Vụ tranh chấp đất đồi ở Gia Phố: Tòa án Hương Khê có công minh?!

(Baohatinh.vn) - Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thiếu tính thuyết phục, người làm chứng (cho nguyên đơn) nói “một đàng”, nguyên đơn nói “một nẻo” nhưng tòa vẫn cho là “phù hợp”; biên bản bàn giao hiện trạng rừng trồng của dự án 327 được tòa sử dụng để công nhận… quyền sử dụng đất. Đó là những khuất tất của một bản án dân sự ở Hương Khê.

Mất đất sau hàng chục năm sử dụng

Năm 1994, vợ chồng ông Phạm Soa và Phan Thị Tin được ông Nguyễn Văn Tâm ở xóm 1 - Đông Hải, xã Gia Phố (Hương Khê) chuyển nhượng một mảnh đất tại vùng kinh tế mới Yên Sơn (kề cận với vườn của ông Lê Hữu Quyết), có xác nhận đầy đủ của xóm trưởng, Ban quản lý HTX Đông Hải và UBND xã Gia Phố. Thời điểm đó, mảnh đất thuộc địa phận quản lý của UBND xã Gia Phố. Năm 1996, khi vẽ bản đồ 364 thì khu vực này chuyển sang cho UBND xã Hương Giang quản lý.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh làm việc với vợ chồng ông Phạm Soa

Nguồn gốc mảnh đất là do ông Tâm vào khai hoang từ năm 1989 theo chủ trương khuyến khích của địa phương lúc bấy giờ. Đến khoảng cuối năm 1993, đầu năm 1994, thấy ông Tâm bỏ hoang không làm nữa nên vợ chồng ông Soa đề nghị ông Tâm chuyển nhượng lại. Từ đó, gia đình ông Soa tiến hành làm trại để chăn nuôi, trồng cây và đào ao thả cá. Năm 2004, ông Soa và ông Lê Hữu Dũng hợp tác cùng trồng keo trên mảnh đất này; đến năm 2011 thì ông Soa thanh toán tiền cho ông Dũng, còn ông Dũng khoán lại cho ông Soa toàn quyền khai thác cây.

Giấy chuyển nhượng đất giữa ông Nguyễn Văn Tâm và gia đình ông Soa, có chứng nhận của xóm trưởng, Ban quản lý Hợp tác xã Đông Hải và UBND xã Gia Phố.

Năm 2012, gia đình ông Soa tiến hành khai thác cây keo thì ông Lê Hữu Quyết viện cớ tranh chấp. Sau nhiều lần hòa giải không thành, ông Quyết khởi kiện gia đình ông Soa ra tòa.

Quá trình giải quyết tại TAND huyện Hương Khê (năm 2016), gia đình bị đơn nhận thấy tòa án giải quyết không công tâm, dẫn tới sau hơn hàng chục năm canh tác, sinh sống trên mảnh đất của mình, gia đình ông Phạm Soa bị tòa tuyên tại bản án số 07/2016/DSST, ngày 29/12/2016 phải “trả” hơn 21 nghìn m2 đất cho… hàng xóm của mình!

Bản án nhiều khuất tất

Theo đơn khởi kiện, ông Quyết cho rằng: Vào năm 2006, ông Soa và ông Lê Hữu Dũng đến mượn 7 sào đất của gia đình ông. Năm 2012, ông đòi lại đất nhưng ông Soa không trả nên ông Quyết khởi kiện.

Thực tế cho thấy, gia đình ông Soa đã vào canh tác từ năm 1994 (từ khi được ông Nguyễn Văn Tâm bán lại mảnh đất tại khu vực này) - đã đào ao, trồng cây và làm trại. Việc này có nhiều người làm chứng như: Ông Nguyễn Văn Tâm - người đã bán đất, ông Phạm Thiềm - người đã đào ao cho ông Soa, ông Lê Hữu Dũng - người cùng hợp tác trồng cây với ông Soa, ông Trần Quang Thái - người sinh sống gần thửa đất của ông Soa…

Ông Nguyễn Đình Vinh, nguyên chủ nhiệm HTX Đông Hải, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Phố...

... và ông Trần Trọng Tám - nguyên Đội trưởng đội sản xuất đều khẳng định mảnh đất mà gia đình ông Soa đang bị tranh chấp trước đây là của ông Nguyễn Văn Tâm ở xóm 1, xã Gia Phố (nay là xóm 10, Đông Hải, Gia Phố), một trong những người lên trồng chè đen từ năm 1989.

Ông Quyết khai "gia đình vào khai hoang lập nghiệp từ năm 1983, sản xuất và làm trang trại bao quanh toàn bộ vùng đất tại khu vực Khe Ẩm..." nhưng lại không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh, không có người làm chứng. Thế nhưng, trong phần “xét thấy” của bản án tòa Hương Khê vẫn kết luận đó là sự thật, từ đó làm căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Quyết, buộc gia đình ông Soa phải trả lại đất là vô căn cứ.

Theo bản tự khai của ông Quyết thì dự án 327 giao cho ông 3,6 ha.

Theo bản án, TAND huyện Hương Khê căn cứ vào “Biên bản bàn giao hiện trạng rừng trồng 327 ngày 20/07/1994” để công nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Hữu Quyết là không đúng, vì dự án 327 không có thẩm quyền cấp đất. Biên bản này cũng không xác định được khu vực giao hiện trạng rừng trồng. Và trong quá trình hòa giải, UBND xã Hương Giang đã kết luận: Giấy tờ của ông Lê Hữu Quyết cung cấp chưa đủ tính pháp lý. Thế nhưng, Tòa án huyện Hương Khê vẫn dựa vào biên bản này để giải quyết vụ án là thiếu cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, ông Quyết trình bày dự án 327 giao cho ông 3,6 ha, trong khi đó, hiện nay diện tích thực tế ông đang sử dụng hơn 4 ha, như vậy ông Quyết lấy đất ở đâu ra để cho gia đình ông Soa mượn 7 sào và đòi trả lại 1,5 ha (theo như trình bày của ông Quyết)?

Biên bản thẩm định tại chỗ thực địa đất đai, khẳng định diện tích thực tế gia đình ông Quyết sử dụng là hơn 4ha.

Một điều nữa, theo ông Quyết trình bày, ông vào khai hoang từ năm 1983, cho ông Soa mượn đất từ năm 2006, nhưng người làm chứng cho ông Quyết là ông Nguyễn Thế Phúc (xóm trưởng xóm 2, xã Hương Giang) lại cho rằng: Ông Quyết cho ông Soa mượn đất vào năm… 1996, mảnh đất mà ông Quyết và ông Soa đang tranh chấp, trước đây là của ông Ngô Liên và Ngô Thanh, đến năm… 1993, ông Quyết mới vào đây để làm! Thế nhưng, không hiểu căn cứ vào đâu, TAND huyện Hương Khê cho rằng: “lời làm chứng của ông Nguyễn Thế Phúc phù hợp với các nội dung tình tiết liên quan đến vụ án nên được chấp nhận”(?!)

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hương Khê chứa đựng nhiều khuất tất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Phạm Soa. Dư luận và gia đình ông Phạm Soa đang mong chờ một bản án công minh từ cấp xét xử cao hơn!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói