Nâng cao chất lượng TTBDCT cấp huyện (Bài 1): Vai trò lớn, khó khăn nhiều

(Baohatinh.vn) - Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT) cấp huyện có vai trò quan trọng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, trong tình hình mới, trung tâm BDCT cấp huyện đang gặp nhiều khó khăn.

“Mắt xích” trong công tácđào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

Tiền thân là trường Đảng, trung tâm BDCT có phạm vi đào tạo, bồi dưỡng khá rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Những năm qua, các trung tâm BDCT trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhờ đó, hoạt động của các trung tâm ngày càng nổi bật, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng.

Bên cạnh đào tạo sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kết nạp Đảng, đảng viên mới, các trung tâm đã đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nhiều hình thức liên kết đào tạo. Theo số liệu thống kê, trong năm 2014, các trung tâm BDCT đã mở 13 lớp đào tạo sơ cấp lý luận chính trị với 760 học viên; 22 lớp bồi dưỡng cán bộ cấp ủy, bí thư chi bộ với 3.491 người; 97 lớp bồi dưỡng công tác đoàn thể với 12.748 học viên. Một số huyện như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn đã tổ chức lớp bồi dưỡng về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng TTBDCT cấp huyện (Bài 1): Vai trò lớn, khó khăn nhiều ảnh 1

Đưa vào sử dụng từ năm 2009, trụ sở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố đã cho thấy sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố về quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, định hướng phát triển.

Không chỉ chú trọng đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ, trung tâm BDCT còn chủ động liên kết với các trường, tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Điều này hết sức có ý nghĩa đối với cán bộ cơ sở, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Năm 2014, Trung tâm BDCT huyện Hương Khê liên kết với Trường Đại học Hà Tĩnh mở lớp đào tạo trung cấp nông nghiệp cho 54 học viên trên địa bàn, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách với mức thu nhập thấp.

Học viên Phạm Văn Bài - cán bộ MTTQ xã Lộc Yên bày tỏ: “Cán bộ cơ sở phần nhiều chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong khi để đi học tập trung thì rất khó vì điểm trường xa, chúng tôi lại vừa học, vừa làm, nhiệm vụ ở cơ sở nhiều. Việc trung tâm BDCT tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở được theo học tại đây là cơ hội để chúng tôi sắp xếp, bố trí công việc theo học, tiết kiệm được kinh phí”.

Khó khăn và bất cập

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới, các trung tâm BDCT hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi đối chiếu với các chỉ tiêu tại đề án 1080 về nâng cao chất lượng toàn diện trung tâm BDCT cấp huyện của Tỉnh ủy (năm 2013). Theo khảo sát, tình trạng chung của các trung tâm là diện tích khuôn viên hẹp, hệ thống phòng vừa thiếu về cơ cấu, vừa xuống cấp, công trình phụ trợ chưa đảm bảo, thiết bị giảng dạy chưa đáp ứng yêu cầu.

Năm 2010, Trung tâm BDCT huyện Hương Khê bắt tay xây dựng cơ sở vật chất mới với dự toán gần 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần thi công chắp vá, công trình vẫn dở dang và tổng số tiền đầu tư chỉ mới 2 tỷ đồng. Hiện tại, trung tâm BDCT vẫn sử dụng trụ sở cũ, được xây dựng từ năm 1996 trong tình trạng xuống cấp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trung tâm thường phải mượn hội trường của Huyện ủy để đảm bảo số ghế ngồi.

Theo Quyết định 1853, ngày 4/2/2010 của Ban Tuyên giáo T.Ư về ban hành quy chế giảng dạy, học tập của trung tâm BDCT, cán bộ, giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Song, trong tổng số 41 giảng viên chuyên trách, chỉ có 26 đồng chí đáp ứng về trình độ lý luận chính trị; số còn lại chưa đạt, trong đó có 4 đồng chí trình độ chính trị sơ cấp. Một số trung tâm, giảng viên kiêm chức vẫn trình độ lý luận chính trị trung cấp. Mặc dù vậy, những năm qua, đội ngũ giảng viên này vẫn phải “bám lớp” để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch của trung tâm.

Cùng với những vấn đề trên, bất cập lớn hiện nay tại các trung tâm BDCT là tình trạng quản lý thiếu thống nhất. Tên gọi “trung tâm bồi dưỡng” nhưng lại thực hiện thêm chức năng “đào tạo”. Điều này thể hiện sự thiếu rành mạch trong quản lý mô hình trung tâm này. Ngày 3/9/2008, Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa X) ban hành Quyết định số 185 xác định trung tâm BDCT cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện, thành phố.

Theo nhiều lãnh đạo trung tâm BDCT, điều bất cập trước hết của các trung tâm BDCT hiện nay là thực trạng được ví như “con 2 cha”. Về chức năng nhiệm vụ, trung tâm BDCT đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của BTV Huyện ủy, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - một nhiệm vụ trọng yếu của Đảng. Thế nhưng, công nhận tư cách pháp nhân của trung tâm BDCT lại là nhà nước, trực tiếp là UBND cấp huyện.

Thực trạng quản lý chồng chéo này có thể thấy ngay trên một văn bản bất kỳ: tên cơ quan chủ quản trực tiếp ghi “UBND huyện A”, cơ quan ban hành văn bản ghi: “trung tâm BDCT”; đóng con dấu có ký hiệu trực thuộc UBND. Điều đáng nói là toàn bộ nhân sự, các hoạt động đảng, đoàn thể của trung tâm BDCT đều thuộc về đầu mối huyện ủy. Tổng biên chế của trung tâm nằm trong tổng biên chế của huyện ủy.

Cơ quan chủ quản không rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến không thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức, thực hiện phong trào thi đua (vì trung tâm BDCT không phải là đơn vị đồng cấp với các ban đảng, không xếp theo hạng cấp trường THPT, lại không phải là đơn vị “cấp 2” như các trung tâm trực thuộc UBND huyện). Tình trạng này làm xuất hiện nhiều câu chuyện vui như tổ chức lễ chào cờ đầu tháng, nhiều trung tâm, ban đầu đến chào cờ chung với huyện ủy, sau đó, xin tách ra tổ chức riêng; có trung tâm ban đầu tổ chức lễ chào cờ riêng, sau xin về tổ chức chung để được nghe cơ quan huyện ủy nhận xét đầu tháng.

Công tác giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị tại trung tâm BDCT cũng có nhiều khó khăn do chương trình chậm đổi mới, trùng lặp. Phó Giám đốc Trung tâm BDCT huyện Hương Khê - Nguyễn Tiến Ngọc cho rằng: Biên soạn theo nhiệm kỳ đại hội 5 năm 1 lần, càng gần tới nhiệm kỳ mới, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng càng không bắt kịp quan điểm mới, ví dụ như Nghị quyết T.Ư 4, Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) lần này…

Để trung tâm BDCT phát huy hơn nữa vai trò của mình trong tình hình mới, rõ ràng, các vướng mắc, khó khăn trên cần được quan tâm, giải quyết.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast