Ôtô nhập khẩu sắp ồ ạt về Việt Nam

Gỡ bỏ nút thắt giấy chất lượng kiểu loại, xe nhập khẩu ASEAN mở toang cánh cửa về Việt Nam trong vài tháng tới.

oto nhap khau sap o at ve viet nam

Xe nhập khẩu từ Thái Lan cập cảng Hiệp Phước, TP HCM vào tháng 3/2018. Ảnh: Quốc Đoan.

Liên quan đến việc các hãng xe cho rằng hoạt động nhập khẩu ôtô về Việt Nam gặp khó bởi Nghị định 116, Bộ GTVT trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ hôm 7/3 cho biết, nhiều doanh nghiệp đã hiểu rõ và tiếp tục chuẩn bị các thủ tục, điều kiện để kinh doanh nhập khẩu ôtô theo quy định.

Đối với yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA), giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện (lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính) theo Thông tư 03, quy định đường thử 800 m, kiểm định theo lô, Bộ GTVT cho rằng những điều này là phù hợp với thực tế thị trường, kiểm soát chất lượng ôtô nhập khẩu và tạo sự công bằng đối với xe lắp ráp trong nước.

Riêng vấn đề kiểm định khí thải và an toàn đối với từng kiểu loại ôtô trong một lô hàng nhập khẩu có thể đội chi phí lên 10.000 USD, Bộ GTVT cho rằng "chưa có cơ sở". Theo tính toán của Bộ này, chi phí thử nghiệm khí thải là 27 triệu đồng đối với động cơ xe xăng và 28 triệu đồng đối với động cơ xe diesel. Thời gian hoàn thành không quá hai ngày.

Chi phí thử nghiệm an toàn là 12 triệu đồng/mẫu thử. Thời gian hoàn thành không quá hai ngày, báo cáo thử nghiệm phát hành vào hôm sau nếu doanh nghiệp cung cấp đủ tài liệu kỹ thuật về xe mẫu.

Đại diện nhiều hãng xe trong nước như Toyota, Honda, Ford, Suzuki thông tin, họ đã gửi những giấy tờ cần thiết cho ôtô nhập khẩu lên cơ quan chức năng và chờ quyết định chính thức. Nhiều khả năng thủ tục sẽ sớm hoàn thành trong thời gian ngắn sắp tới. Vượt rào cản giấy VTA, khó khăn lớn nhất trong số những quy định siết xe nhập khẩu của Nghị định 116, ôtô nhập khẩu sớm quay lại Việt Nam từ quý II/2018, trước tiên với xe nhập Thái Lan.

Trước đó, Bộ GTVT đã chấp nhận giấy VTA do Chính phủ Thái Lan cấp cho xe xuất khẩu từ nước này vào Việt Nam. Lô hàng nghìn xe của Honda cập cảng Hiệp Phước, TP. HCM vào đầu tháng 3/2018 là một ví dụ.

Ông Phạm Anh Tuấn, tổng trưởng ban kế hoạch chiến lược Toyota Việt Nam cho biết phía Indonesia đã gửi giấy VTA sang Việt Nam và đang chờ xác nhận. Nếu không thể xuất khẩu xe sang Việt Nam, Indonesia có thể thiệt hại 85 triệu USD trong giai đoạn tháng 12/2017 đến tháng 3/2018, theo tính toán của Bộ Thương mại nước này. Trong khi đó, với xe nhập từ Nhật, Toyota Việt Nam cũng đã có giấy cho chiếc Lexus NX300t và Toyota Hiace, sẽ sớm về nước và thông quan trong vài tháng tới.

Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu xe hơi nguyên chiếc nhiều nhất vào Việt Nam trong 2017, tổng gần 47.000 xe. Những mẫu xe có khả năng hưởng thuế nhập khẩu 0%, đạt mức yêu cầu nội địa hóa linh kiện trên 40% từ hai nước này trải đều nhiều phân khúc như xe cỡ nhỏ, MPV, SUV, bán tải.

Giấy VTA đối với ôtô nhập khẩu châu Âu chủ yếu những dòng xe sang. Khác với các hãng xe Nhật kêu khó, Volkswagen, Porsche, Trường Hải (BMW) và nhiều hãng xe khác tỏ ra bình thản với quy định này. Sau Honda, những mẫu xe nhập khẩu đầu tiên của Volkswagen từ Ấn Độ, Mexico cũng cập bến Việt Nam, cho thấy sự tự tin của hãng xe châu Âu về khả năng đáp ứng yêu cầu theo Nghị định 116 là có cơ sở.

Như vậy, khoảng năm tháng sau khi Nghị định 116 có hiệu lực, những tranh cãi, kiến nghị của các hãng xe bắt đầu lắng xuống khi việc cần làm hơn ở hiện tại là xoay xở để đáp ứng yêu cầu giấy VTA đối với xe nhập khẩu. Triển vọng xe nhập tràn về Việt Nam với thuế suất 0%, điều kiện cần để thiết lập mức giá rẻ hơn so với 2017, đang dần trở nên tích cực.

Tín hiệu lạc quan của các hãng xe tại Việt Nam trong việc giải quyết giấy VTA còn thể hiện bằng động thái của các đại lý. Sau giai đoạn trầm lắng trước Tết Nguyên đán, hoạt động đặt cọc-bán xe đã được nối lại. Sự chú ý đổ dồn vào những mẫu xe mới về nước của Honda như CR-V, Jazz. Trong khi Toyota Fortuner, Ford Ranger và nhiều mẫu xe khác cũng được các đại lý mở booking dù chưa thể xác định chính xác thời điểm giao xe.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast