Xem xét nhân rộng việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển

(Baohatinh.vn) - Đó là ý kiến được các đại biểu thống nhất cao tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” do Bộ Nội vụ tổ chức sáng nay (27/4).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cùng chủ trì hội nghị.

Xem xét nhân rộng việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển

Chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo Sở Nội vụ.

Đề án góp phần thực hiện tốt chiến lược cán bộ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời gian qua cũng như quá trình 3 năm thực hiện đề án.

“Triển khai đề án đã góp phần thực hiện tốt chiến lược cán bộ, qua đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác cán bộ cũng chỉ ra rằng, một bộ phận đội ngũ cán bộ có độ tuổi cao, khả năng thích ứng còn hạn chế; nhân sự mới chưa được giới thiệu, phát triển kịp thời; tình trạng tìm người thay thế còn nhiều khó khăn... Vì vậy, đổi mới tuyển chọn lãnh đạo quản lý thông qua thi tuyển là điều hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đề án là chủ trương đúng đắn của Đảng, cần được tiếp tục thực hiện, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Xem xét nhân rộng việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ảnh: chinhphu.vn)

Vì vậy, tại hội nghị hôm nay, Bộ Nội vụ lắng nghe các kiến nghị từ các ban, ngành, địa phương để có giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện; từ đó có cơ sở để đưa ra quyết định thỏa đáng về việc tiếp tục đề án như thế nào cho phù hợp và kiến nghị lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị đại biểu phát huy cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến để hội nghị triển khai đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

410 cán bộ lãnh đạo quản lý được tuyển chọn thông qua thi tuyển

Báo cáo tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, có 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Qua 3 năm, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương Đảng chuẩn bị các văn bản và chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện đề án, gồm các văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng, hồ sơ tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý, nội dung, hình thức, quy trình, thủ tục thi tuyển, xác định người trúng tuyển qua thi tuyển...

Kết quả, có 12/14 cơ quan Trung ương thuộc diện thí điểm thực hiện đã tổ chức thi tuyển 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển; có 17/22 địa phương thuộc diện thí điểm đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển.

Những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài, làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị người đó lãnh đạo, quản lý, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tại hội nghị, đại biểu đã phân tích rõ hơn những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề án và đề xuất giải pháp thời gian tới.

Xem xét nhân rộng việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển

Đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định không thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với những người là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; về đối tượng đăng ký tham dự thi tuyển; việc thành lập và hoạt động của Hội đồng thi tuyển; hồ sơ cán bộ đối với các trường hợp thi tuyển.

Một số ý kiến cho rằng, sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện đề án có lúc chưa chặt chẽ; nhiều cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm còn lúng túng trong triển khai thực hiện; việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý chưa thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia; trong tổ chức thi tuyển, Hội đồng thi tuyển lúng túng khi xử lý một số tình huống phát sinh...

Đại biểu đề xuất, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển tại các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu khoảng 50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển và tiến hành tổng kết sau 5 năm triển khai đề án; các cơ quan liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy trình, thủ tục tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý theo hướng đơn giản hóa về thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác thi tuyển lãnh đạo, quản lý...

Hà Tĩnh mạnh dạn thí điểm đổi mới tuyển chọn một số chức danh lãnh đạo cấp sở, phòng

Mặc dù không phải là tỉnh được Trung ương chọn triển khai Đề án thí điểm, tuy nhiên, trước đó, từ năm 2015, Hà Tĩnh đã thực hiện đổi mới tuyển chọn một số chức danh lãnh đạo cấp sở, phòng.

Kết quả, tỉnh đã tiến hành bổ nhiệm 1 Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh; 1 Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; một số cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển trên địa bàn.

Tiếp tục triển khai đề án tại các đơn vị, địa phương chọn thí điểm

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao các ý kiến phát biểu phong phú, sâu sắc của đại biểu ở các điểm cầu. Đây sẽ là cơ sở để đơn vị chủ trì xem xét, rút ra bài học kinh nghiệm, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định triển khai đề án là một phương thức tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo chứ không có nghĩa là làm thay trách nhiệm của các tổ chức Đảng về công tác cán bộ. Do vậy, quá trình triển khai cần đảm bảo khách quan, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

“Trước khi có quyết định mới của Ban Bí thư, các đơn vị, địa phương được chọn tổ chức thí điểm tiếp tục triển khai đề án theo đúng quy định, hướng dẫn” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài Chính sớm tham mưu kinh phí trình Chính phủ; các địa phương cần rà soát kỹ các chức danh dự kiến thi tuyển, xây dựng tiêu chuẩn điều kiện đối với từng chức danh cụ thể để chủ động triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương tham mưu, tổng hợp các ý kiến của đại biểu; hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện đề án trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị.

Các cơ quan Trung ương thực hiện thí điểm đề án gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các địa phương thực hiện thí điểm gồm các tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre; các thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.