Xe tăng có trở nên lỗi thời trong một cuộc chiến thế kỷ 21?

Những thiết bị bay không người lái ở Ukraine đang tái định hình chiến tranh hiện đại đã bắt đầu giáng đòn nặng nề lên một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của sức mạnh quân sự Mỹ: xe tăng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất. Ảnh: Anadolu Agency
Xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất. Ảnh: Anadolu Agency

Dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ, tờ New York Times đưa tin trong 2 tháng qua, lực lượng Nga đã tiêu diệt 5 trong số 31 xe tăng M1 Abrams mà Lầu Năm Góc gửi tới Ukraine vào mùa thu năm ngoái. Đại tá Markus Reisner, một huấn luyện viên quân sự người Áo, cho biết ít nhất 3 chiếc M1 Abrams khác cũng bị hư hại đáng kể kể từ khi xe tăng được đưa ra tiền tuyến vào đầu năm nay.

Theo trang phân tích tổn thất quân sự dựa trên bằng chứng trực quan Oryx, 8 chiếc xe tăng trên nằm trong số 796 xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine bị phá hủy hoặc bị thu giữ kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Phần lớn trong số đó là xe tăng thời Liên Xô do Nga hoặc Ukraine sản xuất. Chỉ có khoảng 140 xe tăng đang tham chiến được các nước NATO chuyển cho Ukraine.

Oryx cho biết xe tăng Leopard của Đức cũng là mục tiêu tấn công trong cuộc chiến ở Ukraine, với ít nhất 30 chiếc đã bị phá hủy. Tuy nhiên, M1 Abrams được đánh giá là một trong những xe tăng chủ lực mạnh nhất thế giới. Can Kasapoglu, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Hudson, cho biết việc huỷ diệt một chiếc xe tăng trên chiến trường đang dễ dàng hơn bao giờ hết khi đối phương chỉ cần kích hoạt chất nổ trên một thiết bị bay không người lái.

Mặc dù mang theo hoả lực lớn song xe tăng không phải là phương tiện không thể xuyên thủng. Phần dễ bị tổn thương nhất của phương tiện này là khối động cơ phía sau và khoảng trống giữa thân xe và tháp pháo. Những nơi này có phần giáp sắt khá mỏng. Xe tăng được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Ukraine vì chúng có thể tấn công và đạt tỷ lệ bắn trúng tới 90%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các thiết bị bay không người lái đang dần định dạng lại cấu trúc cuộc chiến ở Ukraine, những thiết bị này đã được tích cực sử dụng để tiêu diệt xe tăng với độ chính xác cao.

Tùy thuộc vào kích thước và mức độ tinh vi của công nghệ, máy bay không người lái có thể có giá chỉ 500 USD - một khoản đầu tư nhỏ để tiêu diệt một chiếc xe tăng Abrams trị giá 10 triệu USD. Đại tá Reisner cho biết một số thiếtbị bay có thể mang theo đạn dược để tăng cường tác động của vụ nổ.

Vào tháng 11/2023, chỉ trong vòng vài tuần sau khi nhận xe tăng Abrams, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng chia sẻ: “Tôi khó có thể nói rằng những chiếc xe này sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trên chiến trường. Số lượng xe tăng được chuyển giao rất ít.”

Một số quan chức và chuyên gia tin rằng các chỉ huy Ukraine đã tìm cách “cứu” xe tăng M1 Abrams bằng cách tái điều động không cho ra tiền tuyến. Thay vào đó, những chiếc xe tăng này đã được triển khai vào đầu năm nay cùng với Lữ đoàn cơ giới 47 do Mỹ huấn luyện và trang bị khi Ukraine tìm cách duy trì quyền kiểm soát Avdiivka, một thành trì ở khu vực phía Đông Donbass đã rơi vào tay quân đội Nga vào tháng 2.

David M. van Weel, trợ lý Tổng Thư ký NATO về các loại hình chiến tranh mới nổi, cho biết một số quân đội đã thử nghiệm chùm tia laser để có thể tiêu diệt máy bay không người lái tấn công. Công nghệ này sẽ tiết kiệm chi phí hơn và có nguồn cung lớn hơn các loại đạn dược khác, đồng thời có thể bắn trúng các mục tiêu nhỏ như thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV). Tuy nhiên, nó cũng không phải là một phương án lâu dài.

Trở lại với câu hỏi liệu xe tăng có trở nên lỗi thời trong một cuộc chiến hiện đại, Đại tá Reisner cho biết các kỹ sư quân sự từ trước đến nay luôn tìm các cách để vô hiệu hoá xe tăng. Chính vì vậy, sự xuất hiện của FPV không khiến M1 Abrams và các xe tăng tiên tiến khác như Leopard của Đức trở nên lỗi thời. Để có thể giành quyền kiểm soát địa hình, một đội quân rất cần có xe tăng.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast