Nâng cao chất lượng trung tâm BDCT cấp huyện: Gian nan tìm lời giải

(Baohatinh.vn) - Năm 2013, Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Đề án 1080 về Nâng cao chất lượng toàn diện trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT) cấp huyện với các mục tiêu, chỉ tiêu được nêu cụ thể. Tuy nhiên, để “cán đích” các mục tiêu ấy đang là một thử thách không nhỏ đối với các trung tâm BDCT. Bên cạnh mục tiêu xây dựng trung tâm đạt chuẩn, các trung tâm BDCT đang tồn tại những khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, giảng viên.

>> Nâng cao chất lượng TTBDCT cấp huyện: Vai trò lớn, khó khăn nhiều

Cần sự quan tâm của cấp ủy

Theo Kết luận số 20, ngày 15/10/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng trung tâm BDCT cấp huyện, năm 2014 sẽ khảo sát, đề xuất xây dựng 1-2 trung tâm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới 1 trung tâm hoàn chỉnh về mặt thủ tục hồ sơ (Trung tâm BDCT huyện Đức Thọ). Theo tìm hiểu, tổng kinh phí ước tính để đầu tư xây dựng Trung tâm BDCT huyện Đức Thọ đạt chuẩn phải trên 15 tỷ đồng, vì cơ sở vật chất (CSVC) hiện tại của trung tâm còn nhiều thiếu thốn, cần phải xây dựng đồng bộ. Nguồn kinh phí này là không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

Nâng cao chất lượng trung tâm BDCT cấp huyện: Gian nan tìm lời giải ảnh 1

Nhiều khó khăn tác động nên Trụ sở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hương Khê vẫn chưa hoàn thành. Cán bộ, giảng viên tại đây phải sử dụng cơ sở vật chất được xây dựng cách đây gần 20 năm

Thực trạng này cũng đang đặt ra nhiều thử thách cho những đơn vị quyết tâm đạt chuẩn như Trung tâm BDCT huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên. Đồng chí Hà Huy Trinh - Phó Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Trung tâm BDCT đã xây dựng đề án trung tâm đạt chuẩn được Huyện ủy phê duyệt. Dự kiến, kinh phí xây dựng 9-11 tỷ đồng (phương án 1) và 3-5 tỷ đồng (phương án 2). Hiện nay, chúng tôi đang chờ ý kiến của Tỉnh ủy về chủ trương cũng như các giải pháp tạo nguồn vốn”.

Tại Trung tâm BDCT huyện Hương Khê, khó khăn về CSVC là nỗi trăn trở của cán bộ, giảng viên tại đây, ngay cả khi trụ sở được hoàn thành. Đồng chí Nguyễn Hữu Khang - Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Hương Khê cho biết: “Công trình chưa hoàn thành, song ngay cả khi hoàn thành, đưa vào sử dụng thì diện tích khuôn viên và nhà làm việc đều không đảm bảo yêu cầu (mặt bằng tối thiểu 2.500m2, diện tích xây dựng 1.000m2). Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất huyện cho chuyển về địa điểm trường Đảng cũ trong thời gian tới”.

Trong khi đang chờ câu trả lời và nếu huyện nhất trí, còn phải tiến hành nhiều bước, thì lãnh đạo trung tâm này đang tìm mọi cách để đôn đốc nhà thầu hoàn thành sớm công trình đã khởi công cách đây 3 năm.

Khó khăn về CSVC là nỗi lo chung của các trung tâm, ngay cả những đơn vị có trụ sở khang trang như Trung tâm BDCT thành phố. Mặc dù có diện tích đảm bảo, trụ sở khang trang, thế nhưng, theo đồng chí Đinh Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm thì: “Để đạt chuẩn theo đề án của tỉnh, trung tâm còn phải đầu tư thêm hội trường, nhà ăn, nhà nghỉ trưa cho học viên và các trang thiết bị phục vụ giảng dạy khác. Đây là hạng mục trung tâm chưa có phương án khả thi để thực hiện”.

Cùng đó, các trung tâm BDCT đang cần các cấp, cụ thể là cấp ủy huyện quan tâm vấn đề nhân lực. Hiện tại, ở nhiều trung tâm, cán bộ, giảng viên chuyên trách chưa đảm bảo theo quy định của T.Ư về trình độ lý luận chính trị (cử nhân, cao cấp). Theo đại diện Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy): vấn đề giảng viên chuyên trách tham gia học lý luận chính trị cao cấp phụ thuộc vào kế hoạch đào tạo hàng năm của cấp ủy huyện. Như vậy, ngoài nhu cầu bản thân người học, sự quan tâm của trung tâm BDCT, việc bố trí những giảng viên trung cấp lý luận chính trị học cao cấp lý luận chính trị còn phụ thuộc vào cấp ủy huyện.

Cũng trong vấn đề nhân sự, hiện tại, một số trung tâm BDCT có biên chế 4 người, do phụ thuộc vào định biên của huyện ủy. Theo đề án của Tỉnh ủy, chỉ tiêu biên chế tại trung tâm là 5-6 người. Điều này đòi hỏi cấp ủy huyện phải có sự quan tâm, đồng hành với trung tâm, để hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch. Đây lại là vấn đề nằm ngoài nỗ lực của trung tâm BDCT.

Lời giải không ở tỉnh và huyện

Bên cạnh những bất cập của các trung tâm trong quản lý, vấn đề chế độ phụ cấp và chương trình giảng dạy là nỗi trăn trở của đội ngũ cán bộ làm việc tại đây. Theo quy định, cán bộ, viên chức trung tâm BDCT không được hưởng phụ cấp công vụ (25%) và cũng không được hưởng phụ cấp cho cán bộ, công chức khối Đảng (30%). “Nếu giảng viên chuyên trách còn có 30% phụ cấp đứng lớp để cải thiện thu nhập thì những cán bộ thuần túy chuyên môn như kế toán, thủ quỹ chỉ hoàn toàn thu nhập từ lương. Vấn đề này trong các cuộc họp, nhiều trung tâm BDCT đã nêu ý kiến mong muốn các cấp sớm giải quyết” - Phó Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Thạch Hà - Từ Bá Thảo bày tỏ.

Quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Cẩm Xuyên.

Quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Cẩm Xuyên.

Giáo trình chậm đổi mới, không bắt kịp chủ trương của Đảng sẽ tác động lớn đến chất lượng giảng dạy. Điều này bắt buộc giảng viên phải tự trang bị, bổ sung nội dung mới vào thiết kế bài giảng nhằm chuyển tải đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Thế nhưng, “khi kiểm tra, đánh giá chất lượng phải căn cứ vào chương trình được Ban Tuyên giáo T.Ư biên soạn vì nếu bổ sung, làm mới lỡ sai sót xảy ra thì ai chịu trách nhiệm” - Phó Giám đốc Trung tâm BDCT thành phố Đinh Thị Thu Hà, người đạt giải trong cuộc thi giảng viên lý luận chính trị giỏi T.Ư năm 2014 lập luận. Với vấn đề này, theo Phó Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Hương Khê - Nguyễn Tiến Ngọc: T.Ư cần có văn bản kịp thời, bổ sung giáo trình khi có chủ trương mới, nhất là nghị quyết các kỳ hội nghị của Đảng.

Những bất cập trong công tác quản lý sẽ không phải là rào cản để tiến tới xây dựng trung tâm đạt chuẩn. Song, nếu xây dựng trung tâm đạt chuẩn mà những vướng mắc trong quản lý vẫn còn, đội ngũ cán bộ vẫn có những băn khoăn, thì mục đích tốt đẹp của việc xây dựng trung tâm đạt chuẩn ít nhiều bị tác động.

Thực trạng trên đòi hỏi các ban, ngành, cơ quan liên quan trong phạm vi, quyền hạn, cần nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm, sớm có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trung tâm BDCT. Đối với cấp ủy, chính quyền cấp huyện, với vai trò quản lý trực tiếp, tiếng nói trong vấn đề này hết sức quan trọng, có tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm, từ quy hoạch, bố trí mặt bằng, tạo điều kiện về CSVC đến bố trí định biên nhân sự, tạo điều kiện để cử cán bộ học lý luận chính trị cao cấp…

Ở phạm vi lớn, hy vọng T.Ư sớm có giải pháp tháo gỡ những bất cập trong công tác quản lý trung tâm BDCT; đồng thời, giải quyết các chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên công tác tại đây. Cùng với đó, điều chỉnh hợp lý chương trình đào tạo để giúp các trung tâm hoàn thành trọng trách của mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast