Việt Nam sẽ đóng tàu chiến?

Từ một nước nhập khẩu tàu chiến, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành quốc gia xuất khẩu tàu chiến ra thị trường quốc tế.

Bước tiến dài

Trang Bmpd của Nga ngày 18/5 dẫn nguồn từ trang infodefensa của Venezuela cho biết, cuối tháng 3/2016, tàu tuần tra PV-11 do Nhà máy Damen Sông Cấm, Việt Nam đóng cho Venezuela đã tiến hành chạy thử nghiệm.

Được biết, đây là chiếc đầu tiên trong tổng số 6 chiếc thuộc lớp tàu Stan Patrol 5009 (Spa 5009) do Damen Sông Cấm đóng cho Venezuela đã chạy thử vào tháng 3/2016. Con tàu này đã được hạ thuỷ ngày 23/10/2015.

Damen Sông Cấm ký hợp đồng đóng 6 tàu tuần tra lớp Spa 5009 cho Hải quân Venezuela, hợp đồng ký vào tháng 2/2014 trị giá 126,1 triệu euro (tương đương 176,5 triệu USD). Hai chiếc đầu được khởi đóng vào tháng 4/2015, hai chiếc kế vào tháng 8/2015 và theo kế hoạch 2 chiếc cuối sở khởi đóng trong năm 2016.

viet nam se dong tau chien

Tàu PV-11 do Damen Sông Cấm đóng cho Venezuela.

Theo những thông tin được công khai, tàu tuần tra lớp SPa 5009 có chiều dài 50,2 m, rộng 9,4 m, tàu được trang bị 4 động cơ Caterpillar C32 giúp tàu đạt tốc độ tối đa tới 42,5 km/h và có hải trình liên tục 30 ngày.

Không chỉ có Damen Sông Cấm, hiện nay Công ty đóng tàu Hạ Long cũng ký hợp đồng thi công 8 tàu chất lượng cao xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Âu. Trong đó đã bàn giao 6 tàu (4 tàu chở quân xuất khẩu sang châu Mỹ) trong năm 2015 đúng tiến độ đã ký kết với các chủ tàu.

Được biết, trong năm 2014, công ty đã bàn giao 2 tàu kiểm ngư cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam, bàn giao 4 tàu kéo xuất khẩu sang châu Âu, xà lan cẩu 3216 xuất khẩu sang Australia…

Cùng với các sản phẩm đang thi công hiện nay, công ty tiếp tục hợp tác với Tập đoàn đóng tàu Damen - Hà Lan để triển khai thi công đóng mới các sản phẩm như tàu dịch vụ dầu khí PSV 5000, tàu vận tải xa bờ DCC 7500, Pontoon biển 9127 cỡ lớn...

Thành công lớn nhất là công ty đã ký được bản hợp đồng đóng mới 4 tàu đổ bộ Roro 5612 theo đơn đặt hàng của Hải quân Venezuela. Tháng 11/2014, Công ty đóng tàu Hạ Long đã tổ chức đặt ky tàu chở quân số 3 và số 4 (Roro 5612 - YN 541048 & YN 541051).

Đây là loại tàu đổ bộ/hậu cần do Tập đoàn Damen-Hà Lan thiết kế, cung cấp trang thiết bị và đầu tư tài chính, được đóng mới xuất khẩu cho Venezuela dưới sự giám sát của cơ quan đăng kiểm DV - Pháp.

Tàu đổ bộ/hậu cần Roro 5612 có chiều dài 57,27m, rộng 12m, lượng giãn nước 600 tấn, tốc độ 10,4 hải lý/h. Khác với các tàu đổ bộ thông thường có thể tiến đến sát bờ biển để đổ bộ, tàu Roro 5612 chỉ có khả năng đổ bộ ở trên biển hoặc tại cái vị trí có cầu tàu thích hợp.

Thiết kế của tàu Roro 5612 thích hợp với việc làm tàu vận tải, tiếp tế cho các đảo. Tàu Damen Roro 5612 có thể mang theo các xe thiết giáp lội nước hạng nhẹ, tàu không có khả năng chuyên chở các loại xe tăng hoặc xe bọc thép hạng nặng.

Đặc biệt nhất là tàu Roro 5612 được thiết kế có khả năng chở theo số lượng lớn container. Việc có khả năng chuyên chở các container giúp Roro 5612 có thể mang theo các bệ phóng tên lửa Club-K ngụy trang trong các container giống như container hàng hóa thông thường.

Việc hợp tác với tập đoàn Damen để đóng các tàu đổ bộ Roro 5612 hay các tàu tuần tra còn mở hướng cho công nghiệp đóng tàu Việt Nam phát triển các sản phẩm tàu quân sự như tàu pháo, tàu tên lửa, tàu vận tải…

viet nam se dong tau chien

Tàu tuần tra TT-400 của Cảnh sát biển Việt Nam.

Xuất khẩu tàu chiến

Không chỉ xuất khẩu tàu tuần tra và tàu vận tải, ngành đóng tàu Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để bán tàu chiến cho khách hàng nước ngoài. Vừa qua, tờ Asia Times hé lộ rằng Philippines sẽ đặt mua một số tàu tuần tra cao tốc do Việt Nam đóng dưới sự hỗ trợ công nghệ của Nga.

Dù không nêu cụ thể loại tàu nào do Việt Nam sản xuất được Philippines quan tâm, nhưng ứng viên sáng giá nhất có lẽ chính là tàu pháo TT-400TP hoặc biến thể tàu tuần tra TT-400 - sản phẩm của Nhà máy Z173 (Công ty Hồng Hà).

Để có thể thâm nhập thị trường nước ngoài tàu TT-400TP được đánh giá không hề thua kém tàu Svetlyak tương tự của Nga về vũ khí, trang bị mà còn vượt trội ở tốc độ cũng như cự ly hành trình. Ngay cả khi so với tàu pháo lớp M-58, được coi là “niềm tự hào” của ngành đóng tàu Thái Lan thì TT-400TP của Việt Nam hơn hẳn về nhiều mặt.

Theo thông tinn được công khai cho thấy, TT-400TP có thiết kế kiểu module, các module độc lập đã lắp đặt sẵn trang thiết bị gần như hoàn chỉnh, được ghép với nhau theo phương thức tổng đoạn. Nhờ đó, tiến độ đóng tàu nhanh và có độ chính xác tuyệt đối.

Việc áp dụng Hệ thống Tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO-9001 đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tiến độ cũng như chất lượng cho mỗi con tàu. Đây là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc phải có nếu những con tàu này được xuất khẩu ra nước ngoài.

Về giá, TT-400TP rẻ hơn rất nhiều so với Svetlyak của Nga, chỉ riêng việc mua thiết kế sơ bộ từ nước ngoài đã giúp tiết kiệm khoảng 10 triệu USD cho Việt Nam. Giá nhân công cũng là một lợi thế cực lớn, giúp tiết giảm chi phí hơn nhiều so với tàu của Nga.

Ngoài tàu pháo TT-400TP, biến thể của lớp nó là TT-400 cũng nằm trong "danh sách" có thể được Philippines muốn mua. Tại Việt Nam, tàu TT-400 đang được trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển với tổng cộng 4 chiếc (tính đến cuối năm 2014).

Tàu TT-400 có chiều dài 54 m; rộng 9,3 m; lượng giãn nước 400 tấn. Tàu tuần tra TT-400 được trang bị nhiều thiết bị hiện đại và đồng bộ, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng cấp 10.

Vũ khí trang bị trên các tàu tuần tra TT-400 gồm 2 pháo 25 mm nòng đôi bố trí phía trước và sau tàu cùng 2 súng máy hạng nặng 14,5 mm. Các tàu TT-400 của Cảnh sát biển là phiên bản được nhà máy đóng tàu Hồng Hà đóng thử nghiệm trước khi đóng tàu pháo TT-400TP cho lực lượng Hải quân.

Theo thông tin từ Nhà máy đóng tàu Hồng Hà, tàu TT-400 và TT-400TP có cùng khung thân, chỉ khác một chút về thiết kế thượng tầng và trang bị vũ khí.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast