Cán bộ phòng nghiệp vụ Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh thu thập hồ sơ để trình xóa nợ
Tính đến ngày 23/10/2018, tổng số nợ thuế đang theo dõi tại Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh là 29,211 tỷ đồng của 28 doanh nghiệp. Đây là các khoản nợ thuế, nợ phạt chậm nộp của các tờ khai hải quan phát sinh trước khi Luật Quản lý thuế năm 2007 có hiệu lực thi hành.
Hầu hết các khoản nợ này phát sinh từ năm 2000 trở về trước; tất cả đều không có khả năng thu đòi do các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, mất tích, bỏ trốn, chủ doanh nghiệp qua đời...
Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh hiện đang quản lý số nợ khó đòi của 28 doanh nghiệp
Trong số 28 DN nợ thuế chây ỳ, đáng lưu ý là: Công ty TNHH MTV Bắc Sơn (Hà Nội) nợ hơn 8 tỷ đồng tiền thuế phạt chậm nộp từ trước năm 2007. Hiện tại, chủ doanh nghiệp đã qua đời. Ngoài khoản nợ hơn 8 tỷ đồng tại Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Bắc Sơn còn nợ gần 100 tỷ đồng tại Cục Hải quan tỉnh Hà Giang.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh – Phó trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Các khoản nợ mà Cục đang quản lý đều không có khả năng thu đòi nhưng cơ chế xóa nợ rườm rà khiến ngành hải quan phải mất rất nhiều thời gian, công sức để đi thu thập thông tin, hoàn thiện hồ sơ”.
Theo đó, với các khoản nợ xấu không thể thu đòi, ngành hải quan phải thu thập thông tin về doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, hoạt động của doanh nghiệp và phải chứng minh được tài sản của đối tượng bị cưỡng chế không do tổ chức khác nắm giữ…
“Việc thu thập này mất rất nhiều thời gian. Cán bộ hải quan phải gõ cửa rất nhiều cơ quan, ban, ngành. Các doanh nghiệp này hầu hết đóng ở ngoài tỉnh, khi chúng tôi tìm đến địa chỉ trong đăng ký kinh doanh thì “vườn không nhà trống”. Lần theo các manh mối dò hỏi thì gần như không tìm kiếm được bất cứ thông tin gì. Trước đây, cứ 1 năm đơn vị tổ chức vài ba cuộc đi đòi nợ nhưng không hiệu quả" - bà Hạnh cho biết thêm.
Trưởng phòng nghiệp vụ Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh Đào Chí Thành cho hay: Từ 18/5/2018, Tổng cục Hải quan có Quyết định 1503/QĐ-TCHQ ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Từ quyết định này, các khoản nợ không có khả năng thu đòi đã dần có hướng mở để thực hiện xóa nợ. Hiện tại, thay vì tìm tận nơi doanh nghiệp để đòi nợ, chúng tôi chuyển sang tập trung xử lý hồ sơ để trình xóa nợ.
Hành trình hoàn thiện hồ sơ xóa nợ cũng “vất vả” không kém. Đối với biện pháp cưỡng chế “Thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề”, nhiều trường hợp, đơn vị gửi công văn đến các Sở, ngành, địa phương nhưng không nhận được sự phối hợp, phản hồi.
Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đang trình hồ sơ xóa nợ cho 5 doanh nghiệp
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý nợ đọng thuế nhưng với sự nỗ lực của ngành, trong năm 2017, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đã được Tổng cục Hải quan xóa nợ hơn 369,9 triệu đồng tiền phạt chậm nộp thuế cho 2 doanh nghiệp. Riêng năm 2018, đơn vị đã xóa nợ được cho Công ty cổ phần Xuân Hà (Nghị Xuân – Hà Tĩnh) và công ty TNHH Đại Thiện Thành (TP Hồ Chí Minh) với số tiền 24,04 triệu đồng.
Hiện nay, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đang trình hồ sơ xóa nợ cho 5 doanh nghiệp. Mục tiêu của Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành xóa nợ cho 5 doanh nghiệp này để giảm thiểu số nợ đọng.
Từ ngày 1/7/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực, doanh nghiệp không còn được nợ thuế mà phải nộp thuế ngay khi thông quan hàng hóa (doanh nghiệp chỉ được nợ thuế khi có tổ chức tín dụng bảo lãnh - PV). Điều này đã giúp ngành hải quan giảm thiểu được nợ thuế và không phát sinh nợ mới. Riêng Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2010 đến nay không để phát sinh nợ thuế mới. Tổng cục Hải quan cũng không giao chỉ tiêu thu đòi nợ đọng đối với khoản nợ thuế đơn vị đang theo dõi