Khát vọng vươn khơi (bài 2): Trông người - ngẫm ta!

(Baohatinh.vn) - Được ưu ái rất lớn về tiềm năng, lợi thế nhưng bức tranh khai thác hải sản của Hà Tĩnh lại luôn mang sắc màu kém tươi so với các tỉnh lân cận như Nghệ An hay Quảng Bình... Nhìn những con tàu lừng lững vươn khơi, sản lượng đánh bắt gấp bội của “láng giềng” mà cảm thấy trăn trở: Trông người mà ngẫm đến ta...!

>> Bài 1: Ngư dân Hà Tĩnh: Quẩn quanh trong lộng...

Tư tưởng dám làm

Trên con tàu mới toanh với 820 mã lực đang cập bến sông Gianh, chủ tàu Hồ Đăng Xô (xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cùng các bạn thuyền đang tạm nghỉ sau một chuyến ra khơi dài ngày. Quây quần bên tách trà, ông Xô kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng gắn bó với biển cả. 17 tuổi theo ông cha ra khơi đánh bắt hải sản, đến nay cũng đã ngót nghét gần 40 năm. Nghề biển đã tạo cho ông sự vững chãi, dám đương đầu với sóng gió, mạnh dạn làm ăn để nâng cao chất lượng cuộc sống.

khat vong vuon khoi bai 2 trong nguoi ngam ta

Xã Đức Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) có hơn 200 tàu cá, công suất từ 500 - 900 CV.

Đang sở hữu con tàu công suất 450 CV nhưng ông cảm thấy chưa thật hài lòng nên quyết định đầu tư một tàu lớn hơn, vươn khơi xa hơn. Trong khi một số chủ tàu khác đăng ký đóng tàu theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì ông tự bỏ tiền túi, vay thêm một ít từ anh em, bạn bè đóng mới con tàu 820 CV, trị giá gần 5 tỷ đồng làm nghề chụp, câu mực… “Trước đây, tàu 450 CV chỉ đánh bắt được tầm 100 - 150 hải lý nhưng con tàu này có thể vươn xa vài trăm hải lý, ra tận vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ở đây, ngư trường dồi dào, nguồn lợi hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao nên mỗi chuyến đi chí ít cũng kiếm được cả chục tấn cá, thu nhập tăng cao. Gần 20 lao động trên tàu đều phấn khởi sau mỗi chuyến trở về đút túi dăm bảy triệu đồng” - ông Xô chia sẻ.

Không chỉ riêng ông Xô mà nhiều bà con ngư dân ở xã Đức Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đều dám nghĩ, dám làm. Cũng từ đó, số lượng tàu công suất lớn ngày càng tăng lên, đời sống ngư dân dần được đổi thay. Ông Dương Ngọc Ái - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bố Trạch cho biết: Đức Trạch là xã có số lượng tàu “khủng” nhiều nhất tỉnh với 213 tàu từ 500 - 900 CV, sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ 20.000 tấn. Chẳng trông chờ vào chính sách hỗ trợ, gần đây, ngư dân Đức Trạch đầu tư hàng chục tỷ đồng đóng mới 11 con tàu có công suất lớn để vươn khơi, bám biển.

Vươn khơi làm giàu cũng luôn là mục tiêu hướng tới của ngư dân phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn - Quảng Bình). Ông Nguyễn Thanh Đôn - Chủ tịch UBND phường cho hay: “Bên cạnh kinh nghiệm truyền thống, bà con ngư dân ở đây rất chịu khó tìm tòi, học hỏi nâng cao kiến thức đánh bắt hải sản. Nhiều ngư dân trẻ tuổi trong làng “khăn gói” vào tận các tỉnh Quảng Nam, Bình Định… chịu khó làm thuê trên tàu để học nghề. Khi có chút vốn, đúc rút được kinh nghiệm, họ trở về quê “sắm” thuyền to, máy lớn để “cạnh tranh” với các tỉnh bạn. Hàng năm, phường còn tổ chức cho ngư dân đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình tại một số tỉnh có nghề khai thác hiệu quả để về áp dụng, làm theo”…

Nhìn những con tàu đồ sộ vươn khơi, sản lượng đánh bắt gấp bội của họ mà cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về bức tranh khai thác hải sản của Hà Tĩnh. Dọc chiều dài hơn 137 km bờ biển, Hà Tĩnh có 43 làng xã ven biển cùng 4 cảng biển xuyên suốt từ Cửa Hội (Nghi Xuân) cho đến Cửa Khẩu (Kỳ Anh)… Trưởng phòng Quản lý tàu cá Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Nhật trăn trở: Với tiềm năng, lợi thế lớn như vậy nhưng nhìn chung bà con ngư dân Hà Tĩnh vẫn còn lối tư duy làm ăn “cò con”, chưa mạnh dạn đầu tư tàu lớn vươn khơi, mở mang nghề mới để nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị khai thác...”.

Chuyên nghiệp hóa nghề biển

Bí thư Đảng ủy phường Quảng Phúc Nguyễn Tiến Thành hồ hởi khi nói đến sự năng động, táo bạo trong việc đầu tư đóng mới tàu xa bờ, đổi mới nghề cá của bà con ngư dân nơi đây. Bắt đầu từ năm 2012, phong trào đóng mới tàu xa bờ phát triển rầm rộ. Từ chỗ chỉ có vài chục chiếc tàu lớn, đến nay, toàn phường có tới 156/209 tàu công suất từ 250-950 CV. Con số đó khiến chúng tôi không khỏi “kinh ngạc” khi cả tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ có khoảng 130 tàu đánh bắt xa bờ công suất tương đương.

khat vong vuon khoi bai 2 trong nguoi ngam ta

Ngư dân Quảng Bình phấn khởi nói về hiệu quả của việc đánh bắt xa bờ.

Sự cố môi trường biển vừa qua dường như không ảnh hưởng gì nhiều đến những đội tàu đánh bắt xa bờ bởi sản phẩm của họ đánh bắt đến đâu đều được tiêu thụ đến đó. Cũng tàu lớn như nhau nhưng thấy nghề lưới vây ở Quảng Nam, nghề bùng nhùng ở Nam Định… cho hiệu quả cao nên ngư dân xã Quảng Phúc không ngần ngại theo học và du nhập về đây. Với những nghề này, mỗi chuyến ra khơi có tàu “kiếm” được hàng trăm triệu đồng từ sản phẩm cá thu, cá ngừ...

“Những con tàu vươn khơi đều được đầu tư trang bị với hệ thống đánh bắt hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác ngày càng tiên tiến. Đáng nói hơn là họ có chung một ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, gắn bó với nhau trên biển. Mỗi chuyến đi có tới 10 đội tàu nối đuôi nhau ra khơi, trong đó có một tàu dịch vụ chuyên thu mua sản phẩm ngay trên biển, đồng thời cung ứng nhu yếu phẩm cho các tàu khi có nhu cầu...”, Bí thư Nguyễn Tiến Thành cho biết thêm.

Chia tay bà con ngư dân Quảng Bình, chúng tôi tiếp tục đến cảng Lạch Quèn (Quỳnh Lưu – Nghệ An) được tận mắt chứng kiến sự tất bật, khẩn trương của bà con ngư dân đang chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới. Đang sử dụng tàu cá lưới vây có công suất trên 500 CV, ngư dân Trần Lợi (thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long), chia sẻ: “Từ khi chuyển đổi sang nghề lưới vây rút chì thấy hiệu quả đánh bắt cao hơn so với nghề chụp mực 4 sào trước đây, mỗi chuyến biển đi không quá 10 ngày đã thu được hàng chục tấn cá các loại, trừ chi phí, mỗi lao động thu về 9-10 triệu đồng/chuyến. Ngư dân ai cũng thích đi nghề vây vì có thể đánh được đủ các loại cá, giá trị cao”.

Ngoài mang lại giá trị kinh tế cao, những nghề này còn thực hiện mục tiêu bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Bởi vậy, tỉnh Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ ngư dân các địa phương vùng biển chuyển đổi nghề. Cũng từ đó, hàng chục mô hình đã được hình thành, chuyển đổi từ nghề te tuyến lộng sang giã kéo xa bờ, nghề chụp gần bờ sang nghề lưới rê xù, nghề vó ánh sáng sang chụp mực lưới thưa 4 tăng gông, nghề giã kéo sang nghề lưới vây…

Với sự chuyên nghiệp hóa nghề biển, sản lượng hải sản hàng năm của ngư dân Quảng Bình, Nghệ An đạt từ 60 - 80 ngàn tấn - con số quá lớn so với bình quân mỗi năm chỉ xấp xỉ 26.000 tấn hải sản của ngư dân Hà Tĩnh.

“Muốn thoát được cái nghèo, vươn lên làm giàu, ngư dân phải thay đổi tư duy, mạnh dạn đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi xa. Ngư dân không thể rời biển, ngư dân phải sống chết với biển để mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc - đó là lời chia sẻ, nhắn nhủ tâm huyết của bà con ngư dân Quảng Bình, Nghệ An.

(Còn nữa)

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.