Vũ khí siêu thanh: Cuộc đua nóng dần

Cuộc đua chế tạo vũ khí siêu thanh ngày càng nóng khi Nga hiện đã và đang đầu tư hàng tỷ USD cho các tên lửa có tốc độ “không thể bắt kịp”, còn Trung Quốc âm thầm phát triển các chiến lược siêu thanh ở châu Á.

Sự ganh đua mạnh mẽ, cùng những đột phá của công nghệ siêu thanh, đã xói mòn lợi thế vốn có của các loại vũ khí Mỹ, đe dọa vị thế quân sự của “xứ cờ hoa”. Trong bối cảnh này, chính quyền Donald Trump đã có nhiều thay đổi trong ngân sách cũng như chiến lược, cho thấy tham vọng nâng cao năng lực phòng thủ và tấn công bằng vũ khí siêu thanh để không bị thua kém bất cứ quốc gia nào.

Những đối thủ lớn

Theo giới khoa học, vũ khí siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 5 trở lên (Mach 1 tương đương 1.235km/h) nhưng vẫn có năng lực cơ động, khiến chúng trở thành tài sản chiến lược của hệ thống phòng thủ tên lửa. Các thiết kế đều hướng đến tên lửa hành trình nhanh hơn các phiên bản hiện có, được cung cấp động lực thông qua tên lửa hoặc máy bay phản lực trong quá trình di chuyển.

Vũ khí siêu thanh: Cuộc đua nóng dần

Vũ khí siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 5 trở lên, trở thành tài sản chiến lược của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ngoài ra, tên lửa có thể mang theo các phương tiện bay siêu thanh, sau đó chúng sẽ tách khỏi tên lửa để hướng tới mục tiêu định vị từ trước với tốc độ rất nhanh, khiến kẻ thù bất ngờ. Tốc độ, độ chính xác và độ sát thương của loại vũ khí mới này có nguy cơ khiến các khí tài quân sự truyền thống như xe tăng, tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Trong cuộc đua siêu thanh, Nga tự tin cho rằng không hề có bất cứ đối thủ nào ngang tầm về công nghệ và chiến lược phát triển, rằng Nga đang đi trước các đối thủ hai bước bất chấp bối cảnh nỗ lực cắt giảm chi tiêu quân sự.

Điều này càng được củng cố khi Nga phô diễn sức mạnh tên lửa siêu thanh “bất khả chiến bại” Kinzhal với khả năng đạt tốc độ Mach 10 (gấp 10 lần vận tốc âm thanh), đánh trúng các mục tiêu bất động và di động. Bên cạnh đó, mới đây Moscow đã giới thiệu hàng loạt những thông số kỹ thuật vượt trội của Avangard - hệ thống tên lửa chiến lược kết hợp với khối tên lửa hành trình, có thể bay trong các tầng khí quyển dày đặc với tốc độ hơn 20 Mach.

Nga được dự đoán sẽ là quốc gia đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh không những trên không, trên bộ và trên mặt nước mà còn cả ngầm dưới nước. Một số tài liệu cho biết, tên lửa hành trình Zirkon sẽ được trang bị cho tàu ngầm tuần dương hạt nhân loại K-561 Kazan - loại tàu có thể ẩn mình dưới nước nhiều ngày mà không bị lộ. Bằng cách đa dạng hóa vũ khí siêu thanh, Nga đang dần chiếm ưu thế chiến lược, khiến đối phương không kịp trở tay.

Việc các thông tin liên quan đến chiến lược siêu thanh mà Moscow bấy lâu nay vẫn liệt vào dạng “tuyệt mật” được hé lộ là cách Nga gây sức ép với chính quyền Washington gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START-3 - văn kiện duy nhất giúp tránh sự sụp đổ của các cơ chế kiểm soát vũ khí trong lĩnh vực tên lửa - hạt nhân thế giới sẽ hết hạn vào 2/2021.

Không chỉ có Nga, giới quan sát cho rằng vũ khí siêu thanh của Trung Quốc cũng là mối đe dọa lớn. Giới quân sự Bắc Kinh tỏ ra cực kỳ kín tiếng, hoàn toàn nghiên cứu trong bí mật và thầm lặng “học hỏi” thành quả về vũ khí siêu thanh từ nhiều nguồn khác nhau.

Vũ khí siêu thanh: Cuộc đua nóng dần

Trung Quốc âm thầm nghiên cứu chế tạo thế hệ vũ khí siêu thanh nhằm cạnh tranh với Nga và Mỹ.

Trong khoảng thời gian kéo dài đến hàng thập niên, Trung Quốc đã sao chép, và tự chỉnh sửa để dần hiện thực hóa tham vọng tạo ra thế hệ vũ khí siêu thanh nhằm cạnh tranh với Nga và Mỹ, phục vụ mục đích tấn công các tàu sân bay và các lực lượng tiền tiêu khác ở khoảng cách lên đến hàng nghìn km.

Truyền thông Bắc Kinh nhiều lần ca ngợi thành tựu siêu thanh của quốc gia này, tiết lộ giai đoạn 2014-2018 thành công rực rỡ với hàng loạt thử nghiệm thiết bị siêu thanh DF-ZF. Ngoài ra, Trung Quốc cũng âm thầm phát triển các thiết bị bay siêu thanh, với nguyên tắc hoạt động tương tự Avanguard nhưng chỉ đạt tốc độ tối đa Mach 10.

Rõ ràng, việc Nga và Trung Quốc thể hiện tham vọng theo đuổi chương trình vũ khí siêu thanh đã khiến Mỹ như... có lửa đốt trong lòng. Mỹ từng gây sóng gió khi cáo buộc Nga đánh cắp công nghệ siêu thanh của Washington, sau đó buộc phải im lặng khi Moscow đưa ra bằng chứng cho thấy công nghệ vũ khí siêu thanh của Nga đã được nghiên cứu từ những năm 1970.

Chính Lầu Năm Góc cũng thừa nhận sự tụt hậu của Mỹ, cảnh báo Nga và Trung Quốc đang phát triển vũ khí siêu thanh mà các thế hệ vệ tinh hay radar của Mỹ hiện thời không thể phát hiện được. Điều này khiến Mỹ không thể ngồi yên, mà toan tính thay đổi chính sách và đầu tư cho hàng loạt dự án siêu thanh nhằm tăng tốc hơn nữa trong cuộc đua tay ba với Nga và Trung Quốc, chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới của những loại vũ khí nhanh, thông minh và linh hoạt hơn.

Tăng tốc cuộc đua

Theo giới quan sát, có nhiều yếu tố khiến Mỹ đang dần bị bỏ lại phía sau cuộc đua công nghệ vũ khí siêu thanh trong nhiều năm qua. Trước đây, Mỹ từng triển khai một vài dự án siêu thanh, liên quan đến chế tạo các thiết bị bay với tốc độ cực lớn, có nhiều nét tương đồng với Avanguard của Nga, hay chương trình phát triển tên lửa siêu thanh X-51A Waverider.

Vũ khí siêu thanh: Cuộc đua nóng dần

Trong cuộc đua siêu thanh, Nga tự tin cho rằng không hề có bất cứ đối thủ nào ngang tầm về công nghệ và chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, kết quả của các dự án này đều tương đối hạn chế, chỉ ở mức chế tạo nguyên mẫu hoàn thiện công nghệ, chứ chưa có sản phẩm hoàn chỉnh nào. Mỹ cho rằng khó khăn lớn nhất chính là sản xuất được loại động cơ đủ mạnh và chế tạo được vật liệu làm phần vỏ. Nếu vượt qua được khó khăn này, việc theo kịp Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh không phải là chuyện quá khó.

Dù phát triển vũ khí siêu thanh đang là ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc, nhưng nguồn tài chính phân bổ cho vấn đề này hiện vẫn còn rất hạn chế. Điều này dễ khiến Washington mất lợi thế, khi vũ khí siêu thanh của các quốc gia khác có thể khiến sức mạnh truyền thống của máy bay, tàu và xe tăng Mỹ gần như vô dụng. Vì vậy, sẽ không còn cần một lực lượng không quân hạng nhất để đối đầu với Mỹ.

Bên cạnh đó, với vị thế cường quốc số 1 thế giới, Mỹ được kì vọng sẽ dẫn đầu trong quá trình xây dựng một hiệp ước toàn cầu về vũ khí siêu thanh với Nga và Trung Quốc để hạn chế không phổ biến loại vũ khí này. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng các quốc gia liên quan đều đang tích cực chạy đua để “dọa nạt” lẫn nhau vì những lợi ích cá nhân, thế nên có vẻ Moscow và Bắc Kinh sẽ không dễ dàng chấp nhận một hiệp ước như vậy.

Trong bối cảnh này, Mỹ buộc phải tăng tốc chương trình phát triển vũ khí siêu thanh mới, với tuyên bố tiến hành 9 dự án cùng lúc, đặt mục tiêu tạo ra thành phẩm hoàn hảo trong 5 năm tới trước khi bắt đầu thương mại hóa từ năm 2025.

Hiện Không quân Mỹ phối hợp với tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin đang phát triển một nhóm vũ khí siêu thanh phục vụ tấn công thông thường cũng như vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay, dự kiến sẽ đưa vào trực chiến từ năm 2022.

Một số báo cáo tiết lộ các thử nghiệm tên lửa siêu thanh đầu tiên, từ tháng 6/2019, cho kết quả khả quan. Không quân Mỹ lần đầu tiên thực hiện chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược B-52 chở theo tên lửa bội siêu thanh AGM-183A của Lockheed Martin, được cho là có tốc độ tối đa đạt đến Mach 20.

Vũ khí siêu thanh: Cuộc đua nóng dần

Không quân Mỹ phối hợp với tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin để tăng tốc chương trình phát triển vũ khí siêu thanh mới.

Lầu Năm Góc cũng đang tìm cách giải quyết khoảng trống về năng lực cảm biến và đánh chặn của Mỹ đối với các vụ tấn công siêu thanh. Chưa hết, Mỹ ấp ủ hàng loạt dự án phát triển hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm về phòng thủ tên lửa, hay nghiên cứu soạn thảo nhiều dự luật liên quan đến công nghệ siêu thanh và trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, Washington cũng tăng gấp đôi ngân sách cho các loại tên lửa siêu thanh trong năm 2019, dựa trên sáng kiến “tấn công toàn cầu siêu nhanh”, với mục đích cho phép Mỹ tấn công bất cứ nơi nào trong vòng một giờ.

Theo đó, Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật ngân sách cho tài khóa 2020 với khoản đầu tư 10,58 tỉ USD cho Cơ quan Phòng thủ tên lửa, nhằm thử nghiệm và đánh giá hạ tầng trong các lĩnh vực siêu thanh, không gian, vũ khí năng lượng và môi trường mạng.

Những động thái nêu trên cho thấy Mỹ đang dần nhận ra những lợi ích to lớn của vũ khí siêu thanh - nhân tố thay đổi cuộc chơi nhờ tốc độ vượt trội cùng khả năng “lách chắn” phòng thủ hiện đại của đối thủ. Với tiềm lực quân sự đáng gờm, Mỹ luôn là đối trọng lớn trong bất kỳ cuộc chạy đua quân sự nào.

Mỹ đang cố gắng đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh, cùng tham vọng tăng cường phòng thủ trước vũ khí siêu thanh đang phát triển nhanh chóng của Nga và Trung Quốc. Giới quan sát nhận định Mỹ đã bắt đầu đi đúng hướng, bày tỏ sự trông đợi rằng trong cuộc chạy đua về vũ khí siêu thanh, “xứ cờ hoa” vẫn chưa hề mất đi tất cả...

Theo Anh ninh Thế giới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast