Ảnh minh họa
Việc hình thành thói quen nghiện thuốc lá có thể bắt đầu ngay từ những ngày đầu thử hút, vì vậy cha mẹ phải giúp các em tránh khỏi việc thử hút thuốc.
Đối với những trường hợp các em đã hút thuốc, nhiều lời khuyên cho các bậc cha mẹ được đưa ra như:
- Không đánh mắng trẻ vì trẻ đang độ tuổi mới lớn, càng la mắng trẻ sẽ càng làm ngược lại. Cha mẹ nên thảo luận với con về thuốc lá theo cách quan tâm chứ không xét nét, hạch sách, tránh để trẻ cảm thấy mình đang bị chỉ trích, trừng phạt.
- Có thể trẻ không có khả năng đánh giá hết được hành vi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến tương lai như thế nào, vì vậy cha mẹ phải nói một cách thẳng thắn về tác hại của hút thuốc lá.
- Nói rõ cho con biết việc cải thiện tâm trạng, tập trung tư tưởng có thể đạt được bằng nhiều cách khác như xem xét lại các vấn đề tâm lý cá nhân, lên kế hoạch sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, tập luyện để có sức khỏe tốt... thay vì hút thuốc lá.
- Nếu trong nhà có người hút thuốc lá thì người đó nên chủ động nhận lỗi. Người cha nên tỏ thái độ hợp tác khi vợ con góp ý bỏ thuốc lá, tránh việc thấy con hút thuốc thì bỏ mặc con “muốn làm gì thì làm”.
- Thỏa thuận với con về thời gian bỏ thuốc, cùng con lên kế hoạch cắt giảm thuốc từ từ nhưng kiên quyết. Việc cắt giảm cần cụ thể như từ mỗi ngày hút 5 điếu giảm xuống 4, 3 điếu trong tuần tiếp theo...
- Thưởng cho con những món quà bổ ích khi con bỏ thuốc lá thành công trong từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, khuyến khích con vận động hàng ngày kể cả sau khi bỏ hẳn thuốc lá. Tập luyện thể thao được xem là cách chống lại cơn thèm thuốc lá.
Để trẻ có một sức khỏe tốt nhất và tránh được những nguy cơ do thuốc lá gây ra, phụ huynh cần phải giúp trẻ tránh khỏi thói quen này ngay từ bây giờ. Nếu phát hiện con mình hút thuốc, các bậc cha mẹ không nên tỏ thái độc tức giận thay vào đó là kiên nhẫn nghe con giải thích và giúp con nhận thức về tác hại của việc hút thuốc.