Sáng nay (25/5), đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Vũ Quang.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Vũ Quang, năm 2020, tình hình thiên tai trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, khó lường. Trận lũ lụt tháng 10/2020 khiến 6 xã vùng hạ du bị ngập, chia cắt; hơn 10 ha cây ăn quả bị ngập úng, gần 3.000 tấn cam bị rụng, 250 ha ngô và 40 ha rau bị thiệt hại. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm gần 9.000m3 đất bị sạt lở, gần 1km đường bị bong tróc...
Những tháng đầu năm 2021, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường. Cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021, trên địa bàn huyện xảy ra 2 trận lốc xoáy kèm theo mưa lớn, làm hơn 200 ha lúa, 30 ha ngô bị ngập và đổ ngã.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng: Năm 2021, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương lên phương án phòng, chống thiên tai một cách chu đáo, cụ thể.
Để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, huyện Vũ Quang đã tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng của các hồ, đập. Địa phương cũng tranh thủ mọi nguồn lực tập trung sửa chữa các công trình thủy lợi, hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn.
Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương quán triệt, chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ”, chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu mạnh; chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công tác công trình đang dở dang.
Tại buổi làm việc, huyện Vũ Quang cũng đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành xem xét, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa 2 hồ chứa đã xuống cấp, mất an toàn trước mùa mưa lũ năm nay, đó là đập Khe Xai ở xã Hương Minh và đập Khe Nải ở xã Đức Liên.
Thượng tá Hoàng Anh Tú - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh: Thời gian tới, Vũ Quang cần làm tốt hơn nữa phương án "4 tại chỗ", luôn trong thế chủ động để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu rõ một số bài học kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai của huyện Vũ Quang và đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tại chỗ nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục kịp thời có hiệu quả thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị, phòng chống thiên tai, nhất là phương án “4 tại chỗ” từ hộ gia đình đến thôn, xã, huyện một cách cụ thể, sát thực. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ tham gia trực tiếp công tác phòng, chống thiên tai các xã.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nguyễn Trí Lạc: Vũ Quang cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đang thi công; tập trung rà soát những điểm dễ xảy ra sạt lở, ngập úng để lên phương án phòng, chống mưa lũ hiệu quả.
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, tăng cường công tác quản lý chất lượng; đặc biệt là các công trình hồ đập, cầu, kè chống sạt lở... phải tập trung thi công hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó phù hợp, thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của huyện trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trước đó, đoàn kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông tại xã Đức Giang...
... và kiểm tra cống xả tại đập Khe Xai (xã Hương Minh).