“Biển là nhà, thuyền là giường”

(Baohatinh.vn) - Coi “biển là nhà, thuyền là giường”, sau khi nhận tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân vùng cửa lạch Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đã chủ động nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để tiếp tục bám biển làm giàu.

Ngư dân Phạm Trung Quỳnh (thôn 1, xã Cẩm Lĩnh) - một trong những người vừa đóng mới tàu công suất 420 CV, cho biết: “Trước đây, tôi đi tàu công suất 60 CV nhưng sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, nhận thấy đánh bắt vùng lộng không ăn thua, cá khó bán nên gia đình tôi đã cố gắng vay mượn, mua một tàu cá công suất trên 400 CV để đánh bắt xa bờ. Đối với ngư dân chúng tôi, “biển là nhà, thuyền là giường” nên chúng tôi quyết bám biển mà kiếm sống chứ không biết làm nghề gì khác nữa”.

bien la nha thuyen la giuong

Ngư dân Cẩm Lĩnh khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau sự cố môi trường biển. Ảnh: Hương Thành

Với con tàu mới hạ thủy được 3 tháng, anh Quỳnh cùng các bạn thuyền đã có tổng cộng 12 chuyến vươn khơi xa. Như đợt này, thuyền anh Quỳnh đi trong vòng một ngày đêm, sản lượng đạt khoảng 5 tấn cá, sò các loại, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Trừ chi phí và công của bạn, anh Quỳnh còn lãi 2 - 3 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với đi thuyền nhỏ trước kia.

Ngoài anh Quỳnh, các anh Phạm Văn Việt, Trần Văn Thạch (thôn 1, Cẩm Lĩnh) cũng chủ động vay vốn ngân hàng để sắm tàu công suất lớn vươn khơi bám biển. Thời điểm này, các tàu công suất lớn của ngư dân Cẩm Lĩnh hầu như đang đánh bắt ở vùng biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Trần Đình Lam cho biết: “Đóng mới tàu lớn công suất trên 400 CV đợt này có 3 tàu. Ngoài ra, có hàng chục ngư dân thực hiện cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để tiếp tục đánh bắt. Cũng may, tiền đền bù đến tay người dân kịp thời để họ chủ động tu sửa tàu thuyền, đón đầu mùa đánh bắt ra giêng này”.

Toàn xã Cẩm Lĩnh hiện có 263 tàu thuyền các loại, trong đó có trên 20 tàu công suất lớn (trên 90 CV). Một tín hiệu vui tiếp thêm động lực để ngư dân Cẩm Lĩnh tiếp tục vươn khơi đó là người tiêu dùng đã quay lại với hải sản, thị trường đã bắt đầu ổn định. Phấn khởi hơn, tiền đền bù được chi trả kịp thời đã giúp ngư dân có thêm “vốn” để tái đầu tư, sửa chữa tàu thuyền. Vừa trở về từ chuyến ra khơi dài ngày, ngư dân Nguyễn Xuân Toản (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) chia sẻ: “Thuyền của tôi được đền bù 125 triệu đồng, chia cho bạn 3 phần, còn lại 1 phần tôi sử dụng để tu sửa lại máy móc. Ngoài ra, tôi cũng vay thêm ngân hàng để nâng cấp máy, tân trang lại vỏ thuyền. Tổng kinh phí tu sửa đợt vừa rồi cũng hết hơn 100 triệu đồng, nếu đánh bắt thuận lợi như đợt ra giêng đến nay thì chẳng mấy chốc tôi trả được nợ”.

Không chỉ đầu tư cải hoán lại tàu thuyền, nhận thấy sự cần thiết phải đầu tư xây dựng cầu cảng tại vùng cửa lạch, anh Nguyễn Xuân Toản xin chủ trương của xã. Được xã đồng thuận, anh Toản mạnh dạn đầu tư xây dựng mặt bằng cầu cảng tại vùng cửa lạch để thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân vào ra, từ đó, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng kinh phí làm mặt bằng và mua máy bốc hàng khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhờ cầu cảng mới mà 1 năm qua, tàu thuyền ra vào cửa lạch Cẩm Lĩnh cũng thuận lợi hơn, xe hàng thu mua hải sản cũng vào tận nơi khiến cho hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá nơi đây phát triển mạnh.

Rời vùng biển cửa lạch Cẩm Lĩnh khi những tia nắng cuối ngày còn loang trên sóng nước, khi những con thuyền lớn đang thực hiện những chuyến đi dài ngày ngoài khơi xa, khi những tín hiệu về một mùa cá bội thu liên tục được cập nhật về bờ..., tôi càng tin hơn vào khẳng định chắc nịch của ngư dân Phạm Trung Quỳnh: “Biển là nhà, thuyền là giường” nên chúng tôi quyết bám biển...

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.