2 tỷ người sẽ phải sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này

Khoảng 2 tỷ người, ước tính chiếm 23% dân số toàn cầu, sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này nếu các chính sách khí hậu tiếp tục theo quỹ đạo hiện nay.

2 tỷ người sẽ phải sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này

Nhiệt kế hiển thị 114 độ F (45.5 độ C) tại Baker, bang California, Mỹ ngày 30/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, đây là kết quả nghiên cứu của nhóm do các nhà khoa học tại Đại học Exeter của Anh và Đại học Nam Kinh ở Trung Quốc đứng đầu, vừa được công bố trên tạp chí “Nature Sustainability”.

Trong kịch bản tồi tệ hơn nhưng có thể xảy ra dựa trên các chính sách khí hậu hiện nay, khí hậu tiếp tục ấm lên nhanh hơn sẽ đẩy khoảng 3,3 tỷ người có thể phải đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt vào cuối thế kỷ này. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiệt độ cực cao có thể dẫn đến nhiều bệnh tật và các ca tử vong, trong đó các biến chứng sức khỏe chính phải kể đến là say nắng và tăng thân nhiệt. Nhiệt độ cực đoan cũng làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh mãn tính và có tác động gián tiếp đến việc truyền bệnh, chất lượng không khí và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Người già, trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai, người lao động chân tay và làm việc ngoài trời, vận động viên và người nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương khi nhiệt độ ngày càng cao hơn.

Nghiên cứu cho thấy kể cả khi thế giới có thể hạn chế mực nhiệt tăng thấp hơn mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp thì vẫn sẽ có 400 triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm vào cuối thế kỷ này.

Những người sống ở Ấn Độ, Sudan và Niger đều sẽ bị ảnh hưởng nặng nề dù nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ và nhiệt độ ấm lên 2,7 độ sẽ có tác động to lớn đối với các quốc gia như Philippines, Pakistan và Nigeria.

Xem xét tác động của từng quốc gia đối với mức nhiệt nguy hiểm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng khí thải trung bình của người dân ở những nước giàu như Mỹ có thể tác động đến tình trạng ấm lên toàn cầu trong tương lai, nhưng người dân ở những nước này lại không phải đối mặt với mối đe dọa từ nhiệt độ nguy hiểm nhiều như tại các nước nghèo.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các đô thị là nơi đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm do “hiệu ứng đảo nhiệt”. Các tòa nhà, đường sá và cơ sở hạ tầng hấp thụ nhiệt nhiều hơn và nhiệt độ thậm chí trong một số trường hợp có thể cao hơn tới 15 độ C so với các vùng nông thôn, nơi có môi trường tự nhiên như rừng và các hồ nước.

Trước nguy cơ nhiều thành phố trên thế giới phải đối mặt với nắng nóng cực đoan, chính quyền đã triển khai các giải pháp và cách tiếp cận để giảm thiểu tác hại. Tuy nhiên, giải pháp vẫn mang tính địa phương.

Thành phố Los Angeles, bang California của Mỹ, nơi được xếp hạng là khu vực bị tác động nặng nề nhất từ thiên tai, trong đó có cả sóng nhiệt, gần đây đã phát động chiến dịch xây dựng thêm “các trung tâm phục hồi”, cung cấp bóng râm và làm mát bằng năng lượng tái tạo trong các cộng đồng có nguy cơ cao. Đến nay, thành phố đã có mạng lưới các trung tâm làm mát, chủ yếu ở các thư viện, nơi mọi người có thể đến để tránh nắng nóng. Ngoài trung tâm làm mát, thành phố cũng đang nghiên cứu một hệ thống cảnh báo sớm các đợt nắng nóng.

Trong khi đó, Phoenix, một thành phố ở giữa Sa mạc Sonoran, đang thực hiện một số cải cách, trong đó có việc xây dựng vỉa hè làm mát bằng chất liệu đặc biệt phản chiếu ánh nắng Mặt Trời. Với chất này, nhiệt độ các con đường không chỉ dịu hơn mà còn giữ cho không khí ban đêm mát hơn. Thành phố Miami ở Florida đang lên kế hoạch cho các chiến dịch trồng cây đô thị lớn và cũng đã chi hàng triệu USD cho các thiết bị điều hòa không khí tại những nơi công cộng, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp trang trải hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình thu nhập thấp.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho rằng việc sử dụng điều hòa chỉ là giải pháp cuối cùng để thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu. Tại thành phố Santiago, chính quyền muốn trồng 33 “khu rừng”, sẽ được sử dụng như nơi tránh nắng nóng, đặc biệt là gần các trường học và cơ sở y tế. Đây là giải pháp thay thế cho các trung tâm làm mát bằng điều hòa không khí đang được phát triển ở nhiều nơi tại Mỹ và châu Âu.

Theo Tin tức

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.