Không ngại va chạm
Xác định thu hồi nợ thuế là khâu quan trọng, đồng thời cũng là khâu phức tạp nhất trong công tác thu ngân sách, do vậy, ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế huyện Can Lộc đã triển khai đồng bộ, liên tục, kiên trì và quyết liệt các giải pháp. Trong đó, giải pháp trọng tâm là tăng cường đốc thúc và áp dụng kịp thời biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế cố tình dây dưa, chây ỳ.
Cán bộ thuế huyện Can Lộc hướng dẫn người nộp thuế kê khai hồ sơ
Ông Phạm Quốc Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Can Lộc cho biết: “Chúng tôi quán triệt đến từng cán bộ, công chức bộ phận quản lý nợ phải xác định rõ trách nhiệm của mình, không ngại khó, không ngại va chạm. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý nợ tích cực nắm bắt, xác minh thông tin, qua đó tham mưu đề xuất biện pháp cưỡng chế nợ trúng và đúng đối tượng”.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cưỡng chế 2 doanh nghiệp, qua đó thu về hơn 670 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng ban hành 751 quyết định cưỡng chế; trong đó, có 744 quyết định cưỡng chế qua tài khoản và 7 quyết định đình chỉ hóa đơn.
“Phối hợp với kho bạc, ngân hàng, chúng tôi cưỡng chế doanh nghiệp nợ thuế qua tài khoản. Khi cưỡng chế, doanh nghiệp phản ứng rất dữ dội. Những lúc này, cán bộ thuế phải chấp nhận va chạm thì công việc mới hiệu quả” – Chi cục trưởng Phạm Quốc Dũng cho hay.
Hơn 14,5 tỷ đồng không thể cưỡng chế
Mặc dù quyết liệt trong cưỡng chế nhưng hiện nay, Chi cục Thuế huyện Can Lộc còn khoản nợ 14,537 tỷ đồng của 23 doanh nghiệp không thể cưỡng chế. “Khoản nợ này chủ yếu từ các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, ở các công trình xây dựng nông thôn mới. Với nợ do chưa được thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp được phép khoanh nợ thuế, đến khi nào chủ đầu tư trả hết nợ công trình thì doanh nghiệp mới bắt buộc phải đóng thuế. Vì vậy, ngành thuế không thể cưỡng chế đối với các doanh nghiệp này” – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Can Lộc Phạm Quốc Dũng thông tin.
Nhiều địa phương ở Can Lộc nợ vốn các công trình xây dựng nông thôn mới
Theo thống kê của Chi cục Thuế huyện Can Lộc, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước còn nợ 23 doanh nghiệp này là khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách huyện khoảng 100 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn từ ngân sách xã, tập trung chủ yếu ở các xã: Phú Lộc (đường giao thông nông thôn, trạm y tế…); Yên Lộc (sửa chữa trường mầm non, nâng cấp đài tưởng niệm…); Khánh Lộc (Trạm y tế xã); Trung Lộc (xây dựng sân, đường, tường rào); Trường Lộc (đường giao thông nông thôn); Song Lộc (xây dựng nền mặt đường)…
Chia sẻ về khoản nợ thuế hơn 100 triệu đồng đang được khoanh nợ, ông Phan Bá Kiểm – Giám đốc công ty cổ phần xây dựng Quốc Hưng cho biết: “Công trình mở rộng và nâng cấp đường nội thị do UBND xã Đồng Lộc làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đơn vị thi công đã hoàn thành và bàn giao từ năm 2017 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn còn nợ hơn 1 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp còn nợ thuế hơn 100 triệu đồng. Nếu chủ đầu tư không thanh toán khoản nợ này thì doanh nghiệp cũng không có cách nào để nộp số tiền thuế nợ trên”.
Thủ tục hành chính thuế được công khai tại trụ sở Chi cục Thuế huyện Can Lộc
Chủ đầu tư chưa thanh toán nợ, điều này đồng nghĩa với việc khoản nợ thuế được khoanh không tính tiền chậm nộp vẫn “treo” lơ lửng. Ngành thuế không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi. Đây là khó khăn lớn đối với công tác cưỡng chế thu hồi nợ đọng của ngành thuế huyện Can Lộc. Hi vọng, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ cân đối nguồn lực trả nợ cho các doanh nghiệp để họ nộp thuế, góp phần tăng thu ngân sách cho huyện nhà.