoặc thậm chí cả vùng Baltic.

Báo Mỹ: May mắn khi Nga không muốn chiến tranh

Binh sĩ Ba Lan trong cuộc tập trận chung với NATO

Nhân đây, The Hill nhắc lại lời chỉ trích của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào mùa Thu năm ngoái khi ông nói NATO đang trải qua quá trình “chết não”. Tờ báo này nhận xét rằng NATO là một liên minh đang ở chế độ tự động: trong kịch bản tốt nhất NATO sẽ bị phân tâm và tiêu hao, còn tồi tệ nhất là nguyên nhân cho cuộc xung đột trong tương lai.

Trong khi đó, The Hill khẳng định Mỹ đang bị bủa vây bởi các vấn đề nội bộ, nợ nần chống chất và đối mặt với một đối thủ cạnh tranh thực sự mang tên Trung Quốc. Lời khuyên cuối cùng được đưa ra là người Mỹ nên “nhường” quyền bảo vệ châu Âu cho người châu Âu.

Hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong chuyến thăm Ba Lan đã cùng với Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Andrzej Błaszczak ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường Mỹ-Ba Lan (EDCA) trước sự chứng kiến của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Phía Mỹ khẳng định “thỏa thuận này sẽ cho phép tăng cường sự hiện diện luân phiên lâu dài của Mỹ với khoảng 1.000 binh sĩ, trong đó có cả các thành phần như Sở chỉ huy Quân đoàn V và một sở chỉ huy Sư đoàn của quân đội Mỹ, khả năng tình báo, giám sát và trinh sát cùng cơ sở hạ tầng hỗ trợ một đơn vị chiến đấu của lữ đoàn thiết giáp và lữ đoàn không quân chiến đấu”.

Báo Mỹ: May mắn khi Nga không muốn chiến tranh

NATO “giúp” Nga có lý do để tăng cường binh lực ở Kaliningrad, trong đó có tên lửa Iskander

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã lưu ý trên trang web của họ rằng phần quan trọng nhất của thỏa thuận là việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn V ở Poznan vào tháng 10 tới.

Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy Lực lượng vũ trang Mỹ nằm ở sườn phía Đông của NATO. Thỏa thuận này cũng vạch ra khuôn khổ pháp lý để tăng số lượng lính Mỹ đóng tại Ba Lan lên 20.000 trong tương lai.

Ngoài vấn đề quân sự, người Ba Lan đã tưởng tượng một viễn cảnh “màu hồng” khi cho rằng giống như các quốc gia khác có quân đội Mỹ đồn trú, Ba Lan sẽ cung cấp các dịch vụ thiết yếu hàng ngày như chỗ ở, nhu yếu phẩm cũng như các yếu tố hỗ trợ được lựa chọn trong việc bảo quản thiết bị và vũ khí hay các dịch vụ cơ sở hạ tầng khác. Chi phí ước tính của các hoạt động này sẽ vào khoảng 500 triệu zloty (135 triệu USD) mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng có những phân tích chỉ ra rằng Mỹ và Chính phủ Ba Lan hiện nay đang đặt cược với tương lai của Ba Lan, đẩy Warsaw không chỉ vào một cuộc đối đầu với hai nước láng giềng hùng mạnh (Nga và Đức), mà còn có khả năng cao là đối đầu với cả nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới (Trung Quốc) trong tương lai.

Theo Báo Đất Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast