Xử lý việc chiếm dụng gầm cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh làm nơi kinh doanh, khó hay dễ?!

(Baohatinh.vn) - Từ nhiều năm nay, gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh đoạn giáp ranh giữa phường Thạch Linh với xã Thạch Đài (Thạch Hà) bị một số hộ dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán nước giải khát dẫn tới sự nhếch nhác và mất an toàn giao thông.

Video: Lấn chiếm gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh làm nơi buôn bán

Được thông xe, đưa vào sử dụng từ tháng 8/2013, cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh đã góp phần thay đổi diện mạo về hạ tầng giao thông của thành phố, tạo thuận lợi cho người dân khi lưu thông từ TP Hà Tĩnh đi các huyện Thạch Hà, Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang và ngược lại.

Đặc biệt, cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh còn giúp giảm thiểu các vụ va chạm, tai nạn giao thông giữa người và phương tiện di chuyển từ giữa đường Vũ Quang (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) và đường tỉnh 550 (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) với phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh.

Xử lý việc chiếm dụng gầm cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh làm nơi kinh doanh, khó hay dễ?!

Khu vực gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông ở cả ngày lẫn đêm.

Thế nhưng, từ nhiều năm trở lại nay, khu vực gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh đã bị một số hộ dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán nước giải khát. Những hộ này bày nhiều ghế, bàn nhựa ở phần diện tích xung quanh trụ cầu vượt để buôn bán.

Vào buổi trưa, buổi chiều hoặc buổi tối, các quán hàng dưới gầm cầu vượt thường tập trung khá đông khách. Có những thời điểm, ô tô, xe máy của khách dựng tràn ra cả lòng đường quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh và đường tỉnh 550.

Xử lý việc chiếm dụng gầm cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh làm nơi kinh doanh, khó hay dễ?!

Gầm cầu vượt đã bị một số hộ dân chiếm dụng làm nơi buôn bán.

Khu vực ngã tư gầm cầu vượt vốn có nhiều phương tiện cơ giới qua lại, nhất là xe tải trọng lớn như container, đầu kéo, xe tải, xe khách, vì thế, việc đậu, đỗ xe lấn chiếm lòng, lề đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

“Việc buôn bán dưới gầm cầu vượt xuất hiện lâu rồi. Bản thân tôi không đồng ý việc này vì mất an toàn giao thông. Không biết có phải ngành chức năng cho thuê đất hay không nhưng không thấy đơn vị nào xử lý hay chấn chỉnh gì cả" - chị Nguyễn Ngọc Lan Anh (SN 1990, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.

Xử lý việc chiếm dụng gầm cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh làm nơi kinh doanh, khó hay dễ?!

Nhiều phương tiện dừng, đậu trái quy định tại khu vực gầm cầu vượt để đón, trả khách hoặc giao, nhận hàng.

Từ khi có các hộ buôn bán nước giải khát thì lượng người dân ra khu vực gầm cầu vượt để đón xe khách Bắc – Nam cũng tăng lên. Theo đó, lâu nay, khu vực này nghiễm nhiên trở thành một “bến cóc” mà các nhà xe dùng để đón, trả khách hay nhận, giao hàng hóa. Bên cạnh đó, còn có khá nhiều người chạy xe ôm, taxi tập trung ở khu vực gầm cầu vượt để chờ khách.

Tình trạng này khiến gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh luôn trong tình trạng lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông.

Xử lý việc chiếm dụng gầm cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh làm nơi kinh doanh, khó hay dễ?!

Từ khi có quán hàng buôn bán dưới gầm cầu vượt, ngày càng có nhiều người dân tới đây đón xe khách Bắc - Nam hoặc gửi hàng đi nơi khác.

“Mỗi ngày đêm, có rất nhiều xe khách đường dài dừng lại đây để đón, trả khách nên lộn xộn lắm. Nhiều xe đang di chuyển với tốc độ nhanh, nhìn thấy khách đứng ở gầm cầu vượt vẫy tay ra hiệu là đột ngột cho phương tiện tấp vào đón, gây nguy hiểm cho xe chạy phía sau” - ông Nguyễn Văn Thìn (SN 1960, xã Thạch Đài) phản ánh.

Xử lý việc chiếm dụng gầm cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh làm nơi kinh doanh, khó hay dễ?!

Tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông là điều dễ nhận thấy ở khu vực gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh. Ảnh chụp ngày 20/5.

Theo tìm hiểu của PV, gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh nằm giáp ranh giữa địa giới hành chính của phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) và xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà). Hiện có 3 hộ dân chiếm dụng gầm cầu để buôn bán nước giải khát. Chính quyền địa phương nắm bắt được thực trạng này nhưng chưa có biện pháp đủ mạnh để xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thạch Đài Trương Quang Anh xác nhận, tình trạng chiếm gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh để buôn bán dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Địa phương có nắm được sự việc này nhưng căn cứ theo địa giới hành chính thì khu vực gầm cầu vượt là thuộc phường Thạch Linh.

Xử lý việc chiếm dụng gầm cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh làm nơi kinh doanh, khó hay dễ?!

Các phương tiện dừng đỗ sai quy định dưới gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Thạch Linh Trương Quang Sơn nói rằng, dưới hầm cầu vượt có 2 khu vực buôn bán thì một bên thuộc địa phận của phường, bên kia là địa phận của xã Thạch Đài. Trong số 3 hộ dân đang kinh doanh, buôn bán nước giải khát thì 2 hộ là người của phường, hộ còn lại ở xã Thạch Đài. Việc buôn bán dưới gầm cầu vượt là người dân tự ý bán, địa phương không có thẩm quyền cho thuê hay thu loại phí nào.

Theo ông Trương Quang Sơn, tới đây, địa phương sẽ phối hợp với ngành chức năng để có hướng xử lý, chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh nhằm đảm bảo cảnh quan, an toàn giao thông.

Xử lý việc chiếm dụng gầm cầu vượt tuyến tránh TP Hà Tĩnh làm nơi kinh doanh, khó hay dễ?!

Nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông dưới gầm cầu vượt đường tránh TP Hà Tĩnh.

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nguyễn Đình Minh cho hay: Việc để xảy ra tình trạng chiếm dụng gầm cầu vượt sai quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông, có trách nhiệm của 2 địa phương là phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) và xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà). Để xử lý dứt điểm việc này cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, trong đó, chính quyền địa phương cần phải làm đầu tiên. Quá trình giải quyết nếu gặp vướng mắc thì phối hợp với các ngành chức năng để cùng xử lý.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.