Mùa trăng tuổi thơ

(Baohatinh.vn) - Khi màn sương chùng chình giăng mắc cả không gian, nắng loe hoe vàng nhạt, từng cơn gió man mát, nhè nhẹ thổi lẫn trong mùi thơm của cây cỏ, hương hoa, ấy là bước nhỏ thu sang với đất trời. Mùa thu với bóng hình trẻ thơ ẩn trong những câu hát đồng dao, trong tiếng trống hay trong ánh màu lung linh của đèn ông sao, cá chép... Ấy cũng là lúc một mùa Trung thu nữa lại về.

Khoảng hơn hai chục năm trước, trong ký ức của những đứa trẻ khét nắng, hôi bùn lớn lên ở thôn quê như chúng tôi, Trung thu là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa. Từ ánh trăng rằm vằng vặc đến những thứ đồ chơi dân dã, tất cả đều gắn liền với tuổi thơ, khiến ký ức trở nên vô cùng lung linh, sinh động.

Dưới bầu trời một vài đám mây trắng bồng bềnh trôi, trăng cứ tròn vành vạnh, thả từng ánh vàng vào không gian. Một màu sáng vàng ngọt lịm không gay gắt, không nóng nảy, chỉ có sự mơ mộng, huyền ảo, lung linh đến tuyệt vời. Lũ chúng tôi thường trải chiếu trước hiên nhà, ngửa cổ ngắm trăng và lẩm nhẩm đếm sao trời, được nghe kể những câu chuyện chú Cuội cung trăng đến thuộc lòng mà mỗi khi nhắc lại vẫn thấy lạ, thấy hay. Với đầu óc non nớt của một đứa trẻ, tôi cứ tưởng tượng mãi về cái cảnh ở chốn địa đàng xa xăm kia có chị Hằng Nga xinh đẹp tuyệt trần, có chú Cuội mải chơi để trâu ăn lúa gọi cha ới ời…

mua trang tuoi tho

Tết Trung thu luôn mang lại niềm hứng khởi cho trẻ em. Ảnh: GN

Rồi tới những đêm trăng rằm sáng trong, chúng tôi lại cùng ông nội lui cui đục cưa làm những chiếc lồng đèn xinh xắn để đi chơi hội sân đình cùng đám bạn trong xóm. Chỉ từ những lon sữa bò được đục lỗ, miếng gỗ thừa, đôi ba chiếc que tre cùng vài chiếc lá bàng, vậy mà, qua bàn tay ông nội, chúng lại trở thành những chiếc lồng đèn xinh xắn, với màu sắc trông thật đáng yêu, ngộ nghĩnh.

Khi ánh trăng dát vàng khắp các bờ ruộng, đường thôn, bến bãi, lũ trẻ đen nhẻm, người phảng phất mùi bùn đất, mùi nước sông, mùi của những chiều phơi nắng gió lại tụ tập đầu làng, tay cầm lồng đèn hí hửng chạy khắp đường ngang, ngõ dọc cùng rước đèn, phá cỗ, hát hò... Ánh trăng cũng đùa vui theo bước chân chúng tôi mà chạy nhảy, vung vẩy làm tóe lên trời ngàn vảy vàng, vảy bạc hòa quyện với ánh đèn lung linh trên khắp nẻo làng quê như rồng rắn lên mây khiến cả không gian đẹp đến lạ thường. Đường quê nhỏ hẹp lại gồ ghề, nhiều đứa trẻ hiếu động vô tư chạy nhảy không cẩn thận ngã lăn, cả lũ lại được trận cười vui tới bến.

Trung thu đến, mẹ tôi thường rọc lá chuối, gói một thứ bánh nếp có nhân được làm từ những hạt đậu xanh để dành trong nhà. Rước đèn xong, cả lũ được phát bánh, đứa thì ăn ngấu nghiến, đứa lại cất trong túi áo, đêm ngủ ôm ấp với giấc mơ thần tiên.

Lớn lên một chút, rời quê lên thành phố học tập, tôi mới được tận hưởng những cái Tết Trung thu ấm cúng và no đủ hơn. Lũ trẻ con thì ở đâu cũng vậy, vẫn hồn nhiên nô đùa và mang trong mình bao ước mơ của tuổi thần tiên. Trăng rằm vẫn sáng tỏa những ánh vàng, còn chúng tôi thì đã có thêm những món đồ chơi yêu thích, những món ăn ngon và những địa điểm vui chơi thú vị. Mâm cỗ Trung thu dường như cũng đủ đầy hơn với những quả chuối chín vàng, quả hồng mọng đỏ, cốm xanh, bánh nướng, bánh dẻo… Những màn kịch múa hát cũng tràn ngập màu sắc của thế giới lung linh, huyền ảo, khiến tất thảy lũ trẻ con đều phấn khích, ước ao.

Trung thu không chỉ là cái tết của con trẻ nữa mà còn là dịp để người lớn quan tâm, vun đắp tâm hồn tuổi thơ những điều hay, lẽ phải. Những mâm cỗ Trung thu trước dâng lên trời đất, cảm tạ, tri ân, cầu mong sự hanh thông, ngưỡng vọng trên con đường học tập của trẻ thơ. Sau là bồi đắp những nét văn hóa truyền thống đáng quý, những bài học đạo đức, làm người qua những câu chuyện cổ tích chị Hằng, chú Cuội… Từ đó, những ao ước của tuổi thơ, được vun đắp và bồi dưỡng trong tâm trí. Cứ thế, chúng tôi như được tắm mình trong dòng nước mát đầu nguồn của nền văn hóa dân tộc, tận hưởng những giây phút vừa thiêng liêng, vừa giản dị, được thỏa thích cảm nhận những giờ phút hồ hởi đầy tính cộng đồng, để thêm trân quý những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công bồi đắp suốt chiều dài lịch sử.

Cho đến tận bây giờ, người Việt vẫn đang tiếp tục duy trì và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy. Từ lời căn dặn của Bác: “Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng của một nước độc lập tự do”(*) đã trở thành kim chỉ nam cho các nhà lãnh đạo, các địa phương, ban ngành quan tâm đến nhu cầu phát triển, học hành, vui chơi của các em nhỏ. Từ trong đạo lý đến các chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước luôn dành cho trẻ em mọi sự ưu tiên, bảo vệ, che chở tốt nhất. Những sự quan tâm thiết thực đó đã tạo nên một phong trào xã hội rộng lớn, mang lại hiệu quả và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hằng năm, các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị, cá nhân, những nhà hảo tâm vẫn đóng góp, ủng hộ xây trường lớp, nơi vui chơi, giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó… nhằm tạo cho các em những mùa Trung thu ấm cúng, vui vẻ. Những cố gắng bền bỉ và lớn lao ấy nhằm rèn luyện sức khỏe, văn hóa, đạo đức… cho hàng triệu trẻ thơ, vì thế hệ tương lai đất nước, vì tiền đồ dân tộc.

Sau bao tháng ngày cuộn mình vào nhịp điệu hối hả của cuộc sống, tiếng trống lân lại vang lên, báo hiệu một mùa Trung thu nữa lại về. Đây là lúc gia đình sum họp, các bậc làm cha làm mẹ và con cái cùng nhau vun đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp, sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để văn hóa dân tộc mãi trường tồn cùng sự phát triển của đất nước.

______

(*) Trích “Thư gửi thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” của Bác Hồ viết vào ngày 22/9/1945.

Chủ đề Chào năm mới 2024

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast