Kinh nghiệm lái xe: "Sáng lấn phải, chiều lấn trái"

Chạy đúng làn đường cho phép nhưng khi cần thiết, có thể lấn sang làn bên cạnh (nơi vạch đứt) theo nguyên tắc “sáng phải, chiều trái”.

Trên đường hai chiều mà không có dải phân cách cố định, việc tránh xe ngược chiều hay cùng chiều và cách xử lý các tình huống cần phải có óc phán đoán tâm lý, tình huống, cách đi của xe ngược chiều, khả năng nhường đường của xe cùng chiều phía trước và khả năng bám đuổi của các xe phía sau.

kinh nghiem lai xe sang lan phai chieu lan trai

Tất cả phụ thuộc vào hai, ba hay rất nhiều bác tài. Vẫn biết lái xe là quá trình rèn luyện thường xuyên liên tục mà mục đích phấn đấu vẫn là cụm từ xa xỉ "cảm giác lái, an toàn". Tuy nhiên vẫn có những lý thuyết căn bản.

Đi đúng phần đường, đúng tốc độ dành cho loại phương tiện mình đang điều khiển. Có những điểm cần nhớ như "Sáng lấn phải, chiều lấn trái"; "Vay bao nhiêu trả bấy nhiêu". Bật đèn khi trời nhập nhoạng;

Sử dụng tối ưu, đèn pha, còi, xi-nhan, gương chiếu hậu. Đối với đường có dải phân cách là sơn kẻ liên tục việc bạn chạm vạch, hay đè vạch để vượt xe sẽ khiến cho bạn sớm bị "huýt" và nộp tiền. Với vạch kẻ đường đứt quãng có nghĩa là bạn được phép chạm vạch hay đè vạch khi tránh xe hay vượt xe. Tuy nhiên vẫn phải tuân thủ làn đường, tốc độ của phương tiện đang điều khiển.

"Sáng lấn phải" có nghĩa là vào buổi sáng bạn nên hơi lấn sang bên phải theo chiều đi. Điều này tạm thời lý giải: khi đi đường trường hầu hết vào buổi sáng hay có hiện tượng ngủ gật và lấn trái của xe đối diện, việc bạn lấn phải kết hợp chớp đèn pha sẽ giúp xe ngược chiều sớm nhận ra bạn để tránh nhau, bên cạnh đó vào sáng sớm bên phải bạn có thể ít xe hơn. Tuy nhiên nếu bạn lấn phải nhiều quá sẽ là xuống ruộng vì hết đường!

"Chiều lấn trái" là vào buổi chiều nhất là khi nhập nhoạng là lúc hay phải tránh phương tiện đi cùng chiều mình (xe đạp, xe máy) nhất là lúc tan tầm. Việc hơi lấn bên trái khi không có xe ngược chiều sẽ giúp việc tránh xe cùng chiều dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu có xe ngược chiều thay vì việc lấn trái bằng việc giảm tốc độ đi đúng phần đường sẽ an toàn hơn. Ngược lại nếu cố lấn thì chuyện "hôn hít" là khó tránh.

"Vay bao nhiêu trả bấy nhiêu": Sau mỗi lần vượt xe hay tránh, đưa tay lái về vị trí thẳng lái có nghĩa là xe đi ở giữa làn đường của mình. Quan sát 2 gương hậu lấy vạch sơn, hàng cây, vạt cỏ, thanh xe ...hay bất kỳ có thể làm "mốc" để rút kinh nghiệm. Đoạn này mình lấy lái hơi nhiều, à chỗ này trả lái hơi ít...Luyện nhiều sẽ thành thói quen.

Luật quy định khi trời tối phải bật đèn thì mình bật, có thể là đèn gầm, nếu đèn pha thì bật chiếu gần, chớp đèn bấm còi khi gặp xe ngược chiều thậm chí xi-nhan trái nếu xe ngược chiều vẫn lấn đường.

Nắm rõ "vùng an toàn" khi vượt xe và khi cho vượt

Vùng an toàn: Đoạn đường không cấm vượt, không có xe ngược chiều, không chướng ngại vật khuất tầm nhìn, xe đi trước (nếu có) không có ý định vượt xe khác.

Vượt xe và nhường đường cho xe vượt: khi có vùng an toàn là lúc có thể vượt xe hay nhường đường. Lưu ý chớp đèn pha, xi-nhan kết hợp còi khi vượt, vút xe vượt dứt khoát hạn chế sang số khi vượt.

Khi qua xe hãy đảm bảo có vùng an toàn cho xe vừa vượt rồi hãy lấy lái vào phần đường của mình tránh việc tạt đầu gây bức xúc cho bác tài vừa cho mình vượt. Khi nhường đường cho xe khác cũng đảm bảo có vùng an toàn ra tín hiệu cho xe xin vượt giảm hẳn tốc độ, không gây cản trở.

Tóm lại, đường hai chiều không có dải phân cách cứng là loại đường phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì vậy hãy tuyệt đối tuân thủ điều kiện về không sử dụng chất kích thích khi lái xe, về làn đường, tốc độ xe chạy, ứng xử đúng luật và đặc biệt là sự nhường nhịn để phòng chống các xung đột không đáng có giữa các phương tiện và cả các bác tài không ngoài mục đích an toàn, đi đến nơi về đến chốn.

Đôi lời chia sẻ.

Chúc các "Cán bộ đường lối"" cuối tuần vui vẻ và lái xe an toàn!

Độc giả Trịnh Xuân Nguyên

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast