Dịch giả Rafael Lobarte Fontecha: “Dịch thuật thuận lợi hơn khi yêu và tôn trọng tác phẩm”

(Baohatinh.vn) - Năm 2015, vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, Nhà Xuất bản Hiperión (Tây Ban Nha) phát hành bản dịch Truyện Kiều tiếng Tây Ban Nha do dịch giả Rafael Lobarte Fontecha (R. Lobarte) thực hiện.

Nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trò chuyện với dịch giả R. Lobarte.

Dịch giả Rafael Lobarte Fontecha: “Dịch thuật thuận lợi hơn khi yêu và tôn trọng tác phẩm”

Dịch giả Rafael Lobarte Fontecha

- Ông đã làm quen với văn học Việt Nam và khám phá Truyện Kiều của Nguyễn Du như thế nào?

- Dịch giả R. Lobarte: Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với văn học Việt Nam là lúc tôi chuẩn bị cho một chuyến đi đến Đông Nam Á. Trong tất cả các sách hướng dẫn mà tôi đã tham khảo đều có giới thiệu Truyện Kiều, được coi là thành tựu đỉnh cao của thơ ca Việt Nam và là tác phẩm sử thi quốc gia lớn. Là một người say mê thơ sử thi, tôi bị cuốn hút với tác phẩm này ngay lập tức khi tôi tìm thấy một bản dịch song ngữ tiếng Pháp trong một hiệu sách cũ ở Sài Gòn. Ngay khi tôi nhìn vào cuốn sách, tôi nhận ra rằng, đó là một cái gì đó khác biệt.

- Điều gì đã thúc đẩy ông dịch Truyện Kiều? Bản dịch được thực hiện trong bao lâu, dịch từ nguyên bản tiếng Việt hay thông qua một bản dịch khác? Ông có tham khảo các cuốn sách hay có sự trợ giúp của ai khác?

- Dịch giả R.Lobarte: Tôi quyết định dịch Truyện Kiều bởi vì, ngay khi tôi bắt đầu đọc nó, tôi đã rất phấn khích. Những câu thơ đầu tiên của tác phẩm mới đọc đã rất khó quên.

Tôi phải mất vài năm cho việc này, vì dịch thuật không phải là nghề thông thường của tôi, tôi chỉ sử dụng thời gian rảnh mà tôi có. Mặt khác, vào thời điểm đó, tôi hoàn toàn không biết tiếng Việt, vì vậy, việc lấp đầy sự thiếu hụt này cũng mất thời gian. Đó là một bản dịch trực tiếp của bản gốc. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, do kiến thức về tiếng Việt của tôi không hoàn hảo như mong muốn, tôi cần sử dụng các bản dịch khác, cả tiếng Pháp và tiếng Anh, những ngôn ngữ mà tôi có thể đọc mà không gặp khó khăn gì và đó là những bản dịch được thực hiện bởi các dịch giả song ngữ.

Dịch giả Rafael Lobarte Fontecha: “Dịch thuật thuận lợi hơn khi yêu và tôn trọng tác phẩm”

Cuốn Truyện Kiều được dịch ra tiếng Tây Ban Nha của Rafael Lobarte Fontecha

- Giữa ngôn ngữ nguồn là tiếng Việt, đặc biệt tiếng Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều và ngôn ngữ đích mà ông sử dụng có những điểm tương đồng và khác biệt nào? Những khác biệt đó có ảnh hưởng thế nào trong việc chuyển tải nội dung và cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều đến với độc giả?

- Dịch giả R. Lobarte: Tiếng Việt là một ngôn ngữ thanh điệu, còn tiếng Tây Ban Nha là một ngôn ngữ trọng âm, nên việc cố gắng chuyển các giá trị ngữ âm từ bản gốc sang tiếng Tây Ban Nha là một nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, ngay từ đầu tôi đã biết rằng, phần lớn các phương diện văn học của tác phẩm gốc có thể bảo tồn, ít nhất là những gì chung giữa hai ngôn ngữ như vẻ đẹp của hình ảnh, ẩn dụ, đối xứng, giao thoa, nghịch lý v.v…

- Ngoài những khác biệt về ngôn ngữ, những khó khăn gặp phải khi dịch Truyện Kiều là gì? Theo ông, một dịch giả cần có những kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết nào để có thể dịch thành công một tác phẩm như Truyện Kiều sang ngôn ngữ khác?

Dịch giả R. Lobarte: Khó khăn lớn nhất là, như tôi vừa chỉ ra, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt hầu như không có điểm tiếp xúc, cả về ngữ âm và cú pháp. Tuy nhiên, mọi khó khăn đều có thể vượt qua dựa trên tình yêu và sự tôn trọng đối với tác phẩm mà bạn dịch, cần sự cống hiến và phát huy tất cả các năng lực văn chương mà bạn có, về điều này là điểm mạnh của tôi, với tư cách là nhà văn và nhà thơ. Đây là một bản dịch song ngữ khó thể hiện nhịp điệu, vốn là khía cạnh trực quan thông thường của một văn bản thơ. Tôi đã cố gắng để phiên bản tiếng Tây Ban Nha mang hơi hướng trữ tình nhất có thể và bảo tồn tối đa các yếu tố của bản gốc khi chuyển sang một ngôn ngữ mà cú pháp và ngữ âm rất khác với tiếng Việt. Tôi cũng cố gắng để bản dịch không sa đà vào chú giải dễ gây nhàm chán cho người đọc.

Dịch giả Rafael Lobarte Fontecha: “Dịch thuật thuận lợi hơn khi yêu và tôn trọng tác phẩm”

Độc giả ở Tây Ban Nha khám phá những giá trị của Truyện Kiều từ bản dịch của Rafael Lobarte Fontecha

- Truyện Kiều được viết bằng thể thơ lục bát. Ông đã dịch sang thể thơ văn xuôi tiếng Tây Ban Nha. Người ta cho rằng, dịch thơ là không thể. Ông đã thực hiện việc không thể đó như thế nào?

- Dịch giả R. Lobarte: Mặc dù thông thường tôi chọn dịch có vần nhịp thành tác phẩm thơ, nhưng trong trường hợp này tôi thấy một bản dịch thơ văn xuôi phù hợp hơn. Đối với ngôn ngữ Tây Ban Nha thì đây là cách khá phổ biến, thường thấy trong các bản dịch từ một ngôn ngữ phương Đông và như vậy, người đọc đương thời được chuẩn bị tốt hơn. Tôi cũng đã nghĩ đến khả năng dịch thành thể thơ 8 âm tiết (octosílabos) kiểu thơ romance - một hình thức thơ truyền thống tuyệt vời của Tây Ban Nha nhưng cuối cùng tôi đã nghĩ rằng, một nỗ lực như vậy có thể mất quá nhiều thời gian, trong khi dễ dẫn đến nguy cơ với việc không nên làm, là xa rời bản gốc. Vì vậy, tôi đã loại bỏ ý định đó.

Tôi không nghĩ là không thể dịch thơ. Điều chắc chắn là thơ chỉ có thể được dịch qua thơ; do đó, bản dịch của nó về cơ bản là một tác phẩm thuần túy sáng tạo văn học.

- Kiến thức về văn hóa gốc (văn hóa Việt Nam) và văn hóa đến (nơi tác phẩm được tiếp nhận) giữ vai trò quan trọng thế nào trong việc chuyển tải tác phẩm Truyện Kiều thông qua bản dịch?

- Dịch giả R. Lobarte: Mặc dù kiến thức tốt về văn hóa Việt Nam là rất cần thiết, nhưng kiến thức về văn hóa Đông Á nói chung và đặc biệt là văn học Trung Quốc cũng quan trọng không kém. Theo nghĩa này, tôi cho rằng, tác phẩm của Nguyễn Du không thể bị thu hẹp trong phạm vi văn học Việt Nam, mà bên cạnh đó, tác phẩm được đặt trong lĩnh vực văn hóa rộng lớn hơn, là văn hóa phương Đông, rồi thông qua đó, tiến tới một lĩnh vực khác lớn hơn nữa, đó là nền văn học phổ quát.

Xin cảm ơn dịch giả!

Rafael Lobarte Fontecha sinh ở Zaragoza năm 1959, là nhà thơ và dịch giả Tây Ban Nha. Ông là tác giả của các tập thơ: Học cách cô đơn (1979), nơi ở của Eros (2006), Mặt trời đen (2011), Mười hai vương miện trắng (2016), Sự chậm trễ của Sicilia (2017), Lý do để chờ đợi (2020). Ông cũng đã xuất bản các bản dịch thơ như: Epipsychidion (2008) và Thư gửi Maria Gistern cùng những bài thơ khác (2017) của nhà thơ Anh Percy B.Shelle; Tuyển tập thơ John Kears (2009) - nhà thơ Anh, Truyện Kiều (2014) của Nguyễn Du, Thơ (2020) của nhà thơ Ý Guido Cavalcanti. Dịch giả Rafael Lobarte Fontecha từng đến Việt Nam vào năm 2007, chuyến đi đã đưa ông đến với Truyện Kiều của Nguyễn Du, để rồi 5 năm sau, bản dịch tiếng Tây Ban Nha của ông ra đời ở Thủ đô Madrid, được đông đảo độc giả đón nhận và đánh giá cao.

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH DANH NHÂN NGUYỄN CÔNG TRỨ

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Những mùa Trung thu, tôi luôn nhận được quà của bà Chuột Bún là những chiếc bánh Trung thu thơm phức. Cũng từ đó, cái tên Chuột Bánh luôn đi liền với tình bạn thời tiểu học của tôi.
Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.