10 chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng đầu tiên của năm 2022

Sẽ tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng ở thành phố được coi là nghèo; Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động… là những quy định, chính sách mới, có hiệu lực từ tháng 1/2022.

Tư vấn cho người lao động tại cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bich Huệ/TTXVN

Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH

Theo Nghị định 108 của Chính phủ, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng lên 7,4% so với tháng 12/2021. Mức tăng này sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau:

- Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng ở thành phố được coi là nghèo

Đây là nội dung của Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015. Cụ thể, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.

Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Bộ luật Lao động 2019, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 6 tháng, tăng 3 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 8 tháng, tăng 4 tháng so với năm 2021.

Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5 - 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

10 ngày điều chỉnh giá xăng một lần

Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.

Nghị định 95 quy định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, mùng 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.

Thay đổi mức phạt với nhiều vi phạm liên quan đến hóa đơn

Từ ngày 1/1/2022 là thời điểm rất nhiều quy định mới mà người làm kế toán cần cập nhật, một trong số chính là các mức phạt liên quan đến hóa đơn theo Nghị định 102 của Chính phủ. Nghị định này quy định phạt từ 4 - 8 triệu đồng đối với trường hợp lập hóa đơn, nhưng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định, trong khi trước đây không có quy định xử phạt về hành vi này.

Tương tự, với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế, Nghị định 102 cũng quy định phạt từ 4 - 8 triệu đồng và các bên phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trước đây, hành vi này cũng không có quy định xử phạt. Đáng chú ý, Nghị định mới tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 2 năm, thay vì 1 năm như cũ.

Thay đổi cách tính thuế với người cho thuê nhà

Cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là Thông tư 100 của Bộ Tài chính với quy định mới về cách tính thuế đối với người cho thuê nhà. Theo Thông tư 40 được ban hành trước đó không lâu, cá nhân cho thuê nhà không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch, thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê nhà không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm dương lịch (12 tháng).

Thông tư 100 điều chỉnh lại như sau: Nếu cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê nhà, thời gian cho thuê không trọn năm, doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì mới không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Cũng theo Thông tư 100, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… sẽ không bắt buộc phải nộp thuê thay cho người bán; nghĩa vụ này chỉ phát sinh nếu giữa sàn thương mại điện tử và người bán sinh có hợp đồng ủy quyền. Trong khi Thông tư 40 trước đó quy định đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với các sàn thương mại điện tử.

Chính thức xử phạt ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát

Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, các chủ xe ô tô kinh doanh vận tải cần hết sức lưu ý: Nếu ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị quyết 66 năm 2021 của Chính phủ.

Đáng lẽ, quy định xử phạt nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2021 theo Nghị định 100 năm 2020. Tuy nhiên sau đó Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết hết ngày 31/12/2021. Tức là, từ ngày 1/1/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm: Taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Không phân loại rác, không được thu gom

Cũng từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định (Hiện nay, theo Nghị định 155 năm 2016, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng).

Ngoài ra, Luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền.

Trước khi có luật mới này, phí thu gom rác thải được tính theo cơ chế cào bằng, người xả nhiều hay xả ít cùng đều đóng phí như nhau. Điều này được cho là không công bằng và không tạo động lực để người dân hạn chế xả rác, góp phần bảo vệ môi trường.

Ấn định mức lãi suất cho vay mua nhà ở năm 2022

Những ngày cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ra Quyết định 1956 ấn định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022, đối với dư nợ của các khoản vay mua nhà ở. Mức lãi suất này được quy định là 4,8%/năm, bằng với mức lãi suất năm 2021 và giảm 0,2%/năm so với các năm 2019 và 2020.

Đối tượng được vay vốn là: Cán bộ, công chức, viên chức và người thu nhập thấp cần vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc mua ở nhà thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; hoặc mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có tổng giá trị hợp đồng mua bán không quá 1,05 tỷ đồng…

Được đơn phương nghỉ việc nếu bị quấy rối tình dục ở nước ngoài

Từ ngày 1/1/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở xứ người, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Đáng chú ý, Luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói