Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của Báo Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Gắn bó, cống hiến và để lại những dấu ấn trong các giai đoạn phát triển của tờ báo, đến nay, các thế hệ tiền bối của Báo Hà Tĩnh vẫn luôn theo dõi sự phát triển và đặt niềm tin, kỳ vọng vào tương lai của tờ báo.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu 2/9 (1962-2022), Báo Hà Tĩnh ghi lại những ý kiến tâm huyết của các đồng chí nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh.

Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của Báo Hà Tĩnh

Các nhà báo lão thành thăm quan tòa soạn hội tụ nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2019

Nhà báo Nguyễn Quốc Khanh - nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh (từ 1995-1999): “Phóng viên báo Đảng phải luôn giữ được bản lĩnh, đạo đức”

Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của Báo Hà Tĩnh

Năm 1991, Báo Hà Tĩnh chính thức được tách ra từ Báo Nghệ Tĩnh. Thời điểm đó, cơ quan báo chỉ vỏn vẹn 12 người. Những ngày đầu tái lập còn muôn vàn gian khó nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực cùng với ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, phóng viên, Báo Hà Tĩnh đã gặt hái nhiều thành tựu, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.

Ngay ở những thời kỳ gian khó đó, Ban Biên tập đã đặc biệt quan tâm tới việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ, phóng viên vững về chuyên môn gắn với giáo dục đạo đức, lối sống. Chính vì vậy, cán bộ, phóng viên của Báo Hà Tĩnh ngày càng trưởng thành, tạo được ấn tượng tốt trong lòng Nhân dân.

Từ câu chuyện của thế hệ đi trước, tôi mong muốn Báo Hà Tĩnh tiếp tục chăm lo, đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên; góp phần xây dựng cơ quan báo vững mạnh toàn diện; quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức, phẩm chất người làm báo; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc nhưng cũng kiên quyết xử lý đối với các hành vi trái với chuẩn mực, trái đạo đức nghề nghiệp.

Các nhà báo, đặc biệt là phóng viên trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nhiệt huyết với công việc; không ngại khó, không ngại khổ, bản lĩnh, xông pha trở thành những người lính luôn xung kích, tiên phong trên mặt trận thông tin. Muốn có bản lĩnh chính trị, trước hết, người cầm bút phải có đạo đức nhà báo. Đạo đức nhà báo trước hết thể hiện ở tính khách quan, trung thực, không bị chi phối, dụ dỗ để “uốn cong ngòi bút” của mình.

Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển - nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh (từ 1999-2004): Hãy không ngừng sáng tạo, trách nhiệm cao trong từng tác phẩm!

Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của Báo Hà Tĩnh

Tôi vinh dự được giao nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh từ năm 1999, thời kỳ tỉnh ta đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu KT-XH những năm cuối của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2001-2005.

Tôi còn nhớ, 2 chương trình kinh tế trọng điểm của Đảng bộ thời gian này là: phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng quy hoạch tổng thể; chiến lược phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, được Ban Biên tập và Phòng Kinh tế triển khai tuyên truyền một cách bài bản, theo đúng lộ trình. Các số báo có đều đặn các bài chân trang, kèm theo đó là vệt bài ở trang 2 tập trung bàn sâu vào một chuyên đề về kinh tế, được bạn đọc rất quan tâm, hoan nghênh và hưởng ứng. Một số bài “đinh” có tác dụng tốt được các đồng chí lãnh đạo các cấp biểu dương, nhiều cộng tác viên là lãnh đạo lão thành của tỉnh như các bác Nguyễn Tiến Chương, Trần Quang Đạt, Lê Như Quyến... gửi thư về tòa soạn nhận xét, khen ngợi.

Bài học thành công của báo thời kỳ 1999-2004 có thể khái quát là: Ban Biên tập phải luôn nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các nghị quyết đại hội, các nghị quyết chuyên đề về KT-XH, quốc phòng - an ninh cả một nhiệm kỳ 5 năm cũng như từng giai đoạn. Từ đó suy nghĩ, đề ra kế hoạch tuyên truyền dài kỳ theo đúng lộ trình; có chính sách khen thưởng phóng viên có tác phẩm tốt nhất trong các tuần, qua đó vừa nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, vừa động viên, cổ vũ, khích lệ sự say mê, sáng tạo, chịu khó bám địa bàn, bám ngành được phân công để có thêm nhiều tác phẩm tốt, hiệu quả cao.

Từ những bài học của thời kỳ trước, tôi muốn gửi gắm đến các thế hệ lãnh đạo, phóng viên của báo thế hệ hôm nay thông điệp: Khi bạn “cháy” hết mình cho nghề nghiệp đã chọn, không ngừng chịu khó suy nghĩ, sáng tạo, trách nhiệm cao trong từng tác phẩm, nhất định bạn sẽ được đền đáp bằng thành công và sự mến yêu của độc giả.

Nhà báo Lê Hữu Quý - nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh (từ 2004-2013): Cả tòa soạn phải “chung lưng đấu cật” trong đề tài chống tiêu cực

Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của Báo Hà Tĩnh

Bắt đầu từ tháng 1/2004, Báo Hà Tĩnh tăng kỳ phát hành từ 4 kỳ/tuần lên 5 kỳ/tuần. Công việc nhiều hơn, gấp gáp hơn, đòi hỏi cả tòa soạn phải nhanh hơn, mạnh hơn và chính xác hơn. Đây cũng là thời điểm Báo Hà Tĩnh có sự chuyển mình mạnh mẽ trong lộ trình đổi mới.

Đặc biệt, ngày 2/9/2009, đúng ngày kỷ niệm 47 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu, Báo Hà Tĩnh điện tử chính thức đi vào hoạt động. Từ những nguồn lực, con người có sẵn với những định hướng của lãnh đạo Ban Biên tập, ấn phẩm báo điện tử đã phát huy thế mạnh của loại hình truyền thông đa phương tiện giúp thông tin đến với bạn đọc kịp thời, đa dạng. Những bước đi chiến lược đó đã đặt nền móng cho Báo Hà Tĩnh điện tử ngày càng phát triển, trở thành một trong những tờ báo có lượng truy cập cao hàng đầu của hệ thống báo Đảng địa phương hôm nay.

Một trong những thành công đáng kể của giai đoạn này là bên cạnh việc chịu khó xông pha, bám sát thực tiễn, tìm tòi, phát hiện, biểu dương nhân tố mới, Báo Hà Tĩnh đã mạnh dạn có nhiều bài viết phê phán mạnh mẽ những thói hư, tật xấu, tiêu cực, tham nhũng trong đời sống xã hội. Từ kinh nghiệm của một người lãnh đạo, chỉ đạo và không ít lần trực tiếp thực hiện mảng điều tra, chống tiêu cực, tôi thấy, đây là đề tài rất nhạy cảm, không ít tòa soạn và phóng viên ngại viết vì khó. Mặt khác, các tin, bài về đề tài chống tiêu cực nếu “rò rỉ” ra ngoài, số người “can thiệp”, “nhờ cậy”, thậm chí đe dọa không ít. Bởi vậy, giữa phóng viên, Ban Biên tập và cả tòa soạn phải có sự thống nhất cao, cùng “chung lưng đấu cật” với những bài viết về đề tài điều tra, chống tiêu cực từ lúc “thai nghén” đến khi thành hình.

Hy vọng Báo Hà Tĩnh tiếp tục có nhiều bài viết hay để cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng say lao động, sản xuất, công tác, học tập tốt, đồng thời cũng phát huy tính đấu tranh, phản biện, vạch trần những tổ chức, cá nhân sai phạm để củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Nhà báo Nghiêm Sỹ Đống - nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh (từ 2013-2021): Giữ bầu nhiệt huyết, khát vọng để tiếp tục lộ trình đổi mới

Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của Báo Hà Tĩnh

Cũng như nhiều cơ quan báo Đảng trong cả nước, Báo Hà Tĩnh bước vào kỷ nguyên số với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Để thích ứng với môi trường truyền thông mới, cách đây hơn 7 năm, Báo Hà Tĩnh đã xác định, chỉ có tòa soạn hội tụ mới đáp ứng yêu cầu phát triển hài hòa 2 ấn phẩm báo in và báo điện tử.

Sau nhiều trăn trở, năm 2015, ý tưởng về tòa soạn hội tụ được xây dựng. Xác định, hướng đi mới sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách và cả những rào cản từ trong tư duy, suy nghĩ, thế nhưng, với quyết tâm đổi mới, Ban Biên tập đã tổ chức nhiều chuyến học tập kinh nghiệm ở một số tòa báo lớn của Trung ương, tỉnh bạn cho đội ngũ cốt cán. Từ những điều mắt thấy, tai nghe, từ nhiệt huyết của đội ngũ lãnh đạo đã lan tỏa đến mỗi cán bộ, phóng viên, năm 2017, mô hình được vận hành, thử nghiệm. Đầu năm 2018, Báo Hà Tĩnh chính thức đưa mô hình tòa soạn hội tụ vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập 2 phòng thư ký báo in, báo điện tử. Đây cũng là một trong 3 mô hình tòa soạn hội tụ đầu tiên của hệ thống báo Đảng cả nước.

Với quy trình xuất bản khép kín, có sự hội tụ về không gian, trí tuệ của đội ngũ thư ký xuất bản, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, Báo Hà Tĩnh đã ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức. Cùng với sự đổi thay phương thức tác nghiệp, kết hợp với sự ưu tiên đầu tư thiết bị, hạ tầng, những sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: E-Magazine, Lens, Story, Longform, Infographics với việc tích hợp “đọc, nghe, xem, nhìn”, đã giúp độc giả thực sự được “sống” cùng tác phẩm. Số lượng truy cập ngày càng tăng, sức lan tỏa ngày càng lớn đã đánh dấu sự thành công của Báo Hà Tĩnh trong quá trình chuyển đổi số.

Báo Hà Tĩnh ngày càng khẳng định và củng cố vị thế trong hệ thống báo Đảng toàn quốc. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của internet cùng với các thiết bị điện tử thông minh đã mở ra một xu hướng phát triển mới của báo chí. Mỗi giai đoạn phát triển đòi hỏi có một sự thay đổi phù hợp để bắt nhịp với xu thế thời đại, để không bị bỏ lại phía sau.

Tôi mong muốn, trên nền tảng đã đạt được, cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh tiếp tục phát huy khối đoàn kết, sức mạnh quyết tâm và giữ trong tim mình một bầu nhiệt huyết, khát vọng để tiếp tục lộ trình đổi mới, hội nhập. Trên hành trình phát triển sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đó cũng chính là cơ hội để đổi mới chính mình, để làm mới tờ báo. Và sự thay đổi ấy phải bắt đầu từ chính các bạn - những người làm báo hôm nay.

Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của Báo Hà Tĩnh

Chủ đề 60 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast